Huyền thoại VNM và động lực tăng trưởng mới
Cổ phiếu VNM đã bước vào downtrend từ 2018. Vậy là đã 4 năm kể từ ngày cổ phiếu tạo đỉnh ở vùng giá 124. Đến nay cổ phiếu đã xác nhận kết thúc trend giảm theo phân tích kĩ thuật. Vậy giai đoạn tới VNM có câu chuyện nào có thể kì vọng cho một đà tăng giá hay không?
Điểm nhấn đầu tư:
Công ty đang ngày càng tích cực đẩy mạnh mở rộng năng lực sản xuất
Đa dạng hóa chuỗi nguyên vật liệu cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Những dự án lớn như Nhà máy sữa Hưng Yên, Mộc Châu, và các dự án mở rộng các nhà máy hiện hữu sẽ góp phần lớn vào việc cải thiện khả năng sản xuất của Vinamilk trong 2-3 năm tới, khi hiện tại các nhà máy tại miền Bắc đã đạt trên 70% công suất.
Vinamilk hiện đang nắm giữ mạng lưới phân phối hàng đầu
Vinamilk hiện đang nắm giữ mạng lưới phân phối mạnh mẽ và rộng khắp trong nước với hơn 37 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt được mở mới chỉ trong riêng Quý II/2022, nâng tổng số lên 651 cửa hàng trải dài khắp mọi miền đất nước. Cùng với đó là sự chú trọng vào các kênh phân phối hiện đại thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, Vinamilk còn đang sở hữu 5 công ty thành viên tại 5 quốc gia khác nhau, góp phần giúp đa dạng về nguồn thu khi thị trường sữa nước nhà đang trở nên chật hẹp bởi sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh, cả trong và ngoài nước.
Mảng thịt bò mang lại tiềm năng tăng trưởng 2 con số
Bên cạnh đó, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), công ty con của Vinamilk, đã phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án bò thịt liên doanh với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản, dự kiến phân phối ra thị trường vào cuối năm 2023. Chúng tôi đánh giá đây sẽ là động lực tăng trưởng của Vinamilk trong thời gian sắp tới khi công ty có thể tận dụng lợi thế về kinh nghiệm trong chăn nuôi và thị trường bò thịt còn khá phân mảnh, chưa có người dẫn đầu.
Rủi ro
Suy yếu sức mua do suy thoái kinh tế
Trong năm 2022, GDP toàn cầu đã trì trệ trong phần lớn thời gian, với giá trị sản xuất của các nền kinh tế G20 đều giảm. OECD dự báo tăng trưởng trong năm 2022 ở mức 3%, nhưng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống mức 2.2% (giảm 0.6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022). Cùng với đó mức lạm phát cao trong năm 2022 và được dự báo vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng, bán lẻ nói chung.
Biến động bất lợi của giá nguyên vật liệu
Mặc dù giá sữa đã hạ nhiệt đáng kể từ đỉnh của Q1.2022, những rủi ro về lạm phát, áp lực tỷ giá tăng lên giá nhập khẩu, leo thang căng thẳng chiến sự tại Ukraine vẫn còn đó và sẽ có thể tác động xấu lên giá nguyên liệu nói chung và giá sữa nói riêng. Các dự án của Vinamilk cũng cần mất vài năm mới có thể hoạt động hết công suất, hỗ trợ khả năng tự chủ nguyên liệu của doanh nghiệp.
Rủi ro gia nhập mảng kinh doanh mới
Mặc dù VNM có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi nhưng chăn nuôi bò thịt vẫn là một mảng mới với công ty, yêu cầu chất lượng, kỹ thuật khác với bò sữa thông thường và có một số rủi ro cần lưu ý, chẳng hạn như dịch bệnh, mức độ tiếp nhận của thị trường với sản phẩm, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác cùng ngành.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận