Hút tư nhân, dành gần 25.000 tỷ vốn đầu tư công "vực dậy" đường thuỷ nội địa sau nhiều năm "lãng quên"
10 năm tới, vốn đầu tư công trung hạn lên tới 24.716 tỷ đồng để nâng cấp kết cấu hạ tầng, khai phá tiềm năng hệ thống đường thủy nội địa. Đồng thời, 39 cụm cảng hành khách và 54 cụm cảng thủy hàng hóa cũng được kêu gọi đầu tư tư nhân...
Để thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có hiệu quả theo Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa xây dựng kế hoạch, chính sách, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5 DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG HƠN 9.000 TỶ ƯU TIÊN TRƯỚC NĂM 2025
Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, vốn đầu tư rót cho lĩnh vực đường thủy nội địa giai đoạn 2010 - 2020 rất khiêm tốn, chỉ 1,4% tổng mức đầu tư toàn ngành giao thông vận tải, với vỏn vẹn 3 dự án đầu tư. Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong nhiều năm chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với vai trò trong hệ thống giao thông cả nước.
Nhiều dự án đầu tư chưa đồng bộ giữa tĩnh không luồng nên không phát huy được hiệu quả, tạo ra các nút thắt vận tải trên các hành lang vận tải chính các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy, với quy hoạch lần này, hạ tầng đường thủy nội địa hứa hẹn được quan tâm đầu tư, nhằm khai thác tối đa tiềm năng.
Theo đó, với nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, thứ nhất, tổng số vốn đầu tư cho các dự án đầu tư công khoảng 157.533 tỷ đồng, không gồm kinh phí đầu tư luồng và các cảng chuyên dùng.
Trong đó, 18 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa sử dụng vốn đầu tư công trung hạn với tổng mức đầu tư 24.716 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2025 đầu tư 9.223 tỷ đồng và 15.493 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030.
"Ưu tiên vốn đầu tư ngân sách, ODA để đầu tư dự án cải tạo, nâng tĩnh không cầu Đuống, công trình âu tầu kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ, dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, đầu tư hoàn chỉnh dự án WB6, WB5 và một số tuyến kết nối đường thủy nội địa", Cục Đường thuỷ Việt Nam nêu rõ.
Cục Đường thuỷ Việt Nam cho biết, các dự án đầu tư công tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa công cộng như luồng tàu, công trình chỉnh trị, báo hiệu, âu tàu, đập dâng nước… phục vụ đồng thời cho nhiều tuyến vận tải.
Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm giao thông vận tải thủy nội địa và quản lý nhà nước chuyên ngành đường thủy nội địa tại các khu vực cảng, bến thủy nội địa.
Về cảng hành khách, quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 53,4 triệu lượt khách.
Trong đó, khu vực miền Bắc có 10 cụm cảng, tổng công suất khoảng 10,9 triệu lượt khách. Miền Trung 14 cụm cảng, tổng công suất khoảng 2,5 triệu lượt khách. Miền Nam có 15 cụm cảng, tổng công suất khoảng 40 triệu lượt khách.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển 54 cụm cảng thủy hàng hóa, với tổng công suất khoảng 361 triệu tấn, được phân bố cân đối ở khu vực Bắc - Trung - Nam.
Cụ thể, tại phía Bắc có 25 cụm cảng, tổng công suất khoảng 199 triệu tấn; miền Trung có 8 cụm cảng, tổng công suất khoảng 9 triệu tấn và miền Nam có 21 cụm cảng, tổng công suất khoảng 153 triệu tấn.
HUY ĐỘNG TƯ NHÂN ĐẦU TƯ CẢNG, BẾN THUỶ NỘI ĐỊA
Đề cập đến chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam nhấn mạnh, một là, thu hút đầu tư cho công tác phát triển hạ tầng.
Theo đó, tập trung, bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng đường thủy nội địa công cộng theo lộ trình quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã được phê duyệt, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư cảng, bến thủy nội địa và các hạ tầng liên quan tại khu vực.
Tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng ngành và địa phương;
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng, bến thủy nội địa theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động, sử dụng nguồn lực và tổ chức thực hiện cho địa phương.
Tiếp tục tăng cường các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác để thu hút vốn đầu tư hạ tầng đường thủy nội địa, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với các cảng, bến thủy nội địa.
Sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước để duy trì hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho lĩnh vực đường thủy nội địa sau đầu tư, gồm cơ sở dữ liệu, phần mềm, phần cứng.
Bố trí vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì đường thủy nội địa tăng hàng năm để đảm bảo duy trì kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
Cụ thể, Cục Đường thuỷ nội địa hướng đến đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong công tác quản lý, khai thác hạ tầng cảng, thủy nội địa.
Nghiên cứu thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực liên quan đến quản lý và khai thác cảng, bến thủy nội địa. Tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường thủy nội địa.
Tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, trình độ cao để tham gia vào việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, giải quyết các vấn đề kỹ thuật, công nghệ phức tạp trong phát triển đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, đóng, sửa chữa và khai thác phương tiện thủy nội địa và công trình liên quan.
Đẩy mạnh khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống luồng, tuyến, cảng, bến thủy nội địa, báo hiệu phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ưu tiên đầu tư, phát triển, sử dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin cơ chế một cửa quốc gia.
Tăng cường ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác quản lý và thúc đẩy sự phát triển của ngành đường thủy nội địa. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ hiện đại, tiên tiến, đáp ứng tốt hơn công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Khai thác hiệu quả hệ thống quản lý các phương tiện thủy nội địa bằng Hệ thống quản lý hành thủy (VTS), hệ thống nhận dạng tự động (AIS) nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát vị trí các phương tiện thủy nội địa, phục vụ công tác quản lý chuyên ngành đường thủy nội địa, tìm kiếm cứu nạn, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế.
Để triển khai kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, Cục Đường thuỷ nội địa cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Chủ trì rà soát các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thi hành tạo thuận lợi trong hoạt động lập quy hoạch, đầu tư, quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Đồng thời, phối hợp với các địa phương nghiên cứu, huy động nguồn lực địa phương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch sử dụng đất phù hợp, đồng bộ với quy hoạch.
Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, cần bố trí vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện kế hoạch thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển, quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách để huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện chính sách ưu đãi về sử dụng đất, sử dụng khu vực biển xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Xây dựng các quy định về quản lý, sử dụng đất, sử dụng khu vực biển dành cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa...
UBND các tỉnh, thành phố có liên quan tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về giao thông vận tải theo quy định của pháp luật trong phạm vi địa bàn, quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch. Rà soát các quy hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch ngành giao thông vận tải.
Ngoài ra, chủ động huy động nguồn lực của địa phương và đề xuất các cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận