Indonesia muốn nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, Bộ Công Thương khuyến cáo gì?
Bộ Công Thương khuyến cáo thương nhân theo dõi sát tình hình để đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch.
Theo Báo Tuổi trẻ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia về việc nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia của Indonesia trong năm 2023.
Cụ thể, gần đây Chính phủ Indonesia thông báo sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Lượng gạo dự trữ quốc gia nhập khẩu sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá gạo, hỗ trợ gạo cho 21,53 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác.
Ngoài ra, liên quan tới gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn, thay vì khoảng 1,2 triệu tấn nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, cơ quan hậu cần quốc gia của nước này mới chỉ thu mua được 60.000 tấn, trong khi lượng gạo dự trữ hiện có trong kho chỉ còn vào khoảng 280.000 tấn.
Theo Báo Dân trí, trong 2 tháng đầu năm, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam sau Philippines và Trung Quốc. Lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 143.786 tấn, tương đương 67,31 triệu USD, giá bình quân 468 USD/tấn, tăng mạnh 33,7% về lượng và tăng 30,4% kim ngạch, chiếm 16% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Bộ Công Thương nhìn nhận, nhu cầu thu mua gạo tăng đột biến của Indonesia là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã từng có kết nối với Indonesia. Để tăng cường lượng xuất khẩu, Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường quảng bá thương hiệu gạo trong nước để có thể xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, đặc biệt là sang thị trường Indonesia chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang có nhiều biến động. Đồng thời xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo, hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.
“Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên cập nhật tình hình cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, cũng như kịp thời có biện pháp hỗ trợ thương nhân trong trường hợp cần thiết”, Báo Tuổi trẻ đưa tin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận