Kế hoạch trở thành tập đoàn tài chính của VPBank
Với mục tiêu tăng vốn lên 79.000 tỷ đồng cùng các thương vụ M&A, VPBank hướng tới là tập đoàn tài chính khi tái định vị thương hiệu.
Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tháng 4 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank- ông Ngô Chí Dũng khẳng định, kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 30.000 tỷ đồng trong năm 2022 trong tầm tay. Ban lãnh đạo ngân hàng này cũng cho thấy sự tự tin với kế hoạch được nhiều nhà đầu tư nhận định là khá thách thức.
"Chúng tôi cho rằng nhu cầu thị trường, của nền kinh tế sau một giai đoạn khó khăn sẽ tăng trưởng mạnh. Đặc biệt các nhờ chiến lược hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ, hàng trăm nghìn tỷ đang đưa vào thị trường. Với nền tảng vốn có, VPBank sẵn sàng đáp ứng được tăng trưởng cao", Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh chia sẻ trước đại hội.
Cũng theo Tổng giám đốc VPBank, kế hoạch kinh doanh trong năm nay là sự khởi đầu cho tham vọng trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam, cam kết hiện thực hóa sứ mệnh "Vì một Việt Nam thịnh vượng" vừa được ngân hàng công bố khi tái định vị thương hiệu.
"VPBank đã sẵn sàng vươn tới mục tiêu lớn mạnh hơn, hiện thức hóa những hoài bão đã gửi gắm từ 10 năm trước vào tên gọi "Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng", vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Hành động với slogan "Vì một Việt Nam thịnh vượng", VPBank đang nỗ lực củng cố sức mạnh nội tại đồng thời mở rộng hệ thống. Theo đó, nhà băng này có kế hoạch tăng vốn ngay trong năm nay, để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống, hơn 79.000 tỷ đồng. "Vốn chủ sở hữu của ngân hàng trong năm nay cũng có thể ở mức 120.000 tỷ đồng", đại diện VPBank chia sẻ.
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh, các mảng kinh doanh chiến lược khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong những năm tiếp theo. Kế hoạch duy trì tăng trưởng của hai mảng này lên tới 40% trong năm 2022 và các năm tới.
VPBank cũng tiếp tục tìm kiếm các cơ hội và động lực tăng trưởng mới, trong đó có mảng chứng khoán với việc mua lại công ty chứng khoán ASC. Tiếp đó là mảng ngân hàng đầu tư và bảo hiểm khi VPBank mua lại 100% hoặc hơn 90% cổ phần của công ty bảo hiểm OPES, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ mới thành lập.
Lần tái định vị thương hiệu vừa qua cũng khẳng định sự lớn mạnh của VPBank trong giới tài chính ngân hàng Việt Nam, kể từ năm 2010. Khi đó VPBank mới là một ngân hàng nhỏ với 27.543 tỷ đồng tổng tài sản. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 383 tỷ đồng. Năm 2012, ngân hàng tập trung vào bán lẻ với các tập khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là thời điểm nhà băng này tiến vào phân khúc tín dụng tiêu dùng với FE Credit.
VPBank góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh của FE Credit- tổ chức tín dụng chiếm gần 50% thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam. Tính đến năm 2021, FE Credit phục vụ hơn 12 triệu khách hàng, trên 21.000 điểm bán hàng.
Ngày 28/4/2021, tập đoàn tài chính SMBC chi 1,4 tỷ USD để sở hữu 49% vốn điều lệ của công ty tài chính tiêu dùng này. Thương vụ khiến ngành tài chính trong nước "dậy sóng", đồng thời, là bước đệm để VPBank mở rộng và phát triển. Tuy nhiên, điều VPBank tâm đắc nhất là vai trò điểm tựa tài chính của ngân hàng với xã hội. Thông qua FE Credit, nhiều người dân thu nhập thấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận các khoản tín dụng chính thống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận