IMF cảnh báo hậu quả khi châu Á trả đũa thương mại
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo áp thuế trả đũa có thể kéo tụt triển vọng kinh tế châu Á, làm tăng chi phí và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Quan điểm được Krishna Srinivasan - Giám đốc phụ trách IMF châu Á - Thái Bình Dương nêu tại một diễn đàn về rủi ro hệ thống tại Cebu (Philippines) ngày 19/11.
"Việc áp thuế nhập khẩu trả đũa sẽ làm gián đoạn triển vọng tăng trưởng trên khắp khu vực, khiến chuỗi cung ứng phức tạp và kém hiệu quả hơn", chuyên gia từ IMF nhìn nhận.
Châu Á "đang chứng kiến giai đoạn chuyển dịch quan trọng", đối mặt với nhiều bất ổn, trong đó có rủi ro ngắn hạn về căng thẳng thương mại leo thang, Srinivasan cho biết. Ông nói rằng kỳ vọng của thị trường và bất ổn quanh chính sách tiền tệ của các nền kinh tế phát triển có thể tác động đến quyết định tiền tệ tại châu Á. Việc này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn, tỷ giá và các thị trường tài chính toàn cầu.
Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump (Mỹ) có kế hoạch áp thuế 10% với toàn bộ hàng nhập vào Mỹ và 60% với hàng Trung Quốc. Thuế nhập khẩu có thể kìm hãm thương mại toàn cầu, làm sụt giảm tăng trưởng tại các nước xuất khẩu và thổi bùng lạm phát ở Mỹ. Kịch bản này có thể khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) thắt chặt tiền tệ, bất chấp tăng trưởng toàn cầu vẫn mong manh.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump cũng áp thuế nhập khẩu lên tới 25% với 350 tỷ USD hàng Trung Quốc, trong đó có pin năng lượng mặt trời, máy giặt, thép và nhôm. Bắc Kinh sau đó trả đũa bằng cách cũng áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Mỹ.
Hồi tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) quyết định tăng thuế với xe điện Trung Quốc lên tối đa 45,3%. Việc này khiến Trung Quốc áp thuế trả đũa với nhiều sản phẩm khác từ khu vực này.
Theo báo cáo giữa tháng 10 của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, nhiệm kỳ 2 của Trump có thể kéo tụt GDP một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam - các nước xuất khẩu nhiều sang Mỹ. Theo đó, với kịch bản xấu nhất, GDP thực của ba nước này giảm ít nhất 1% so với dự báo hiện tại của Fitch.
IMF nhận định châu Á vẫn là động lực tăng trưởng chính của toàn cầu. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố tháng 10, cơ quan này dự báo tăng trưởng thế giới năm nay và năm sau là 3,2%. Số liệu cho châu Á lạc quan hơn, với 4,6% năm nay và 4,4% năm tới.
Cũng trong báo cáo tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận thấy nguy cơ GDP toàn cầu sụt giảm nếu thuế nhập khẩu tăng cao trên thế giới. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn có thể giảm 7%, tương đương quy mô nền kinh tế của Đức và Nhật Bản cộng lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận