Kênh đầu tư an toàn
Với hơn 9.000 tỷ đồng được gửi mỗi ngày vào hệ thống ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tình hình tài chính hiện nay, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, tiếp tục đóng vai trò là "hầm trú ẩn" vững chắc cho dòng tiền.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối tháng 9/2024, tổng số tiền gửi tiết kiệm của người dân và doanh nghiệp vào các ngân hàng đã vượt 14 triệu tỷ đồng.
Lượng tiền gửi liên tục tăng
Trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng nhẹ gần đây, lượng tiền nhàn rỗi từ dân cư và doanh nghiệp tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng. Thực tế, trong hơn 2 năm qua, dù lãi suất huy động giảm mạnh, có thời điểm chỉ dao động quanh mức 3-4%/năm, nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn liên tục tăng trưởng.
Về diễn biến lãi suất tiền gửi tính đến thời điểm hiện tại (tháng 12), một số ngân hàng có thị phần nhỏ đã điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,1% đến 0,2%/năm, tùy theo từng kỳ hạn. Hiện nay, lãi suất huy động trung bình cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên dao động khoảng 6%/năm, trong khi lãi suất tiết kiệm cho các kỳ hạn ngắn cũng đã nhích lên mức 4-5%/năm.
Bên cạnh lãi suất, trong thời gian gần đây, các ngân hàng đang gia tăng cạnh tranh để thu hút tiền gửi không chỉ thông qua lãi suất mà còn bằng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Một số ngân hàng thậm chí tổ chức các chương trình, trong đó khách hàng gửi tiết kiệm có cơ hội trúng thưởng các giải thưởng giá trị như xe máy SH Mode, MacBook Air M3, hay iPhone 16.
Lý giải nguyên nhân khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP
Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn sẽ tăng cao dịp cuối năm buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn và chuẩn bị nguồn tiền cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Thực tế, tính đến ngày 31/10, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 10,08% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần tương đương mức cuối năm 2023 và gấp đôi mức tăng 2% của năm 2022. Điều này được cho là một trong những yếu tố thúc đẩy các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng, nhằm thu hút vốn mới và bảo đảm thanh khoản.
Cũng theo ông Huân, thanh khoản của hệ thống ngân hàng chỉ có thể biến động mạnh khi dòng tiền chuyển sang các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại khi các kênh đầu tư đang gặp khó khăn, tiết kiệm vẫn là lựa chọn có lợi nhất. Vì vậy, dù thanh khoản có thể "căng" trong thời gian ngắn, nhưng hiện tượng này chủ yếu mang tính cục bộ và sẽ nhanh chóng được giải tỏa vào đầu năm tới, khi tín dụng bước vào mùa thấp điểm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi dự báo, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể tăng thêm từ 0,3% đến 0,5% đối với các kỳ hạn trung và dài hạn (6-12 tháng). Bởi lẽ, theo tính chu kỳ, vào quý IV hằng năm, các doanh nghiệp thường tăng cường vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết.
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu tín dụng này, các ngân hàng cần tăng cường huy động vốn. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Nhiều ngân hàng hiện đã chạm ngưỡng tỷ lệ cho vay trên huy động, điều này buộc các tổ chức tín dụng phải ưu tiên tăng huy động vốn để củng cố thanh khoản, nên việc tăng lãi suất là điều khó tránh khỏi.
Nhiều ngân hàng đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút tiền gửi. Ảnh: NAM NGUYỄN
Nhà đầu tư ưu tiên “ngủ ngon” thay vì “lãi to”
Khảo sát quý III của công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ (NIQ) cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang cảm thấy lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế và tình hình tài chính cá nhân. Tuy nhiên, thay vì chi tiêu mạnh tay, họ lại chú trọng vào việc tiết kiệm hơn trước.
Cụ thể, 45% số người được khảo sát tin rằng, nền kinh tế không rơi vào suy thoái, tăng 3 điểm phần trăm so với quý I. Đồng thời, 67% cho biết, tình hình tài chính cá nhân của họ đã cải thiện và có xu hướng tăng đều đặn trong 4 quý liên tiếp gần đây.
Mặc dù có sự lạc quan trong triển vọng tài chính, người dân Việt Nam vẫn tỏ ra thận trọng trong chi tiêu và ưu tiên tiết kiệm. Có đến 83% số người tham gia khảo sát cho biết, tiết kiệm đã trở thành thói quen của họ và 75% khẳng định, họ không bao giờ để hết tiền trong túi. So với cùng kỳ năm ngoái, các tỷ lệ này lần lượt tăng từ 77% và 63%. Bên cạnh đó, 72% cho biết, họ muốn tiết kiệm lâu dài, tăng 6 điểm phần trăm so với năm trước.
Đồng tình, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, những người có tiền nhàn rỗi nên cân nhắc gửi một phần vào ngân hàng, dù lãi suất khó có thể tăng cao. Mặc dù lãi suất tiết kiệm thấp hơn nhiều so với các kênh đầu tư phổ biến khác, nhưng đây vẫn là lựa chọn an toàn cho những ai không muốn chấp nhận rủi ro lớn.
"Hiện nay, đầu tư vào vàng khá rủi ro, chứng khoán vẫn còn biến động không ổn định, trong khi bất động sản đang ở mức giá cao và yêu cầu vốn lớn. Vì vậy, gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn phổ biến của nhiều người, đặc biệt là đối với những ai không muốn mạo hiểm với các kênh đầu tư có rủi ro cao”, ông Hiếu chia sẻ.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tiết kiệm vẫn là "hầm trú ẩn" an toàn cho dòng tiền, thể hiện qua việc lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tiếp tục tăng. Đây là kênh đầu tư an toàn, phù hợp với mọi đối tượng, giúp người dân yên tâm đầu tư mà không phải lo lắng về tính an toàn của đồng tiền. Bất kể tình huống nào, tiền gửi trong hệ thống ngân hàng luôn được bảo đảm, mang lại sự an tâm cho người gửi.
Tương tự, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, đối với nhiều người, tiền gửi vào ngân hàng vẫn được coi là kênh đầu tư "ổn", với lãi suất không cao nhưng lại khá an toàn. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán đòi hỏi chuyên môn và khả năng phân tích, hoặc bất động sản lại yêu cầu số vốn lớn. Ông Thịnh nhận xét, mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở mức 5-6%/năm, nhà đầu tư vẫn không phải chịu thiệt thòi quá nhiều.
Với sự gia tăng lượng tiền gửi vào ngân hàng và dư nợ tín dụng tại một số ngân hàng dần trở lại sôi động, dự báo lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới. Trước tình hình này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, tiền gửi của người dân và các tổ chức vào ngân hàng sẽ được chuyển hóa thành tín dụng, phục vụ nền kinh tế, chứ không phải giữ nguyên trong ngân hàng.
Tính đến hết tháng 9/2024, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 7,07 triệu tỷ đồng, tăng 3,43% so với đầu năm, trong khi tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,95 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2023. So với tháng trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng, còn tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng.
(Theo THÙY LINH - nhandan.vn)
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường