HPG –Thị trường nội địa dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2024
Trong quý 3/2023, HPG ghi nhận doanh thu 28,5 nghìn tỷ đồng (-16%YoY, -3%QoQ), với sản lượng tiêu thụ 1,91 triệu tấn (-5%YoY, +5%QoQ).
KQKD nửa cuối 2023: sản lượng bán hàng hồi phục
Chúng tôi nhận thấy sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đã có sự cải thiện (sản lượng quý 3 đạt 919 nghìn tấn, +17%QoQ), hỗ trợ bởi nhu cầu từ các dự án đầu tư công, khi một số dự án trọng điểm (hệ thống đường vành đai và đường cao tốc) đã bàn giao mặt bằng trên 70% và chuyển sang giai đoạn xây dựng. Sản lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) được giữ ổn định ở mức 766 nghìn tấn (tương đương so với quý trước), với các đơn hàng chủ yếu từ thị trường châu Á và châu Âu. Trong 9 tháng đầu năm 2023 (9M23), công ty ghi nhận doanh thu 84,6 nghìn tỷ đồng (-27% YoY, đạt ~56% kế hoạch kinh doanh năm 2023).
Biên lợi nhuận gộp (GPM) quý 3 tiếp tục cải thiện lên 12,6%, và lợi nhuận gộp đạt 3.595 tỷ đồng (+13%QoQ, +259% YoY), khi nguyên liệu chính (than cốc, quặng sắt) nhập về vẫn ở mức giá thấp. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng HPG có chính sách chốt giá nguyên liệu từ 1-2 tháng trước khi nhập về, vì vậy khi giá nguyên liệu tăng mạnh từ tháng 09 (trung bình giá than cốc tăng 20% QoQ, giá quặng sắt 9% QoQ) sẽ gây áp lực về chi phí cho HPG trong quý 4
Triển vọng 2024 – Thị trường nội địa hồi phục
Cho năm 2024, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của HPG sẽ ghi nhận tăng trưởng đáng kể, với:
Về thị trường nội địa, chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt 4,8 triệu tấn (+29%YoY, hiệu suất hoạt động đạt ~90%), hỗ trợ bởi: 1/Thị trường BĐS đã có dấu hiệu hồi phục trong quý 4/2023 (tại các thành phố cấp I) và các dự án BĐS sẽ đẩy mạnh mở bán trong năm 2024, đi cùng với quá trình xây dựng và tăng nhu cầu nguyên vật liệu; 2/ Các dự án đầu tư công trọng điểm sẽ đẩy mạnh quá trình xây dựng trong giai đoạn 2024-2025. Nhu cầu nội địa cũng là yếu tố hỗ trợ giá thép thanh hồi phục về mức 15,3 triệu đồng/tấn (mức giá giao dịch trong nửa đầu 2023), trong bối cảnh giá nguyên vật liệu dự kiến vẫn neo ở mức cao trong năm 2024.
Về thị trường HRC, chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của công ty có thể đạt 2,9 triệu tấn (+4%YoY), khi thị trường xuất khẩu vẫn đóng góp chính cho sản lượng. Tuy nhiên do lò cao tại Dung Quất (dùng để sản xuất HRC) đã hoạt động với 100% công suất, vì vậy việc đưa giai đoạn 02 vào hoạt động (dự kiến hoạt động trong năm 2025, nâng tổng công suất sản xuất HRC lên 4,6 triệu tấn) sẽ là yếu tố hỗ trợ cho sản lượng tiêu thụ HRC trong dài hạn.
Qua đó, chúng tôi kỳ vọng doanh thu của HPG trong 2024 có thể đạt 145,1 nghìn tỷ đồng (+23%YoY). Với kỳ vọng mức tồn kho tại các nhà máy thép sẽ cải thiện trong năm 2024, giá nguyên liệu có thể hạ nhiệt sau giai đoạn tăng mạnh trong quý 4/2023 (trung bình trong 2024, giá quặng sắt giao dịch ở USD 115/tấn, giá than cốc giao dịch ở USD 280/tấn). Qua đó, HPG có thể duy trì biên lợi nhuận gộp đạt 12,6%, với lợi nhuận gộp tương ứng đạt 18,3 nghìn tỷ đồng (+60%YoY). Xét về mặt lợi nhuận, với tỷ suất lợi nhuận ròng dự kiến là 8%, chúng tôi kỳ vọng HPG có thể ghi nhận lợi nhuận ròng 11 nghìn tỷ đồng (+94%YoY). EPS tương ứng năm 2024 là 1.782 đồng
Định giá cổ phiếu HPG
Chúng tôi sử dụng hai phương pháp để định giá cổ phiếu: FCFF và PB. Trong phương pháp FCFF, chúng tôi áp dụng chi phí vốn bình quân wacc là 11,1% và đưa ra giá mục tiêu là 26.300 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi áp dụng tỷ lệ P/B là 1,8x, cho giá trị sổ sách năm 2024; và giá mục tiêu theo phương pháp P/B là 31.900 đồng/cổ phiếu. Do đó, giá trị hợp lý của chúng tôi là 29.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời +4% tính theo giá đóng cửa vào ngày 29/12/2023
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận