menu
Ít lựa chọn trong mua sắm máy biến áp ngành điện
Chu Bằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ít lựa chọn trong mua sắm máy biến áp ngành điện

Mặc dù lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, song khảo sát một số gói thầu máy biến áp (MBA) ngành điện cho thấy, số lượng nhà thầu tham dự thầu còn khiêm tốn. Phải chăng các gói thầu lĩnh vực này không hấp dẫn nhà thầu hay vì có quá ít nhà cung cấp hoặc vì tiêu chí đưa ra gây khó cho một số nhà thầu?

3 nhà thầu thường xuyên “đối mặt”…

Ban Quản lý dự án (QLDA) lưới điện thuộc Tổng công ty (TCT) Điện lực miền Bắc cho biết, ngày 12/6 vừa qua, Ban vừa hoàn thành mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật Gói thầu NPC-NCS110 VTTT Gói 01 Cung cấp, vận chuyển và lắp đặt MBA 110kV trạm biến áp (TBA) 110kV Vũ Thư và TBA 110kV Thái Thụy. Gói thầu này lựa chọn nhà thầu qua mạng, theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Có 3 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty CP Thiết bị điện Cẩm Phả; TCT Thiết bị điện Đông Anh - CTCP; Công ty CP Sản xuất thiết bị điện Đông Anh.

Khảo sát một số gói thầu do Ban này mời thầu cho thấy, 3 nhà thầu nêu trên cũng đang tham dự tại nhiều gói thầu khác. Đơn cử, các gói thầu cùng tên “Gói thầu số 1 Cung cấp, vận chuyển, lắp đặt các MBA 110kV và tự dùng” mở thầu vào các ngày 26/5/2020, 29/4/2020, 28/4/2020…

Kết quả khảo sát cho thấy, 3 nhà thầu này thường hoán đổi vị trí trúng thầu và trượt thầu cũng như liên danh với nhau để trúng thầu.

Cụ thể, tại Gói thầu số 02 Cung cấp, vận chuyển và lắp đặt các MBA 110KV và tự dùng, có 2 nhà thầu trong số 3 nhà thầu nêu trên nộp HSDT. Công ty CP Thiết bị điện Cẩm Phả trúng thầu với giá 14,11 tỷ đồng (giá gói thầu là 14,25 tỷ đồng), tương đương tỷ lệ tiết kiệm dưới 1%. Còn TCT Thiết bị điện Đông Anh - CTCP trượt thầu. Tại Gói thầu Cung cấp, vận chuyển và lắp đặt MBA cho TBA 110kV thuộc Dự án TBA 110kV Thành phố 2 và nhánh rẽ, tỉnh Thái Bình, có 3 nhà thầu nêu trên tham dự, trong đó TCT Thiết bị điện Đông Anh -CTCP trúng thầu…

Tương tự, tại Ban QLDA phát triển điện lực thuộc TCT Điện lực miền Bắc, Công ty CP Thiết bị điện Cẩm Phả, TCT Thiết bị điện Đông Anh - CTCP, Công ty CP Sản xuất thiết bị điện Đông Anh cũng thường xuyên tham gia và trúng thầu. Ngày 17/6/2020, Ban này hoàn thành mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật Gói thầu NPC DPL3-VTTB-T110VB-G01 Cung cấp, vận chuyển và lắp đặt MBA 63 MVA-110 35 22 kV thuộc Tiểu dự án Nâng công suất MBA T1 và T2 TBA 110kV Vĩnh Bảo. Tham dự gói thầu này vẫn là 3 nhà thầu trên.

Trước đó, Công ty CP Sản xuất thiết bị điện Đông Anh được thông báo trúng Gói thầu NPC-DPL3-TN-G04 Cung cấp và vận chuyển MBA 110kV thuộc Tiểu dự án Nâng công suất trạm biến áp 110kV Thủy Nguyên 1 và Thủy Nguyên 2 với giá trúng thầu 32,7 tỷ đồng. Tại gói thầu này, nhà thầu bị loại là Công ty CP thiết bị điện Cẩm Phả…

Vì sao ít nhà thầu tham dự?

Trao đổi với Báo Đấu thầu ngày 25/6, ông Phùng Kim Đại, Giám đốc Ban QLDA phát triển điện lực khẳng định: “Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu mua sắm MBA của Ban đều được thực hiện công khai, minh bạch. Tất cả những gói thầu này đều được đấu thầu rộng rãi qua mạng”. Song, đề cập về số lượng nhà thầu tham dự ở từng gói thầu cụ thể, ông Đại thừa nhận: “Đúng là hiện chỉ loanh quanh vài nhà sản xuất trong nước cung cấp được MBA 110kV”.

Chia sẻ thêm về các nhà sản xuất MBA hiện nay, một nguồn tin của Báo Đấu thầu cho biết, thực tế, số lượng nhà sản xuất MBA 100 kV của Việt Nam “đếm trên đầu ngón tay”, khoảng 5 - 7 nhà thầu như: TCT Thiết bị điện Đông Anh, Công ty CP Tập đoàn HANAKA, Công ty CP Thiết bị điện Cẩm Phả… Đặc biệt, trong nước hiện chỉ có 2 nhà thầu có thể sản xuất MBA 500kV. “Số lượng nhà sản xuất ít ỏi cũng là nguyên nhân khiến các đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu lĩnh vực này không có nhiều lựa chọn”, nguồn tin cho biết.

Nhìn từ góc độ nhà sản xuất MBA mới trên thị trường, một số nhà thầu lại cho rằng, họ đang gặp khó khăn trong việc tham dự thầu theo hình thức mua sắm tập trung cũng như mua sắm thường xuyên bởi một số yêu cầu do bên mời thầu đưa ra quá cao, quá chi tiết và “máy móc”, để từ đó đánh giá không đạt, không đáp ứng. Đơn cử như tại một số đơn vị mời thầu yêu cầu quá chi tiết về tiêu chuẩn hàng hóa như: xác nhận vận hành hàng hóa tối thiểu 5 năm trở nên, không chấp nhận hàng hóa có tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự hoặc cao hơn loại hàng hóa cần mua. Điều này cũng đã hạn chế cơ hội của một số nhà thầu khác có nhu cầu tham dự thầu.

Đề cập về vấn đề này, ông Đại nhấn mạnh: “MBA đưa lên lưới không thể như cái áo mặc thử không vừa là vứt ra. Một MBA 110kV cấp điện ít nhất cho một huyện, thậm chí mấy huyện một cái mà không qua vận hành thử nghiệm, không có đánh giá thì làm sao đơn vị mua sắm dám mua. Nếu chúng tôi mua hàng hóa của nhà sản xuất chưa được kiểm nghiệm, được đánh giá thì rủi ro sẽ rất lớn”.

Về vấn đề tiêu chí, đại diện Ban QLDA phát triển điện lực cho rằng, các tiêu chí đưa ra trong các HSMT không nhằm hạn chế bất kỳ nhà thầu nào có năng lực thực sự. “Càng có nhiều nhà cung cấp thì đơn vị mua sắm càng có nhiều lựa chọn để mua được hàng hóa với chất lượng tốt, giá cả hợp lý”, ông Đại chia sẻ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả