menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Anh

IBM đánh cược lớn qua vụ thâu tóm Red Hat

Tập đoàn công nghệ máy tính IBM (Mỹ) vừa hoàn tất thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử hơn 100 năm tồn tại khi bỏ ra 34 tỉ đô la Mỹ để mua lại hãng phần mềm mã nguồn mở Red Hat, một nỗ lực nhằm bắt kịp các đối thủ Amazon và Microsoft trong mảng kinh doanh dịch vụ điện toán đám mây.

Thương vụ thành công với Red Hat đã mở ra cho IBM cơ hội giành miếng bánh lớn hơn trên thị trường điện toán đám mây màu mỡ. Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử của IBM và cũng là thương vụ lớn thứ hai trong ngành công nghệ từ trước đến nay.

IBM cam kết giữ lại Giám đốc điều hành Red Hat James Whitehurst, trụ sở của Red Hat ở Raleigh, bang Bắc Carolina cũng như các thương hiệu và thực hành kinh doanh của Red Hat.

Sự kết hợp của IBM và Red Hat sẽ giúp họ bổ sung sức mạnh cho nhau. Red Hat mang lại các kỹ năng mã nguồn mở và uy tín cho các nhà phát triển phầm mềm, còn IBM đóng góp năng lực tiếp thị và trình độ chuyên môn của ngành điện toán đám mây.

Thương vụ là một cuộc đánh cược lớn đối với IBM và Giám đốc điều hành IBM Ginni Rometty. Kể từ khi lên tiếp quản quyền lãnh đạo IBM, Rometty đã hướng công ty đến những phân khúc tăng trưởng nhanh như đám mây, phần mềm và các dịch vụ, thay vì tập trung vào các sản phẩm phần cứng truyền thống.

Kể từ năm 2013, tỷ lệ doanh thu của mảng đám mây đóng góp cho tổng doanh thu của IBM đã tăng gấp sáu lần lên mức 25%. Trong tuyên bố chung hôm 9-7, IBM và Red Hat cho biết sẽ cung cấp một nền tảng đám mây lai thế hệ mới dựa vào các công nghệ mã nguồn mở chẳng hạn Linux và Kubernetes.

Amazon và Microsoft đang chia nhau thống trị mảng kinh doanh điện toán đám mây toàn cầu ngoài Trung Quốc và Google đang đứng ở vị trí thứ ba nhưng ở khoảng cách khá xa so với hai vị trí dẫn đầu. Các công ty này sở hữu các kỹ năng Internet và nguồn tài chính dồi dào, cho phép họ chi hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm để xây dựng các trung tâm dữ liệu khổng lồ, phục vụ cho mảng kinh doanh điện toán đám mây, giúp bảo toàn các vị trí dẫn đầu của họ.

Song sự chi phối của họ cũng làm dấy lên các lo ngại của nhiều khách hàng vì phải chịu lệ thuộc vào một số ít nhà cung cấp.

IBM tiến vào mảng kinh doanh điện toán đám mây chậm hơn so với các đối thủ. Hãng này có ngân sách dồi dào và các trung tâm dữ liệu nhưng vẫn chưa thể bắt kịp các “ông lớn” điện toán đám mây.

Sở hữu Red Hat, IBM sẽ có trong tay một nhà cung cấp hàng đầu về các công cụ phần mềm được sử dụng rộng rãi để viết các ứng dụng điện toán đám mây. Red Hat là công ty chuyên về phần mềm mã nguồn mở và điều này có nghĩa là các mã lập trình cơ bản được cung cấp miễn phí cho khách hàng. Công ty này đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các dịch vụ điện toán đám mây lớn của Amazon, Microsoft, Google và Alibaba.

James Whitehurst, Giám đốc điều hành Red Hat, cho biết sau khi về dưới trướng IBM, Red Hat tiếp tục duy trì và mở rộng các thỏa thuận hợp tác này.

Bằng cách thâu tóm Red Hat, bà Ginni Rometty đưa hãng này đi theo một lộ trình khác. IBM muốn tự thể hiện như là một đấu thủ công bằng và cởi mở trên thị trường điện toán đám mây trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các đối thủ đang dẫn đầu.

Bà Ginni Rometty khẳng định, IBM giờ đây đang trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây lai (hybrid cloud) số một.

Ngày nay, mối lo ngại của giới doanh nghiệp là bị bó buộc vào một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây quyền lực. Nhiều doanh nghiệp lo lắng về tính bảo mật nên ngần ngại trong việc chuyển dữ liệu và khối lượng công việc lên các dịch vụ đám mây công cộng của Amazon, Microsoft hay Google...

Whitehurst mô tả sự kết hợp giữa IBM và Red Hat là một sự lựa chọn thay thế cho “ba ngôi vườn được rào chắn” (ám chỉ đến Amazon, Microsoft, Google). Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay muốn sử dụng hơn một nhà cung cấp dịch vụ đám mây đồng thời muốn áp dụng công nghệ đám mây bên trong các trung tâm dữ liệu của riêng họ để linh động và tiết kiệm chi phí.

Dịch vụ “đám mây lai” (hybrid cloud) mà IBM đang hướng đến sẽ đáp ứng nhu cầu này của họ. Hiểu một cách đơn giản, đám mây lai là sự kết hợp giữa đám mây riêng (tự phát triển) ở hạ tầng công nghệ thông tin của các công ty với đám mây công cộng (ví dụ Amazon, Microsoft hay Google). Đám mây nội bộ và đám mây công cộng hoạt động độc lập với nhau và giao tiếp thông qua kết nối được mã hóa để truyền tải dữ liệu và ứng dụng.

Mô hình đám mây lai này giúp dữ liệu của các công ty chỉ bị rò rỉ ở mức tối thiểu vì các thông tin nhạy cảm sẽ không bao giờ được lưu trữ trên đám mây công cộng.

Lợi ích của đám mây lai là giúp các công ty chỉ phải chi trả cho thời gian điện toán tăng thêm vào những lúc thật sự cần thiết. Đối với những công ty có các thời điểm nhất định trong năm cần xử lý một khối lượng tính toán lớn (ví dụ như mùa báo cáo thuế), họ có thể chuyển sang sử dụng đám mây công cộng trong hệ thống đám mây lai.

Theo New York Times

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại