Khó bán bảo hiểm cho sàn thương mại điện tử
Mua bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa sẽ góp phần hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay, nhưng vì không phải là loại bảo hiểm bắt buộc phải mua nên khó bán.
Chị Nguyễn Thu Hương (quận Tân Bình, TP.HCM) kể, chị đặt mua nước hoa mi-ni Hàn Quốc trên một sàn thương mại điện tử, nhưng hàng nhận về lại không giống như quảng cáo, nhãn mác in lem nhem, mùi cũng không thơm. Liên hệ lại số điện thoại của bên bán theo đầu số 033649230 nhiều lần không được. Gọi cho shipper thì họ nói chỉ là bên vận chuyển nên không có trách nhiệm. Liên hệ tới hotline thì nhân viên trực tổng đài hẹn trong 5-7 ngày làm việc sẽ trả lời, nhưng đã hơn 10 ngày qua chị vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào từ sàn thương mại điện tử này.
Tương tự, chị Kim Lan (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, thông qua quảng cáo, chị đặt mua sản phẩm búp bê Matryoshka của Nga trên một sàn thương mại điện tử lớn. Do quy định không cho kiểm hàng trước, nên sau khi mở kiện hàng mới phát hiện đây là hàng chất lượng kém. Vào ứng dụng (app) của trang này thì thấy shop bán hàng cho mình treo bảng “đã hủy đơn hàng”. Liên hệ trực tiếp thì nhân viên tư vấn yêu cầu cung cấp thông tin đơn hàng, mã vận đơn, thời gian nhận hàng và các hình ảnh sản phẩm được giao. Sau khi kiểm tra, nhân viên này trả lời mã đặt hàng, mã giao hàng không khớp và cho rằng có dấu hiệu giả mạo bên ngoài hệ thống để lừa đảo người dùng nên đã báo cáo cơ quan chức năng xử lý.
“Tôi có hỏi về trách nhiệm khi để lọt đối tượng lừa đảo hoạt động trên sàn thương mại điện tử của mình và khách hàng sẽ được bảo vệ như thế nào thì nhân viên cho biết vấn đề này nằm ngoài thẩm quyền, Công ty sẽ trả lời bằng văn bản qua email trong thời gian 7 ngày làm việc, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi”, chị Lan ngao ngán.
Lâu nay, việc người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam diễn ra phổ biến. Theo một số đại lý bảo hiểm tổ chức, nếu các hàng hóa này được mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm thì nhà bảo hiểm sẽ đứng ra lo giùm và người mua hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi nếu mua phải hàng kém chất lượng, nhưng đến nay chưa có hợp đồng nào được bán cho các sàn thương mại điện tử.
“Qua tìm hiểu, tôi được biết, hiện chưa có sàn thương mại điện tử nào ở Việt Nam mua hoặc được bảo hiểm trách nhiệm bởi bên thứ ba, kể cả những “ông lớn” như Shoppee, Lazada, Sendo… Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các trang điện tử giao hàng ăn nhanh, app đặt thức ăn nở rộ, chúng tôi cùng một số nhà bảo hiểm đã nghiên cứu để chào bán gói bảo hiểm nhà hàng, khách sạn, đồ ăn… nhưng đều bị khước từ”, bà Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Financial Insurance Services Vietnam (F.I.S Vietnam) cho hay.
Đại diện AIG Việt Nam cũng cho hay, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm là thế mạnh của Công ty, đặc biệt với người bán hàng sang thị trường Mỹ, nhưng các đại lý bảo hiểm của AIG gần như không tiếp cận được với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Trao đổi với phóng viên, một số nhà bảo hiểm khác như BIC, VNI, PTI cũng cho biết chưa bán được bảo hiểm cho những đối tượng này.
“Các sàn thương mại điện tử hay fanpage bán hàng online chỉ là bên trung gian, sản phẩm thực tế không phải của họ, trong khi bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm thường bán cho nhà sản xuất”, đại diện BIC nói.
Đem vấn đề trao đổi với một số sàn thương mại điện tử thì được biết, bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa là loại bảo hiểm không bắt buộc và không phải sản phẩm nào cũng phải mua bảo hiểm nên không quá quan tâm. Hơn nữa, nếu mua sẽ làm tăng chi phí, từ đó làm tăng giá thành, dẫn đến khó bán sản phẩm.
Ghi nhận từ PTI cũng cho thấy, một trong những lý do khó bán là bởi đây là những kênh trung gian, không phải nhà sản xuất hàng hóa nên khó định lượng chính xác tổn thất để đền bù.
Theo chuyên gia bảo hiểm Đặng Đình Chính, dù không bắt buộc, nhưng đã đến lúc khách hàng cần yêu cầu bên bán là các shop, sàn thương mại điện tử mua bảo hiểm trách nhiệm cho sản phẩm mình bán như một điều kiện cần, tức là có bảo hiểm thì mới mua hàng, để có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ người tiêu dùng.
Bà Ngô Thu Hà, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, để bảo vệ mình, người tiêu dùng phải khắt khe hơn với người bán, đòi hỏi họ phải có trách nhiệm về sản phẩm nếu không kiểm soát được chất lượng. Việc mua bảo hiểm sẽ khiến khách hàng chịu mức giá bán cao hơn, nhưng bù lại có thể bảo vệ khách hàng khỏi cảm xúc tiêu cực, phiền toái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận