Khi nào nên "bắt dao rơi"?
“Bắt dao rơi” là một hành động mang lại cho nhà đầu tư nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, đây không phải là hành động được khuyến khích đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp khi nhà đầu tư sẽ gánh chịu nhiều rủi ro hơn mức cần thiết. Vì thế, để thành công trên thị trường, nhà đầu tư cần học được cách khi nào nên bắt dao rơi khi nào không.
“Bắt dao rơi”
“Dao rơi” là tiếng lóng trong thị trường tài chính chỉ về giá của một cổ phiếu hoặc tài sản nào đó đang giảm mạnh. “Bắt dao rơi” là hành động bắt đáy cổ phiếu/tài sản khi giá cổ phiếu đang giảm mạnh với kỳ vọng là giá sẽ bật tăng sau đó.
Thị trường chứng khoán đã có sự điều chỉnh mạnh trong thời gian gần đây, với nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh mạnh trên 50% từ tháng 4/2022. Lúc này, nhiều nhà đầu tư đang tính đến việc giải ngân trở lại hay “bắt dao rơi” khi cho rằng đây là một giai đoạn phù hợp.
Xu hướng của VN-Index
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán có nhiều nhóm nhà đầu tư khác nhau với những chiến lược đầu tư khác nhau. Có nhóm chuyên đầu tư cơ bản, đầu tư dài hạn, có nhóm chuyên lướt sóng hoặc đầu cơ… “Bắt dao rơi” không phải là hành động phù hợp với tất cả nhóm nhà đầu tư. Hành động này chỉ phù hợp với một nhóm nhà đầu tư lão làng nhất định.
Đặc điểm chung của nhóm nhà đầu tư này là sau khi bắt dao rơi, họ biết phải làm gì tiếp theo, có thể hiểu rằng nhóm này đã có chiến lược, mục đích đầu tư cụ thể và rõ ràng với những vị thế mua ở giai đoạn điều chỉnh của thị trường. Đặc biệt, họ biết phải làm gì nếu như giá cổ phiếu/ tài sản tiếp tục điều chỉnh.
Có nên “bắt dao rơi”?
Trong giai đoạn điều chỉnh và phục hồi thị trường sẽ có 3 giai đoạn: Giá điều chỉnh, giá tạo đáy và giá phục hồi.
Ba giai đoạn này có thể hình thành một số mẫu hình chữ V, U hoặc có thể là chữ W... với thời gian hình thành đáy từ vài ngày, vài tháng đến vài năm. “Bắt dao rơi” là hành động mua cổ phiếu ở giai đoạn 1 và càng gần giai đoạn 2 càng tốt để tốt đa hóa lợi nhuận. Nếu bắt đáy thành công sẽ mang lại lợi nhuận lớn và một cảm giác chiến thắng.
Tuy nhiên, có một vấn đề ở đây là nếu bắt đáy thất bại thì sao? Chúng ta sẽ phải nắm giữ cổ phiếu trong một giai đoạn điều chỉnh và chịu thua lỗ lớn. Đặc biệt với thị trường Việt Nam, thời gian chờ cổ phiếu về tài khoản (T+2) có thể làm nhà đầu tư không thể bán ra cổ phiếu để cắt lỗ hoặc việc mất thanh khoản với một số cổ phiếu giảm sàn (điều này không phải là hiếm). Điều này dẫn đến rủi ro khi bắt đáy là rất lớn.
Nhìn lại ba giai đoạn phía trên thì sẽ nhận thấy thời điểm mua hợp lý sẽ nằm ở giai đoạn giá hồi phục. Ở giai đoạn này mọi tín hiệu đều được cải thiện, từ thanh khoản đến tâm lý nhà đầu tư. Đặc biệt rủi ro ở giai đoạn này cũng sẽ ít hơn rất nhiều so với giai đoạn giá điều chỉnh. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý nếu thị trường điều chỉnh và phục hồi theo mẫu hình chữ V (mẫu hình thường thấy) thì bất kỳ mức giá “bắt dao rơi” nào xuất hiện ở giai đoạn giá điều chỉnh đều xuất hiện ở giai đoạn giá phục hồi nhưng mức độ rủi ro ở giai đoạn giá phục hồi thấp hơn rất nhiều. Như vậy, tại sao phải mạo hiểm tiền để bắt dao rơi ở giai đoạn giá điều chỉnh mà không phải là chờ đến khi thị trường có tín hiệu phục hồi mới giải ngân trở lại?
Một số vấn đề khác
Đặc biệt do đặc điểm T+2 của thị trường Việt Nam nên nhà đầu tư có thể gánh chịu thêm nhiều rủi ro không cần thiết. Bên cạnh đó, hiện tượng giảm sàn và mất thanh khoản cũng là điều mà nhà đầu tư cần cân nhắc. Vì thế, việc mua sàn hay mua khi giá cổ phiếu điều chỉnh mạnh là điều không được khuyến khích. Thay vào đó nhà đầu tư nên tuân theo chiến lược đầu tư ban đầu hoặc chờ tín hiệu phục hồi xuất hiện vì trong một xu hướng điều chỉnh mọi mức giá xuất hiện ở thời điểm trước đều sẽ xuất hiện khi giá cổ phiếu phục hồi trở lại với mức rủi ro thấp hơn.
Nhưng khi thị trường điều chỉnh, những ngưỡng hỗ trợ lại tỏ ra khá yếu và rất dễ bị phá vỡ, do tâm lý nhà đầu tư ở giai đoạn này thường là thận trọng hoặc bi quan nên lực cầu có thể không đủ để giúp một ngưỡng trở thành một hỗ trợ mạnh. Vì thế việc mạo hiểm mua ở những vùng hỗ trợ (nếu không có sự xác nhận trước đó) có thể tạo ra một rủi ro không đáng có.
Thường nhà đầu tư sẽ trung bình giá khi cổ phiếu giảm sàn, có những phiên giảm mạnh hoặc không có chiến lược trung bình cụ thể. Việc trung bình “bừa bãi” có thể làm nguồn lực của nhà đầu tư bị cạn kiệt (không còn tiền) và không thể mở vị thế khi thị trường phục hồi trở lại (có tín hiệu xác nhận xu hướng tăng).
Bên cạnh đó, giá giảm sàn hay giảm mạnh không phải là lý do hợp lý để trung bình giá, mà nhà đầu tư nên trung bình giá ở những vùng hỗ trợ “mạnh” (có một số tín hiệu đảo chiều) nơi giá có thể đảo chiều tăng trở lại. Vì thế, khi quyết định trung bình giá nhà đầu tư cần có chiến lược rõ ràng và chuẩn bị những kịch bản để đối phó với những tình huống có thể xảy ra.
Nguồn: Vietstock. vn
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận