Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Theo KBSV, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã khởi sắc hơn trong 6 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 5 năm trở lại đây, chỉ trừ năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch; khu vực công nghiệp và xây dựng dẫn đầu tăng trưởng nhờ sự hồi phục của hoạt động sản xuất và xuất khẩu, trong khi khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ giữ vững sự ổn định.
Trong nửa năm còn lại, kỳ vọng những tín hiệu khởi sắc của kinh tế vĩ mô sẽ được duy trì nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong điều kiện nhu cầu tại các thị trường lớn cải thiện, dòng vốn FDI tiếp tục được thu hút tốt, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và sự phục hồi của nhu cầu nội địa nhờ các biện pháp kích cầu.
Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2024 có nhiều tín hiệu khả quan
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 6,42%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2024, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, cho thấy kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới ổn định hơn, đơn hàng đã quay trở lại Việt Nam thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu, trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Tính riêng quý 2, GDP tăng 6,93%, cao hơn đáng kể so với kết quả quý 1 (5,87%) và cùng kỳ năm 2023 (4,05%).
Tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng 6 tháng đầu năm 2024 cải thiện phản ánh tín hiệu phục hồi tích cực của nhu cầu nội địa. Hoạt động thương mại và dịch vụ khởi sắc. Trong đó, động lực chính đến từ bán lẻ hàng hóa với mức tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, đầu tư toàn xã hội tiếp tục gia tăng, khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 bứt phá trên mức nền thấp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khả quan…
Mặc dù những rủi ro về lạm phát và tỷ giá đã quay trở lại, KBSV nhận định những áp lực sẽ hạ nhiệt vào cuối năm và không vượt ra ngoài mức mục tiêu của Chính phủ. Theo đó, KBSV dự báo tăng trưởng GDP 2024 đạt 6,5% từ mức 6% trong báo cáo trước đó.
Trong đó, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 bao gồm: Hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục khả quan; dòng vốn FDI và giải ngân đầu tư công tăng trưởng ổn định; nhu cầu nội địa và thị trường bất động sản mặc dù chuyển biến chậm nhưng sẽ có xu hướng hồi phục từng bước.
Ở chiều ngược lại, các rủi ro lớn nhất đối với dự báo tăng trưởng GDP bao gồm: Lạm phát và tỷ giá không hạ nhiệt như dự báo ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, các rủi ro liên quan đến vấn đề địa chính trị gây áp lực lên giá năng lượng, giá cước vận tải… khiến các ngân hàng trung ương hạ lãi suất chậm hơn dự kiến.
Một số chỉ tiêu vĩ mô 2024
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây cũng cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024, cao hơn đáng kể so với dự báo hồi đầu năm (lần lượt ở mức 6,13-6,48%).
Kịch bản 1, CIEM cho rằng tăng trưởng GDP có thể đạt 6,55% trong bối cảnh xuất khẩu tăng 9,54% so với năm 2023, chỉ số CPI bình quân cả năm tăng 4,32% so với cùng kỳ và cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỉ USD.
Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95%, xuất khẩu cả năm tăng 11,64% so với năm 2023, chỉ số CPI bình quân tăng 4,12% so với cùng kỳ và cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỉ USD.
Với kết quả khả quan của 6 tháng đầu năm, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng cả năm có thể đạt 6,3-6,5%, cận trên mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Khả quan hơn, ở kịch bản tích cực, tăng trưởng đạt 6,5-6,7%.
Với kinh tế Việt Nam ở góc nhìn quốc tế, OECD cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo đạt 6,0% trong năm 2024 khi nhu cầu toàn cầu được cải thiện và số lượng khách du lịch tăng sẽ hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu, mặc dù các sự kiện ở Biển Đỏ đang làm tăng chi phí vận tải và có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của xuất khẩu.
Các kế hoạch đầu tư công và thu nhập thực tế của hộ gia đình ngày càng tăng sẽ hỗ trợ nhu cầu trong nước tăng lên. Khi các hoạt động tăng tốc, lạm phát sẽ đạt 3,9% vào năm 2024.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,0% trong năm 2024. Sự phục hồi tăng trưởng trong các ngành sản xuất, dịch vụ hướng tới xuất khẩu và nông nghiệp ổn định sẽ giúp nền kinh tế phục hồi. Dòng vốn FDI và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại bền vững, chính sách hỗ trợ tài chính và chương trình đầu tư công cũng sẽ kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu có thể cản trở tăng trưởng.
Trong họp báo về Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng 4, IMF nhận định sau những khó khăn của năm 2023, các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ dần được cải thiện trong năm 2024. Theo đó, IMF nhận định tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam đạt 5,8%.
Một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam gồm sự phân mảnh kinh tế toàn cầu ngày càng tăng, rủi ro về ổn định tài chính, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực xây dựng.
Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5.2024, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam đạt 5,5%, giữ nguyên so với dự báo trong tháng 1.2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường