menu
Hồng Kông ngay lập tức tăng lãi suất sau động thái của FED
Hồ Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hồng Kông ngay lập tức tăng lãi suất sau động thái của FED

Việc tăng lãi suất làm tăng thêm gánh nặng cho những người đi vay thế chấp, cho vay doanh nghiệp và cá nhân... tại Hồng Kông

Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đã có động thái tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, tương tự của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) để duy trì tỷ giá tiền tệ của Hồng Kông với đồng đô la Mỹ.

Trong một thông báo mới đây, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã tăng lãi suất cho vay cơ bản thêm 25 điểm lên 0,75%, dự kiến sẽ gây thêm áp lực lên các khoản thanh toán thế chấp liên quan đến lãi suất liên ngân hàng. Vì Hồng Kông sẽ cần tuân theo các đợt tăng lãi suất ở Mỹ, dự kiến tới 10 lần cho đến cuối năm sau, do đó, lãi suất cơ bản dự kiến sẽ tăng lên 3,25% vào cuối năm 2023, với giả định mỗi lần tăng ở mức 25 điểm cơ bản. Đây sẽ là mức cao nhất kể từ tháng 9/2008.

Robert Lee Wai-wang, Giám đốc điều hành của công ty môi giới Grand Capital Holdings cho biết: “Việc tăng lãi suất làm tăng thêm gánh nặng cho những người đi vay thế chấp, cho vay doanh nghiệp và cá nhân... Tuy nhiên, các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty tài chính và quỹ hưu trí sẽ được hưởng lợi từ thu nhập lãi cao hơn”.

Giới chuyên gia đánh giá, việc tăng lãi suất ở Hồng Kông vào thời điểm này có vẻ không thuận lợi, khi thành phố đang đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 trầm trọng nhất trong hơn hai năm, dẫn đầu bởi biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao, số ca tử vong mỗi ngày lên tới hàng trăm người. Nền kinh tế của thành phố cũng phải đối mặt với các lệnh phong toả, như trường học, trung tâm giải trí phải đóng cửa, đồng thời đặt ra hạn chế đối với các nhà hàng và quán cà phê.

Tuy nhiên, động thái của HKMA được thực hiện cùng với mức tăng tương tự của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) để duy trì tỷ giá tiền tệ của Hồng Kông với đô la Mỹ. Theo đó, FED đã tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm, với phạm vi mục tiêu từ 0 - 0,25%, lên khoảng 0,25 - 0,5%. Điều này được xem như chính thức kết thúc kỷ nguyên lãi suất bằng 0 bắt đầu vào tháng 3/2020, khi cơ quan tiền tệ Hoa Kỳ tiếp tục tài trợ nguồn vốn giá rẻ để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

FED cũng chỉ ra rằng, họ sẽ tăng lãi suất thêm 6 lần trong năm nay, trong khi các nhà phân tích kỳ vọng thêm 4 lần nữa trong năm tới, điều này sẽ đưa lãi suất mục tiêu của FED lên 2,75 - 3% vào cuối năm 2023, giả định nó sẽ tăng 25 điểm cơ bản mỗi lần.

Giám đốc điều hành HKMA, Eddie Yue Wai-man cho biết trong một tuyên bố rằng: “Việc Mỹ tham gia vào chu kỳ tăng lãi suất nằm trong kỳ vọng của thị trường. Hệ thống tài chính và thị trường tiền tệ của chúng tôi đã tiếp tục hoạt động một cách có trật tự và trơn tru”.

Trái ngược với Hồng Kông, Ngân hàng Trung ương châu Âu lại tỏ ra lưỡng lự hơn trong việc tăng lãi suất, khi Chủ tịch Christine Lagarde cho biết tuần trước rằng, ngân hàng trung ương không có ý định làm như vậy, cho đến khi họ hoàn thành chương trình mua trái phiếu vào cuối năm nay.

Theo Eric Tso Tak-ming, Phó Chủ tịch của mReferral Corporation, tốc độ tăng lãi suất sẽ diễn ra từ từ và ông dự kiến lãi suất liên ngân hàng Hồng Kông (HIBOR) sẽ sớm tăng lên 0,4% và 0,8% trong nửa cuối năm nay, có nghĩa là những người có các khoản vay thế chấp liên quan đến HIBOR sẽ cần phải trả nợ nhiều hơn kể từ bây giờ. “Việc tăng lãi suất có thể làm tăng khoản hoàn trả cho những người vay thế chấp, nhưng mức này sẽ vẫn ở mức hợp lý đối với hầu hết mọi người”.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại lớn của Hồng Kông, bao gồm HSBC, Standard Chartered và Ngân hàng Trung Quốc (Hồng Kông) đã cho biết họ không thay đổi lãi suất cho vay tốt nhất của mình, hiện ở mức từ 5 - 5,25%. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản cao hơn đã đẩy HIBOR một tháng lên mức cao nhất trong 15 tháng là 0,28% vào ngày 17/3 từ 0,14% vào tháng 1.

Tom Chan Pak-lam, Chủ tịch Viện Kinh doanh Chứng khoán Hồng Kông cho biết, đó là một tin xấu đối với nhiều công ty và những người vay thế chấp. Trong khi Mỹ đang đối mặt với áp lực lạm phát, thì Hồng Kông đang phải đối mặt với sự thu hẹp kinh tế do đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 5.

“Vì Mỹ đã báo hiệu sẽ tăng lãi suất hơn nữa, nên Hồng Kông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm theo, điều này sẽ gây thêm sức nặng cho những người đi vay. HKMA và chính phủ nên đưa ra nhiều biện pháp hơn để giúp các công ty và người vay cá nhân”, ông Chan nói.

Trên thị trường trái phiếu, động thái của FED từ lâu đã được các nhà đầu tư quan tâm. David Yim, chuyên gia thị trường vốn tại tại Standard Chartered đánh giá, giá dầu đã bị đẩy lên cao hơn do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, gây ra những lo ngại về lạm phát và tăng trưởng, khiến cả các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư đô la Mỹ phải đứng ngoài cuộc. Khối lượng phát hành trái phiếu bằng đô la Mỹ của khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản đã giảm 40% từ đầu năm đến nay so với một năm trước, do sự biến động gia tăng trong lãi suất của Mỹ trong những tuần gần đây đã làm giảm lượng phát hành.

“Có rất nhiều lo ngại về mức giá của trái phiếu khi có biến động lớn trong ngày, nhiều đợt phát hành trái phiếu ở châu Á đã bị tạm dừng”, Yim nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả