IIF: Nợ công toàn cầu lần đầu giảm kể từ 2015, Việt Nam nằm trong nhóm tăng nợ nổi bật
Sự phục hồi sau đại dịch của tăng trưởng thế giới và lạm phát vào năm ngoái đồng nghĩa với việc số lượng nợ của các nền kinh tế toàn cầu cũng giảm mạnh lần đầu tiên kể từ năm 2015, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
Báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế được công bố hôm 22/2 ước tính rằng tổng số nợ toàn cầu trên danh nghĩa đã giảm khoảng 4.000 tỷ USD, trở lại dưới ngưỡng 300.000 tỷ USD ghi nhận hồi năm 2021.
Tuy nhiên, với chi phí đi vay ngày càng tăng, đặc biệt là đối với các thị trường mới nổi, việc giảm nợ chủ yếu ở các quốc gia giàu có. Nhóm các quốc gia này có tổng nợ giảm khoảng 6.000 tỷ USD, xuống còn khoảng 200.000 tỷ USD.
Ngược lại, số nợ của các nước đang phát triển đạt mức cao kỷ lục mới là 98.000 tỷ USD, với những quốc gia tăng nợ lớn nhất bao gồm Nga, Singapore, Ấn Độ, Mexico và Việt Nam.
Nhờ hoạt động kinh tế mạnh hơn và lạm phát ở mức cao hơn, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu giảm hơn 12%, xuống còn 338% GDP, đánh dấu mức giảm hàng năm thứ hai liên tiếp, theo IIF.
Trong đó, sự cải thiện phần nhiều tới từ thị trường đang phát triển, khi tổng nợ giảm tới 20%, xuống còn khoảng 390% so với tổng GDP. Trái lại, tỷ lệ nợ của các thị trường mới nổi tăng 2% lên 250% GDP, chủ yếu do Trung Quốc và Singapore.
Theo ước tính sâu của IIF, tỷ lệ nợ trên GDP của chính phủ các thị trường mới nổi đã tăng lên gần 65% GDP vào năm 2022 từ mức chỉ dưới 64%.
"Gánh nặng nợ công bên ngoài của nhiều nước đang phình to, trở nên tồi tệ hơn do đồng nội tệ (vào năm 2022) mất giá mạnh so với đồng USD", IIF cho biết. Tổ chức này cũng nói thêm rằng tình trạng này khiến những khoản nợ bằng đồng nội tệ trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế, bằng chứng là nợ nội tệ của các thị trường mới nổi đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm và hiện vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Trong một diễn biến liên quan, ngân hàng đầu tư JPMorgan lại đưa ra những quan điểm khác về tình hình nợ toàn cầu, nhấn mạnh trong một phân tích được công bố vào ngày 22/2 rằng mặc dù nợ công tại các thị trường phát triển giảm nhẹ vào năm ngoái, nhưng sự gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước không khác nào chiếc ngòi nổ vẫn đang cháy âm ỉ.
JPMorgan tính toán rằng tỷ trọng nợ của khu vực công ở thị trường phát triển dựa trên GDP đã tăng lên 122% từ mức 73% ngay trước khi xảy ra khủng hoảng, tăng trung bình khoảng 30% mức GDP của 13/21 nền kinh tế lớn và hơn 45% GDP ở 9 nền kinh tế trong số đó.
Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết: “Sự thay đổi từng bước của nợ công trong 15 năm qua đặt ra câu hỏi về tính bền vững".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận