HVN: Tại sao Vietnam Airlines làm ăn thua lỗ?
Là hãng hàng không duy nhất ở Việt Nam nhận được gói cứu trợ trị giá nghìn tỷ đồng do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn đứng trước vô vàn khó khăn. Vậy đâu là nguyên nhân?
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính đã có những trao đổi với Kinh tế & Đô thị về vấn đề này.
Giải cứu Vietnam Airlines là cần thiết
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Trong đó, hàng không và du lịch được coi là chịu thiệt hại nặng nhất. Tuy nhiên, trong số các hãng hàng không chỉ duy nhất Vietnam Airlines nhận được gói giải cứu của Chính phủ. Ông đánh giá gì về điều này?
- Trước tiên phải khẳng định chính sách giải cứu Vietnam Airlines của Chính phủ là không sai nếu xét trên khía cạnh chủ sở hữu. Đầu tiên, đây là hãng hàng không đầu ngành, có năng lực cạnh tranh tốt. Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hãng bay này làm ăn rất hiệu quả. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines là một DN cổ phần có vốn Nhà nước chiểm tỉ lệ lớn. Khi gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, Chính phủ, với vai trò là chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại DN cần thực hiện các giải pháp để bảo vệ an toàn cho phần vốn, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông khác, người lao động và giữ ổn định hoạt động kinh tế nói chung.
Do đó, việc Vietnam Airlines được hưởng gói giải cứu nghìn tỷ đồng của Chính phủ là điều cần thiết. Nếu không được giải cứu, Vietnam Airlines hoàn toàn có thể đứng trước nguy cơ phá sản kéo theo rất nhiều hệ lụy lớn. Trong đó, hệ lụy nhãn tiền là một phần vốn lớn của Nhà nước tại DN này sẽ đổ sông đổ bể, đồng thời hàng nghìn lao động sẽ rơi vào cảnh mất việc làm. Hệ quả về an sinh xã hội là vô cùng lớn.
Trong khi Vietnam Airlines nhận được gói giải cứu, các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways hay Vietjet Air lại không có được điều này. Họ đã làm gì để vượt khó trong thời gian qua, thưa ông?
- Rõ ràng dù là DN Nhà nước hay DN tư nhân, thiệt hại mà dịch bệnh Covid-19 gây ra cho các hãng hàng không đều như nhau. Thực vậy, các hãng hàng không khác như Bamboo Airways, Vietjet cũng thua lỗ không hề thua kém Vietnam Airlines và họ vẫn phải tự xoay vốn để duy trì hoạt động trong thời gian qua.
Cùng với việc điều chỉnh chính sách kinh doanh phù hợp, những DN như 2 hãng bay này đã phải bán tài sản để cân đối tài chính nhằm mục đích vay được tiền từ ngân hàng. Bởi vì về nguyên tắc, khi anh đi vay vốn, huy động vốn mà âm, thua lỗ thì không bao giờ ngân hàng cho vay. Chỉ có bán tài sản, cầm cố tài sản mới giúp các hãng hàng không tư nhân giải quyết được vấn đề thâm hụt dòng tiền.
Cần làm rõ hiệu quả gói giải cứu
Sau một thời gian nhận được gói giải cứu, tình hình của Vietnam Airlines có vẻ chưa có nhiều tiến triển. Bằng chứng là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam vừa đưa ra cảnh báo Vietnam Airlines nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc và khả năng hoạt động liên tục của DN sẽ phụ thuộc sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Đầu tiên, cần phải thấy rằng việc Vietnam Airlines thua lỗ khủng do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Điều này không chỉ Vietnam Airlines mà tất cả hãng hàng không đều chịu. Nhưng ngoài nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan, đến từ năng lực quản trị hoạt động của DN này.
Chúng ta đều biết, từ trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, tài chính của Vietnam Airlines đã bị mất cân bằng. Nó thể hiện ở chỗ nợ ngắn hạn của DN này luôn cao hơn tài sản ngắn hạn. Vietnam Airlines phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính, lấy nợ ngắn hạn nuôi dài hạn, đầu tư dàn trải. Do đó, khi có sự cố xảy ra mà cụ thể ở đây là sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19, việc đứt gãy tài chính khó tránh.
Hàng không vốn là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu để phục hồi kinh tế. Các gói giải cứu như gói Vietnam Airlines đã được hưởng rất cần thiết song chỉ nên coi việc hỗ trợ nguồn vốn của Chính phủ chỉ là giải pháp ngắn hạn, nhằm khuyến khích DN duy trì hoạt động. Còn quan trọng hơn cả vẫn phải từ nỗ lực của chính DN.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, giải cứu DN hàng không phải cần có kế hoạch xuyên suốt, dài hạn nhằm đảm bảo nguồn vốn của Nhà nước bởi xét cho cùng, tiền mang ra giải cứu cũng chính là tiền của Nhân dân, khi sử dụng phải hết sức cẩn trọng để sao cho nguồn tiền này phát huy được hiệu quả cao nhất.
Riêng với Vietnam Airlines, rõ ràng DN này cũng không thể trông chờ hết vào sự hỗ trợ của Chính phủ mà phải tự có những giải pháp để giúp mình. Trong đó cần tính đến những phương án tái cấu trúc nội tại, tiếp tục cắt giảm chi phí, giãn nợ, xin giảm lãi suất, chấp nhận giảm lương của người lao động, phương án tổng thể lâu dài.
Với tình hình hiện nay tại Vietnam Airlines, theo ông liệu Chính phủ có nên tiếp tục giải cứu DN này bằng một gói hỗ trợ tài chính nữa hay không?
- Đây là câu hỏi đang được dư luận rất quan tâm. Để trả lời câu hỏi này, trước tiên phải đánh giá một cách chính xác nhất hiệu quả gói giải cứu mà Vietnam Airlines đã được nhận trước đó đã. Xem cái gì được, cái gì chưa được và tại sao lại như vậy? Và từ những phân tích, đánh giá này mới có thể đưa ra nhận định có nên tiếp tục cấp cho Vietnam Airlines gói hỗ trợ nữa hay không.
Ngoài ra cũng phải làm rõ, tại sao đã nhận được gói hỗ trợ rồi mà DN vẫn không làm ăn được, vẫn thua lỗ, vẫn thất bát? Tại sao giờ nợ vẫn rất lớn và thậm chí còn có khả năng “sập tiệm”? Trong khi đó, những hãng hàng không khác vẫn làm ăn bình thường, vẫn có lãi dù họ không nhận được gói hỗ trợ nào?...
Tất cả những câu hỏi này đều phải được phân tích và trả lời một cách rõ ràng, thấu đáo mới có thể trả lời một cách chính xác nhất cho câu hỏi, có nên tiếp tục “giải cứu” Vietnam Airlines nữa hay không.
Từ tình hình hiện tại của Vietnam Airlines, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phục hồi của ngành hàng không nước ta trong thời gian tới?
- Hàng không là một ngành, một lĩnh vực có quan hệ liên quan rất nhiều ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt với du lịch. Khi hàng không hồi phục, du lịch cũng hồi phục và ngược lại. Trên thực tế, nguồn thu của các hãng hàng không trông chờ vào các chuyến bay quốc tế rất nhiều.
Hiện nay, cả bay quốc tế và bay nội địa đều đã phục hồi nhưng bay quốc tế đang phục hồi rất chậm vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Bay nội địa đã tăng trưởng rất tốt trong thời gian qua, nhờ đó giảm được khá nhiều áp lực cho hàng không.
Tuy nhiên, bay quốc tế vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng. Có thể do điều kiện đi lại của một số nước vẫn chưa bình thường trở lại hoặc nhu cầu đi lại của nhiều nơi chưa cao. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua cũng là một nguyên nhân lớn khiến hàng không chưa thể phục hồi mạnh trong thời gian qua.
Xin cảm ơn ông!
"Việc Vietnam Airlines đã được hưởng gói giải cứu nghìn tỷ đồng của Chính phủ là điều cần thiết. Nếu không được giải cứu, Vietnam Airlines hoàn toàn có thể đứng trước nguy cơ phá sản kéo theo rất nhiều hệ lụy lớn. Trong đó, hệ lụy nhãn tiền là một phần vốn lớn của Nhà nước tại DN này sẽ đổ sông đổ bể, đồng thời hàng nghìn lao động sẽ rơi vào cảnh mất việc làm. Hệ quả về an sinh xã hội là vô cùng lớn." - PGS.TS Ngô Trí Long
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận