Indonesia sẽ thành lập công ty vận hành cảng lớn thứ 8 thế giới
Các nhà khai thác cảng PT Pelabuhan Indonesia (Pelindo) I, II, III và IV thuộc sở hữu nhà nước sẽ hợp nhất vào 1/10 tới để giảm chi phí logistics trong nước và mở rộng kinh doanh trên toàn cầu.
Ngày 1/9, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước (SOE) Kartika “Tiko” Wirjoatmodjo cho biết việc sáp nhập trên sẽ cho phép tích hợp các cảng tốt hơn, cũng như tối ưu hóa chi tiêu.
Theo kế hoạch, PT Pelindo II - còn được gọi là Tổng công ty Cảng Indonesia (IPC) - sẽ tiếp quản tài sản của Pelindo I, III và IV. Cả ba công ty này sau đó sẽ bị giải thể mà không cần thanh lý.
Phát biểu họp báo, ông Tiko cho hay việc sáp nhập này sẽ mở ra cơ hội cho Pelindo - nhà khai thác cảng container lớn thứ tám trên thế giới - có thể cạnh tranh trên toàn cầu”. Sau sáp nhập, Pelindo có tổng công suất 16,7 triệu TEU. Để so sánh, các cảng của Trung Quốc có tổng công suất 242 triệu TEU vào năm 2019.
Ông Tiko cho biết thêm kế hoạch sáp nhập - hiện vẫn đang chờ được Chính phủ phê duyệt - sẽ giúp giảm 1,6% chi phí logistics của Indonesia vào cuối năm 2025. Hiện chi phí logistics của Indonesia tương đương 23,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - mức cao nhất ở châu Á.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu suất Logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, Indonesia đã tăng 17 bậc lên vị trí thứ 46 trong tổng số 160 quốc gia được khảo sát vào năm 2018. Tuy nhiên, Indonesia vẫn kém các quốc gia có thu nhập trung bình trong khu vực là Thái Lan (thứ 32), Việt Nam (thứ 39), và Malaysia (Ma-lai-xi-a - thứ 41).
Chủ tịch – Tổng giám đốc IPC, ông Arif Suhartono, cho biết công ty sẽ tập trung vào việc tích hợp các hoạt động trong năm 2021 và 2022, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong năm 2023 và 2024, sau đó bắt tay mở rộng ra khu vực và toàn cầu từ năm 2025.
Ông Suhartono nhấn mạnh rằng trong tương lai, Pelindo sẽ kiểm soát và hoạch định chiến lược tốt hơn. Việc phát triển và lập kế hoạch sẽ mang tính tổng thể hơn cho mạng lưới cảng của Indonesia, qua đó giảm chi phí logistics.
Hiện IPC đang quản lý 12 cảng tại khu vực phía Tây của Indonesia, bao gồm cảng Banten và cảng Cirebon ở tỉnh Tây Java và cảng Tanjung Priok ở Jakarta - cảng biển hoạt động nhộn nhịp nhất cả nước.
Trước đây, Bộ SOE đã phân chia hoạt động của bốn công ty Pelindo I, Pelindo II, Pelindo III và Pelindo IV dựa trên khu vực địa lý. Sau sáp nhập, Pelindo sẽ phân chia hoạt động dựa trên các mảng kinh doanh.
Pelindo hợp nhất sẽ có 4 công ty con, gồm một công ty vận tải container có trụ sở chính tại thành phố Surabaya, tỉnh Đông Java; một công ty không kinh doanh vận tải container ở thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra; một công ty logistics ở Jakarta; và một công ty thiết bị và dịch vụ dưới biển đóng tại thành phố Makassar, tỉnh Nam Sulawesi.
Bộ SOE đã lên kế hoạch hợp nhất một số công ty từ năm ngoái, bao gồm thành lập ngân hàng tài chính vi mô, một tập đoàn du lịch, và một ngân hàng Hồi giáo thuộc sở hữu nhà nước, nhằm cải thiện hiệu quả của các doanh nghiệp quốc doanh và giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn của nhà nước./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận