Khách sạn, homestay mùa dịch: Nơi bán bù lỗ, nơi tìm cách cầm cự chờ đại dịch đi qua
Dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là ngành kinh doanh khách sạn, homestay. Không có khách, không có doanh thu, chủ của loại hình bất động sản này đang gặp vô vàn khó khăn.
Ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh
Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát ở nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến ngành Du lịch nước ta gần như đóng băng hoàn toàn. Các hoạt động đều dừng lại toàn bộ, chuyến bay nội địa và nước ngoài phải hạn chế về số lượng để thực hiện phòng chống dịch. Do đó, không còn đông đảo khách quốc tế tới tham quan du lịch, người dân trong nước cũng trở nên dè dặt khi lựa chọn các tour du lịch nội địa vào thời điểm dịch bệnh này.
Tưởng chừng như tình hình dịch bệnh sẽ chuyển biến theo chiều hướng tốt, thế nhưng trên thế giới xuất hiện các biến chủng virus có khả năng lây nhiễm nhanh và nguy hiểm hơn, khiến cho dịch bệnh lại bùng phát và kéo dài suốt 2 năm qua.
Tại Việt Nam, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng tư đến nay đã khiến nhiều chủ khách sạn, homestay tiếp tục bị giáng một đòn nặng nề khi đang cố gắng gượng dậy sau đợt bùng phát trước đó. Không có nguồn khách du lịch nước ngoài cũng như khách trong nước, không có doanh thu, nhiều người buộc phải rao bán tài sản của mình.
Từ ngày bùng phát dịch cho đến nay, trên các trang mua bán nhà đất luôn xuất hiện hàng loạt bài đăng kèm thông tin rao bán gấp homestay, khách sạn. Đa phần các homestay, khách sạn này đều nằm tại điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước như Ninh Bình, Hà Giang, Đà Lạt, Nha Trang…
Trên trang rao bán Batdongsan.com, tại Đà Lạt, chủ một số homestay, homestay villa đã đăng rao bán bất động sản với một số thông tin như bán gấp, bán do không người quản lý, bán để trả nợ, bán giá tốt, chính chủ, có giấy tờ đầy đủ để kinh doanh… Phân khúc giá homestay tại đây ở mức vài tỷ đến dưới 50 tỷ đồng.
Hay tại Thành phố Hồ Chí Minh, các khách sạn tại Quận 1, nơi tập trung nhiều khách quốc tế cũng như khách trong nước tới du lịch thành phố này cũng đang được rao bán với giá cao ngất ngưởng.
Các khách sạn với diện tích từ 100m2 trở lên, hai mặt tiền, view đẹp, gần trung tâm, phố đi bộ Nguyễn Huệ đã có giá lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Riêng tại Hà Nội, nhiều khách sạn tại vị trí đẹp, mặt phố tại các khu vực như phố cổ, gần hồ Gươm đang được rao bán với mức giá đa dạng. Tùy vào vị trí, diện tích, khách sạn sẽ có giá khác nhau.
Theo khảo sát, những khách sạn mặt phố, khách sạn càng gần hồ Gươm càng có giá đắt đỏ, có thể lên tới 1 - 1,5 tỷ đồng/m2, còn lại sẽ có giá dưới 1 tỷ đồng/m2. Các homestay cũng có giá giao động từ vài tỷ đến chục tỷ cho một căn.
Trước đó, kinh doanh khách sạn, homestay ở vị trí trung tâm được biết đến là mô hình kinh doanh ổn định, hái ra tiền với vị trí đắc địa, là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Rất ít người muốn rao bán loại hình bất động sản này. Họ đều giữ lại để cho thuê kiếm lợi nhuận khủng lên tới trăm triệu cho một năm. Tuy nhiên, dưới tác động bởi dịch Covid-19 kéo dài, các chủ homestay, khách sạn đều lao đao và cho rằng bán đi là cách duy nhất.
Cho đến nay, dù tin chào bán xuất hiện nhiều trên mọi nền tảng rao bán nhà đất nhưng hầu hết các khách sạn, homestay vẫn chưa tìm được chủ mới. Người mua đều chưa thật sự mặn mà với việc mua bán khách sạn, homestay thời điểm này nên giao dịch mới gần như chưa có.
Theo một người môi giới bất động sản tại Hà Nội, khoản nợ ngân hàng ngày càng lớn trong khi chủ khách sạn, homestay đang gặp khủng hoảng tài chính nặng nề. Lỗ chồng lỗ là nguyên nhân chính khiến họ lựa chọn rao bán tài sản. Một số còn đang lo ngại rằng họ đang đứng trên bờ vực phá sản, không thể vực dậy.
Đa phần trường hợp xảy ra đều là các khách sạn 2 - 3 sao hoặc khách sạn gia đình, khách sạn mini, homestay quy mô nhỏ hay các trường hợp đầu tư bộc phát theo trào lưu.
Người môi giới này cho rằng, trường hợp bán tài sản là homestay, khách sạn hiện nay không xuất hiện ồ ạt hay bán cắt lỗ, nhưng cũng đủ thể hiện rõ ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh tác động lên loại hình cư trú này thời gian vừa qua.
Chờ đợi những giải pháp mới
Tuy gặp khó khăn nhưng cũng có không ít chủ khách sạn, homestay vẫn đang cố gắng gồng gánh, chấp nhận thua lỗ để sống sót qua đại dịch.
Không lựa chọn rao bán, những người này vẫn tìm cách để duy trì hoạt động kinh doanh và chỗ ở cho các khách đang lưu trú.
Hiện nay, một số chủ sở hữu các khách sạn, homestay có quy mô nhỏ, chủ yếu dựa vào nguồn khách quốc tế vẫn đang cố gắng tìm cách xoay xở nguồn lực tài chính, trao đổi với ngân hàng và các tổ chức tín dụng để được giảm bớt khó khăn.
Thậm chí nhiều nơi còn treo biển giảm giá sâu phòng trống lên tới 70% để thu hút khách du lịch, cầm cự tạm thời.
Còn đối với các chủ sở hữu quy mô lớn, họ chọn cách duy trì bằng nguồn tài chính từ hoạt động các ngành kinh doanh khác mà họ tham gia, đảm bảo khách sạn sẽ được hoạt động sau khi hết dịch.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Định, một số khách sạn đủ điều kiện phòng chống dịch đã đăng ký với Sở Du lịch, chính quyền làm địa điểm cách ly có thu phí.
Thông qua website và ứng dụng di động, người nhập cảnh, công dân về từ vùng dịch có nhu cầu được cách ly tại khách sạn sẽ đặt dịch vụ cách ly một cách dễ dàng.
Họ chỉ cần đăng nhập, lựa chọn khách sạn, xem giá phòng, tình trạng phòng trống và thanh toán trực tuyến cho khách sạn đó là có thể đến cách ly. Các khách sạn cũng cung cấp một số gói dịch vụ lưu trú cho khách hàng với mức giá đa dạng, phù hợp nhiều đối tượng khác nhau.
Theo các chuyên gia, đây cũng là một cách để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, các chủ khách sạn có thể vực dậy, đưa khách sạn đi vào hoạt động theo một phương thức phù hợp với tình hình mới, vừa phục vụ công tác phòng chống dịch, vừa có doanh thu để duy trì, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần xây dựng thêm nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khách sạn, homestay… gặp khó khăn, đang bị dừng hoạt động, không có doanh thu trong suốt thời gian nhiều tỉnh thành giãn cách, đóng cửa không đón khách quốc tế để họ sớm phục hồi trở lại.
Mặt khác, hộ chiếu vắc xin là điều mà nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nước ta đang chờ đợi. Khi hộ chiếu vắc xin được triển khai rộng rãi, người dân được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ và tạo ra miễn dịch cộng đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các dịch vụ lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay) sẽ được hồi sinh trở lại.
Song các chuyên gia cũng cho rằng nếu triển khai ồ ạt hộ chiếu vắc xin ở nhiều địa điểm, đón tiếp nhiều đoàn khách người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cùng một lúc thời điểm này là điều không nên.
Có thể áp dụng thí điểm tại một vài nơi trong thời gian tới, tạo ra không gian du lịch khép kín, ít tiếp xúc, đảm bảo an toàn cho cả người dân và khách tham quan, du lịch. Đây cũng là một cách giúp doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực cư trú , đặc biệt là ngành Du lịch được đón khách, đưa vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, có được doanh thu, lợi nhuận.
Cho đến thời điểm hiện tại, Phú Quốc (Kiên Giang) đã được quyết định sẽ là nơi đầu tiên lên kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế. Trên cơ sở đó, chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến khác trong cả nước bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận