24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
My Lăng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khả năng thanh toán là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán

Khả năng thanh toán là chỉ số cực kỳ quan trọng, giúp đánh giá năng lực về tài chính mà doanh nghiệp có được, để đáp ứng nhu cầu thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Vậy chỉ số này thực chất là gì và công thức tính cũng như ý nghĩa ra sao? Hãy cùng 24h Money tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

1. Khả năng thanh toán là gì?

Khả năng thanh toán cho biết năng lực tài chính đáp ứng các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp (bao gồm cả khoản nợ ngắn và dài hạn), được đo bằng lượng giá trị tài sản hiện có so với tổng nợ mà doanh nghiệp đang gánh chịu.

  • Khả năng thanh toán cao cho thấy công ty có năng lực tài chính tốt, đảm bảo khả năng chi trả các khoản nợ.
  • Khả năng thanh toán thấp cho thấy công ty đang gặp vấn đề về tài chính, có nhiều rủi ro và có thể mất khả năng thanh toán trong tương lai. Nếu doanh nghiệp không thể thanh toán các khoản nợ thì rủi ro phá sản là rất lớn.

2. Tại sao cần đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp?

Thông qua việc đánh giá khả năng thanh toán, các đối tượng quan tâm có thể nhận định được tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định quản trị hay đầu tư, cho vay phù hợp.

  • Với nội bộ doanh nghiệp: Đánh giá khả năng thanh toán để thấy được tiềm năng và nguy cơ trong quá trình thanh toán những khoản nợ, qua đó đưa ra các biện pháp cải thiện dòng tiền, xử lý kịp thời những vấn đề về khả năng thanh toán.
  • Với nhà đầu tư, nhà cung cấp, ngân hàng (hay bên cho vay): Đánh giá khả năng thanh toán để xem xét khả năng trả nợ đến hạn của doanh nghiệp và đưa ra các quyết định đầu tư, hợp tác, cho vay sao cho tránh được rủi ro.

3. Các chỉ số đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Nhóm chỉ số dùng để đánh giá khả năng thanh toán của một công ty gồm các chỉ số chính dưới đây. Bạn có thể dựa vào kết quả của chúng để nhìn ra năng lực tài chính của doanh nghiệp đang ở mức độ nào, tốt hay không.

3.1. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát

Hệ số khả năng thanh toán tổng quát phản ánh tổng quát năng lực thanh toán của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, hệ số này cho thấy một đồng nợ của doanh nghiệp được đảm bảo bằng bao nhiêu đồng tài sản.

Công thức tính

Hệ số khả năng thanh toán tổng quát = Tổng tài sản/Nợ phải trả

  • Nếu hệ số này 2: Khả năng thanh toán của doanh nghiệp được đánh giá là rất tốt nhưng hiệu quả sử dụng vốn có thể không cao, đòn bẩy tài chính thấp, dẫn đến doanh nghiệp khó tăng trưởng mạnh.
  • Nếu hệ số này nằm trong khoảng từ 1 - 2: Khả năng thanh toán của doanh nghiệp ở mức chấp nhận được. Về cơ bản, doanh nghiệp có thể đáp ứng được các khoản nợ đến hạn với lượng tài sản hiện có.
  • Nếu hệ số này < 1: Khả năng thanh toán của doanh nghiệp thấp. Chỉ số này càng tiến dần về 0, doanh nghiệp sẽ mất dần khả năng thanh toán và có thể dẫn tới phá sản.

3.2. Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn

Khả năng thanh toán là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán

Khả năng thanh toán ngắn hạn là mối quan hệ giữa toàn bộ tài sản có thời gian chu chuyển ngắn của doanh nghiệp và nợ ngắn hạn. Cụ thể:

Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn

Trong đó: Nợ ngắn hạn là những khoản nợ mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán trong kỳ. Doanh nghiệp phải sử dụng các tài sản thực có, có khả năng chuyển đổi thành tiền nhanh nhất (chính là các tài sản ngắn hạn) để thanh toán các khoản nợ đến hạn.

  • Nếu hệ số này < 1: Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp không đủ để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Vì vậy, khả năng thanh toán được đánh giá là không tốt. Đặc biệt, nếu hệ số này tiến dần về 0 cho thấy doanh nghiệp khó có khả năng trả được nợ, tình hình tài chính đang gặp khó khăn và có nguy cơ bị phá sản.
  • Nếu hệ số này 1: Doanh nghiệp đảm bảo chi trả được các khoản nợ đến hạn, rủi ro phá sản thấp, tình hình tài chính được đánh giá tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ số này quá cao cũng không tốt. Điều đó thể hiện rằng doanh nghiệp có đủ nguồn lực cho thanh toán nhưng lại giảm hiệu quả sử dụng vốn do đầu tư quá nhiều vào tài sản ngắn hạn.

Hạn chế:

Hệ số này không loại trừ các tài sản khó chuyển đổi thành tiền để trả nợ như: các khoản nợ phải thu khó đòi, hàng tồn kho kém chất lượng, các khoản thiệt hại đang chờ xử lý…Do đó, nếu chỉ nhìn vào chỉ số này sẽ không đánh giá được chính xác tình hình thanh toán của doanh nghiệp.

3.3. Hệ số khả năng thanh toán nhanh

Khả năng thanh toán là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán

Khi tiến hành thanh toán các khoản nợ thì doanh nghiệp cần phải chuyển các tài sản ngắn hạn thành tiền. Tuy nhiên, hàng tồn kho (công cụ, dụng cụ, thành phẩm tồn kho…) là bộ phận dự trữ thường xuyên cho kinh doanh, không thể chuyển đổi ngay thành tiền nên sẽ có khả năng thanh toán kém nhất. Vì vậy, khi tính khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp, hàng tồn kho sẽ bị loại bỏ.

Công thức tính

Hệ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn - Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn

  • Nếu hệ số này nằm trong khoảng từ 0,5 - 1: Khả năng thanh toán của doanh nghiệp được cho là khả quan. Tuy nhiên, cũng giống như các chỉ số tài chính khác, để ra quyết định chính xác, đưa ra kết luận hệ số này là tốt hay xấu thì bạn cần phải xem xét đến bản chất, điều kiện kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.
  • Nếu hệ số này < 0,5: Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh toán nợ. Để đủ tiền trả nợ ngắn hạn, doanh nghiệp có thể phải bán gấp hàng tồn kho hoặc tài sản để trả nợ.

Tuy nhiên, nếu hệ số này quá cao thì cũng không tốt vì khi đó, tiền mặt tại quỹ nhiều hoặc các khoản phải thu của doanh nghiệp lớn. Điều này ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp đó.

Hạn chế

Hệ số khả năng thanh toán nhanh cũng có những hạn chế như sau:

  • Công thức tính hệ số khả năng thanh toán nhanh đã triệt tiêu năng lực thanh toán không dùng tiền của doanh nghiệp để trả các khoản nợ. Hay nói cách khác, công thức trên chưa tính đến khả năng công ty dùng một lượng hàng hóa mà thị trường đang có nhu cầu cao để bán ngay hay xuất đối lưu để trả nợ. Điều này sẽ là sai lầm khi đánh giá rằng doanh nghiệp có khả năng thanh toán thấp trong khi doanh nghiệp có lượng hàng hóa tồn kho có thể bán ngay bất cứ lúc nào.
  • Nợ ngắn hạn có thể lớn nhưng doanh nghiệp chưa cần thanh toán ngay thì khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp đó cũng có thể được coi là lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ áp theo công thức trên, bạn sẽ nhận xét rằng doanh nghiệp có khả năng thanh toán nhanh thấp.

Vì vậy, để đánh giá khách quan, chính xác khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp, bạn cần xem xét kỳ hạn thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, ngành nghề kinh doanh, điều kiện thị trường…của doanh nghiệp đó.

3.4. Hệ số khả năng thanh toán tức thời

Khả năng thanh toán là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán

Hệ số khả năng thanh toán tức thời xem xét các khoản mà doanh nghiệp có thể dùng để thanh toán nhanh nhất đó là tiền. Hệ số này cho biết với số tiền và các khoản tương đương tiền mà doanh nghiệp hiện có, nó có đảm bảo thanh toán kịp thời các khoản nợ ngắn hạn hay không.

Công thức tính

Hệ số khả năng thanh toán tức thời = Tiền và các khoản tương đương tiền/Nợ ngắn hạn

So với các chỉ số khả năng thanh toán nhanh hay hay khả năng thanh toán ngắn hạn, chỉ số này đòi hỏi khắt khe hơn về tính thanh khoản. Cụ thể, hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn bị loại khỏi công thức tính do tính thanh khoản thấp, không có gì đảm bảo rằng hai khoản này có thể chuyển thành tiền nhanh chóng để đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn.

Giống như hệ số khả năng thanh toán nhanh, hệ số này cũng dao động từ 0,5 - 1 được cho là khả quan. Nếu hệ số này quá nhỏ tức là doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ. Tuy nhiên, để kết luận đúng đắn về tình trạng của doanh nghiệp, bạn cần xem xét bản chất, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Hạn chế

Mặc dù Hệ số khả năng thanh toán tức thời phản ánh được mức thanh khoản cao nhất của doanh nghiệp nhưng tính khả dụng của nó lại khá hạn chế. Các nhà phân tích thường ít dùng chỉ số này khi phân tích cơ bản. Nó chỉ đặc biệt hữu ích khi đánh giá tính thanh khoản của một công ty trong giai đoạn nền kinh tế đang trong tình trạng khủng hoảng - khi hàng tồn kho không bán được, khoản phải thu khó thu hồi.

3.5. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay

Khả năng thanh toán là gì? Cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán

Hệ số này phản ánh khả năng thanh toán lãi tiền vay của doanh nghiệp và qua đó đánh giá mức độ rủi ro có thể gặp phải của các chủ nợ.

Công thức tính

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước lãi vay và thuế / Lãi vay phải trả trong kỳ

Đây là một trong những chỉ tiêu mà bên cho vay rất quan tâm khi tiến hành thẩm định vay vốn của khách hàng. Nó ảnh hưởng rất lớn đến xếp hạng tín nhiệm cũng như quyết định về lãi suất vay vốn của doanh nghiệp.

3.6. Hệ số khả năng chi trả ngắn hạn

Hệ số khả năng chi trả ngắn hạn còn gọi là hệ số khả năng chi trả bằng tiền, phản ánh khả năng thanh toán của doanh nghiệp ở trạng thái động, do dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ.

Hệ số này giúp đánh giá khả năng hoàn trả nợ vay đến hạn từ chính hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà không tính đến các nguồn tài trợ khác.

Công thức tính:

Hệ số khả năng chi trả bằng tiền = Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh / Nợ ngắn hạn bình quân

4. Những lưu ý khi đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Việc đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà còn là công cụ giúp nhà đầu tư, nhà cung cấp, ngân hàng ra các quyết định đầu tư, cho vay và áp dụng chính sách lãi suất phù hợp.

Tuy nhiên, khi sử dụng các hệ số khả năng thanh toán này, bạn cần so sánh chúng với nhu cầu thanh toán của từng giai đoạn cụ thể, giữa khả năng thanh toán của doanh nghiệp với toàn ngành và với các thời điểm trong quá khứ để đưa ra quyết định phù hợp.

Kết luận

Trên đây là tổng hợp của 24hMoney về hệ số khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đã “bỏ túi” thêm cho mình một chỉ số tài chính quan trọng, qua đó có thể đánh giá tình hình doanh nghiệp và ra quyết định đầu tư hiệu quả nhất cho bản thân.

Đừng quên tải app 24hMoney và đăng ký tài khoản hoàn toàn miễn phí ngay tại đây để thường xuyên cập nhật những tin tức hot nhất về kinh tế, tài chính, chứng khoán…của chúng tôi nhé!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả