Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Trước thông tin Intel "gác" kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói đó là quyền lựa chọn của DN.
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội về quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trước thông tin Intel (Mỹ) "gác" kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ông cũng mới tiếp nhận được thông tin Intel như báo chí nêu.
"Lý do họ nói chúng ta thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ, ông cảm thấy tiếc nuối và cho rằng đó là quyền lựa chọn của doanh nghiệp.
Đề cập đến lý do mà Reuters đưa ra cho rằng Intel "gác" kế hoạch mở rộng đầu tư thêm 1 tỷ USD tại Việt Nam là do thiếu điện và thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Đây chỉ là một lý do, vấn đề thiếu hụt điện mới chỉ xảy ra ở cục bộ một số nơi, thời gian. Chính phủ cam kết bảo đảm đủ điện cho các doanh nghiệp không chỉ riêng doanh nghiệp nào".
Về câu hỏi có phải còn nguyên nhân khác dẫn đến việc Intel "gác" lại kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam? Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, còn có "nguyên nhân như địa chính trị, cạnh tranh giữa các quốc gia và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu".
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tiết lộ, Intel có thể cân nhắc một số ưu đãi, hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam khi Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng vào năm 2024.
Trước đó, hãng tin Reuters ngày 7/11 dẫn nguồn tin riêng cho biết, Công ty Intel đã hủy bỏ đầu tư theo kế hoạch vào Việt Nam, khoản đầu tư vốn được kỳ vọng có thể giúp tăng gần gấp đôi hoạt động của nhà sản xuất chip Mỹ.
Trung tâm sản xuất điện tử tại Việt Nam hiện nay là nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới của Intel, đồng thời đang mong đợi công ty sẽ mở rộng hơn nữa, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố các thỏa thuận hỗ trợ ngành công nghiệp chip Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng 9/2023.
Tối 7/11 và sáng 8/11, báo chí trong nước đưa tin về phản ứng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM nơi đặt nhà máy Intel trị giá 1,5 tỷ USD ở Việt Nam và của Intel Việt Nam. Theo đó, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chưa nhận được thông tin chính thức Intel "gác" lại kế hoạch đầu tư mở rộng 1 tỷ USD.
Phía Intel cũng cho biết, chưa công bố chính thức về một khoản đầu tư mới nào sau khi đầu tư thêm gần 500 triệu USD vào Việt Nam và Intel vẫn cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Tại Đông Nam Á, tính đến thời điểm hiện tại, Intel đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, từ tháng 12/2021, Intel đã “rót” 7 tỷ USD đầu tư xây dựng một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip mới tại Malaysia, dự kiến, nhà máy này sẽ hoạt động sản xuất vào năm 2024.
Chính phủ Malaysia cho biết, khoản đầu tư 30 tỷ ringgit (7,1 tỷ USD) dự kiến sẽ tạo ra hơn 4.000 việc làm cho Intel và hơn 5.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng.
Trước đó, tháng 6/2023, Chính phủ Israel thông báo Intel sẽ đầu tư 25 tỷ USD xây dựng một nhà máy mới ở Israel và đây là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia Trung Đông.
Cùng tháng, Intel công bố kế hoạch đầu tư tới 4,6 tỷ USD vào một cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn mới gần thành phố Wrocław, Ba Lan. Đây là một phần trong nỗ lực đầu tư hàng tỷ USD của hãng chip Mỹ trên khắp châu Âu để nâng cao năng lực sản xuất.
Năm ngoái, Intel công bố kế hoạch xây dựng một tổ hợp sản xuất chip quy mô lớn ở Đức cùng với các cơ sở ở Ireland và Pháp trong nỗ lực tìm cách hưởng lợi từ các quy định và trợ cấp được nới lỏng của Ủy ban châu Âu (EC) khi Liên minh châu Âu (EU) tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Mỹ và châu Á.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường