ITA khởi sắc trở lại
Không còn ghi nhận khoản hàng bán bị trả lại gần 2.200 tỷ đồng do bị buộc phải thanh lý hợp đồng thuê đất dài hạn, kết quả kinh doanh năm 2023 của ITA đã khởi sắc trở lại.
Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA) mới công bố Báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2023 với kết quả kinh doanh tích cực. Theo đó, trong quý IV, ITA mang về 243,6 tỷ đồng doanh thu thuần, cải thiện hơn nhiều so với con số lỗ hơn 2.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt hơn 142 tỷ đồng, cùng kỳ âm 393 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh 67% so với cùng kỳ, xuống còn 0,2 tỷ đồng, trong khi, chi phí tài chính lại tăng 26% so với cùng kỳ, lên 0,9 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 159%, lên 0,2 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 55% so với cùng kỳ, xuống còn 26,4 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của ITA ghi nhận đạt gần 91 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ cùng kỳ hơn 411 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt hơn 89 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 411,5 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, ITA ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 567 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 1.545 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ cho thuê đất đã phát triển hạ tầng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 269 tỷ đồng, tiếp đó là doanh thu cung cấp dịch vụ với 155 tỷ đồng, doanh thu cho thuê hoạt động nhà xưởng hơn 103 tỷ đồng...
Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 205,6 tỷ đồng, năm trước lỗ gần 258 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh nghiệp không còn ghi nhận khoản hàng bán bị trả lại gần 2.200 tỷ đồng do bị buộc phải thanh lý hợp đồng thuê đất dài hạn liên quan đến Trung tâm Điện lực Kiên Lương đối với Công ty CP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC).
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của ITA đạt 12.000 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu đạt hơn 3.900 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong khi đó, giá trị đầu tư vào đơn vị khác lại giảm 35%, còn hơn 943 tỷ đồng, do doanh nghiệp đã rút hoàn toàn khỏi Công ty CP Năng lượng Tân Tạo 2 và Công ty CP Phát triển Hạ tầng Tân Tạo.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp giảm 16% so với hồi đầu năm, còn gần 1.800 tỷ đồng, phần lớn là do các khoản phải trả khác giảm 9%, còn gần 576 tỷ đồng. Nợ vay ngân hàng tăng 37%, lên hơn 44 tỷ đồng, do doanh nghiệp tăng vay ngắn hạn.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cũng đánh giá triển vọng tích cực cho ngành bất động sản công nghiệp trong trung và dài hạn. Về phía cầu, Công ty Chứng khoán này nhận định, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp (KCN) dự báo sẽ tăng nhờ dòng vốn FDI từ Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tích cực, đặc biệt là FDI thế hệ mới (công nghệ cao, chất bán dẫn, năng lượng xanh) nhờ Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, Nhật, Hàn tạo sức cầu mạnh mẽ cho thị trường bất động sản (BĐS) khu công nghiệp.
Từ nửa cuối 2023 và ngay từ đầu năm 2024, các dự án FDI cam kết đầu tư và mở rộng hoạt động ở các lĩnh vực trên tăng cao. Nhu cầu thuê gia tăng tại các tỉnh thành cấp 2 Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Tây Ninh, Vũng Tàu do giá thuê đất thấp và chú trọng đẩy mạnh hạ tầng. Khu vực phía Bắc dự báo khách thuê từ Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (bán dẫn, điện tử); khu vực phía Nam chủ yếu lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng.
Về phía cung, Agriseco Research cho rằng, nguồn cung KCN mới vẫn còn hạn chế. Trong năm 2023 cả nước tăng thêm 13 dự án lên tổng cộng 416 KCN được thành lập. Mức tăng này thấp hơn so với các năm trước do các khó khăn trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng và thủ tục pháp lý, theo đó, đơn vị này dự báo nguồn cung mới 2024 sẽ vẫn hạn chế.
Tuy nhiên, một số KCN mới đã khởi công từ năm 2023 và dự kiến đi vào hoạt động 2024 dự báo tăng tập trung ở khu vực miền Bắc ven trung tâm: Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Khu vực phía Nam dự báo tăng chậm, chủ yếu ở Bình Dương, Đồng Nai với các KCN mới như Nam Tân Uyên 3, VSIP 3, Cây Trường. Điểm tích cực từ đầu năm 2023 số lượng KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư đã gia tăng so với 2022 nhờ các giải pháp tháo gỡ pháp lý.
Ngoài ra, Agriseco Research cũng đánh giá động lực tăng trưởng của ngành đến từ các chính sách hỗ trợ và giải ngân đầu tư công. Theo đó, các chính sách đã và dự kiến ban hành kỳ vọng sẽ giảm thiểu thời gian, quy trình thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư KCN cũng như thúc đẩy nguồn cung trong dài hạn. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng là tiền đề cho phát triển KCN bền vững. Kỳ vọng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được thông qua và ban hành kịp thời sẽ giúp dòng vốn FDI vào Việt Nam duy trì tích cực trong dài hạn.
“BĐS khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi các dự án đầu tư công được hoàn thiện giúp thúc đẩy tính liên kết bền vững giữa các vùng. Theo đó, cơ sở hạ tầng phát triển sẽ thu hút thêm vốn đầu tư vào các tỉnh thành, nhu cầu thuê đất KCN sẽ tăng theo”, Agriseco Research đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận