Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam. Đặc biệt, cộng đồng công nghệ và doanh nghiệp blockchain kỳ vọng đây sẽ là cú hích chính sách, mở đường cho sự bùng nổ của công nghệ này.
Động lực chính sách và bước tiến của tài sản số tại Việt Nam
Những chỉ đạo mới từ Bộ Chính trị đã mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của thị trường tài sản số tại Việt Nam. Cơ hội này đang được hiện thực hóa thông qua việc thúc đẩy Luật Công nghiệp Công nghệ số, trong đó đưa “tài sản số” và “tài sản mã hóa” vào khuôn khổ pháp lý. Dự thảo Luật dự kiến được trình Quốc hội vào tháng 5, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc chính thức hóa loại tài sản này.
Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 1/3 tiếp tục cụ thể hóa quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế số. Theo đó, Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước xây dựng khung pháp lý quản lý và phát triển tài sản số trong tháng 3.
Dòng chảy chính sách cho thấy sự chuyển động mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhằm đưa thị trường công nghệ và tài sản số vào khuôn khổ chính thống, giúp lĩnh vực này đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước.
Khai phá nguồn lực kinh tế trong vùng xám
Việt Nam hiện đang thí điểm khung pháp lý cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa, đặc biệt là các sàn giao dịch. Đây không chỉ là bước đầu tiên trong quá trình luật hóa mà còn là chiến lược nhằm khai thác nguồn lực kinh tế ngầm chưa được định danh.
Theo Chainalysis, trong giai đoạn 2022-2024, dòng tiền từ tài sản mã hóa vào Việt Nam ước tính hơn 100 tỷ USD, gấp đôi dòng vốn FDI chính thống. Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất thế giới. Báo cáo của TripA cho thấy khoảng 17 triệu người Việt Nam, chiếm 17% dân số, đang nắm giữ tài sản mã hóa, xếp thứ 5 toàn cầu. Những con số này phản ánh rõ sự tồn tại của một nền kinh tế ngầm đáng kể, đòi hỏi chính sách hợp lý để hợp thức hóa, quản lý và tận dụng hiệu quả.
Không chỉ vậy, Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa năm 2023 và đứng thứ 7 về số lượng người sở hữu loại tài sản này vào năm 2024. Với đà phát triển mạnh mẽ, nhiều sàn giao dịch quốc tế đã gia nhập thị trường Việt Nam, tuy nhiên không ít nền tảng thiếu minh bạch. Khi xảy ra rủi ro hay tranh chấp, Việt Nam chưa có khung pháp lý đầy đủ để bảo vệ nhà đầu tư.
Xây dựng hành lang pháp lý không chỉ giúp kiểm soát rủi ro mà còn tạo điều kiện để dòng vốn từ tài sản mã hóa đóng góp chính thức vào nền kinh tế. Nhà nước có thể thu thuế từ giao dịch, đồng thời giảm thiểu hệ lụy từ những hoạt động đầu tư chưa được kiểm soát. Nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội tham gia vào một thị trường minh bạch, được bảo vệ trong khuôn khổ pháp luật.
Việc ban hành khung pháp lý còn là điều kiện quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi danh sách xám của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Toàn cầu (FATF) và thúc đẩy ứng dụng blockchain vào nhiều lĩnh vực như tài chính, logistics, y tế, giáo dục..., từ đó tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, hiệu quả của luật sẽ phụ thuộc vào khả năng thực thi và tác động thực tế đến nền kinh tế. Quan trọng hơn, liệu chính sách có thể định hướng dòng chảy tài sản số theo hướng tích cực, tạo ra giá trị bền vững hay không?
Bài học từ thế giới
Nhiều quốc gia đã triển khai khung pháp lý cho tài sản số mà Việt Nam có thể học hỏi. Thái Lan là một ví dụ điển hình. Ngay từ năm 2018, nước này đã thiết lập tiêu chuẩn cho hoạt động chào bán tài sản số, đồng thời đưa ra cơ chế quản lý token minh bạch, giúp nhà đầu tư đánh giá rủi ro. Gần đây, Thái Lan tiếp tục đạt hai bước tiến quan trọng: niêm yết Bitcoin ETF trên sàn chứng khoán và thí điểm cho phép người nước ngoài sử dụng Bitcoin trong thanh toán.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thay đổi cách tiếp cận với tài sản mã hóa, từ kiểm soát chặt chẽ sang hướng dẫn dắt thị trường. Thay vì tập trung phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), chính phủ Mỹ chuyển sang khuyến khích stablecoin do khu vực tư nhân phát hành.
Những thay đổi chính sách từ Mỹ có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường tài sản số toàn cầu, tác động đến cả châu Âu và châu Á. Việt Nam cần theo dõi sát sao các xu hướng này để điều chỉnh chính sách phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo phát triển thị trường một cách linh hoạt và hiệu quả.
Lộ trình phát triển khung pháp lý tài sản số tại Việt Nam
Việc quản lý tài sản số cần được triển khai theo lộ trình hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung xây dựng khung pháp lý thử nghiệm, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo là ban hành các nghị định chi tiết sau khi Luật Công nghiệp Công nghệ số được thông qua.
Việc thực thi giai đoạn hai có thể tham khảo mô hình chính sách đang triển khai tại TP. HCM và Đà Nẵng theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 và Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, Nghị quyết 259/NQ-CP cũng đặt nền móng cho việc phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Ở giai đoạn đầu, nếu khung pháp lý thử nghiệm được áp dụng cho các sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiêu chí lựa chọn cần đặt trọng tâm vào tiềm lực tài chính và năng lực công nghệ. Trong thực tế, các sàn giao dịch giai đoạn sơ khai đối mặt với rủi ro tấn công mạng nghiêm trọng. Điển hình như vụ Mt. Gox (Nhật Bản) bị hacker xâm nhập hay sàn Bybit gần đây bị tấn công, gây thiệt hại 1,5 tỷ USD. Những sự cố này cho thấy yêu cầu cấp thiết về tiêu chí kiểm soát rủi ro trong quá trình thử nghiệm.
Cơ chế quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hóa cũng cần sự điều chỉnh phù hợp, thay vì áp dụng mô hình chứng khoán truyền thống. Tài sản mã hóa có đặc thù liên thông quốc tế, giao dịch liên tục 24/7 và phần lớn không tồn tại dưới dạng vật lý. Do đó, cần một cơ chế quản lý linh hoạt hơn để phù hợp với bản chất của thị trường này.
Ngoài yếu tố quản lý, khung pháp lý cũng cần tính cạnh tranh khu vực để thu hút dòng vốn từ nền kinh tế ngầm vào khu vực chính thống. Nếu quy định quá chặt chẽ và thiếu tính hấp dẫn so với các quốc gia khác, mục tiêu thúc đẩy thị trường tài sản mã hóa sẽ khó đạt được.
Cuối cùng, việc luật hóa không chỉ nhằm kiểm soát thị trường mà còn là động lực giúp Việt Nam phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới. Một khung pháp lý linh hoạt, chặt chẽ nhưng không cứng nhắc sẽ là chìa khóa để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ thị trường tài sản số đang bùng nổ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường