Hơn 45% doanh nghiệp không biết về ưu đãi thuế quan trong CPTPP
Theo khảo sát của Trung tâm WTO, lý do lớn nhất khiến doanh nghiệp chưa tận dụng ưu đãi thuế quan của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là do không biết đến sự tồn tại của những ưu đãi thuế quan này.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) dùng câu thành ngữ “vạn sự khởi đầu nan” để đánh giá quá trình ký kết và 2 năm đầu thực thi hiệp định CPTPP.
Cụ thể, ngay từ khi đang trong quá trình đàm phán, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt khi Mỹ bất ngờ tuyên bố rút khỏi. Trong bối cảnh đó, kỳ vọng về một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới làm cơ sở tăng cường lưu thông hàng hóa, làm công cụ phục vụ chuyển đổi tái cơ cấu, hiện đại hóa nền kinh tế, Việt Nam cùng các đối tác khác đã nỗ lực hồi sinh lại hiệp định trong một khuôn khổ mới là CPTPP.
Năm đầu tiên thực thi CPTPP, thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung. Đến năm tiếp theo, đại dịch Covid-19 tiếp tục phủ bóng đen lên toàn nhân loại, khiến các hoạt động giao thương, buôn bán có thời điểm gần như đóng băng hoàn toàn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh thương mại thế giới gặp nhiều biến động như vậy, CPTPP cũng chính là điều may mắn, là “niềm an ủi để thúc đẩy xu hướng tự do thương mại”.
Như vậy, một trong những ưu tiên trong thời gian tới của cộng đồng doanh nghiệp là cần phải tích cực tận dụng những ưu đãi, lợi thế mà CPTPP mang lại, đặc biệt khi những xung đột thương mại trên thế giới ngày càng có dấu hiệu gia tăng và đại dịch Covid-19 trở thành “bình thường mới”.
Đồng quan điểm với ông Lộc, bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam nhận định, CPTPP còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam, Canada cũng như các quốc gia khác tiếp tục nỗ lực tận dụng tối đa cơ hội. CPTPP cũng chính là liều thuốc giúp nền kinh tế các đối tác tham gia phục hồi tốt hơn sau đại dịch Covid-19.
Chưa đạt kỳ vọng
Bình luận về cơ hội đặt ra cho Việt Nam khi tham gia CPTPP, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập nhận định, đây là hiệp định có tiêu chuẩn cao hàng đầu mà Việt Nam tham gia.
Đặc biệt, CPTPP là “con đường độc đạo” nối liền thương mại giữa Việt Nam và Canada, cũng là hiệp định đầu tiên của Việt Nam với một đối tác Bắc Mỹ. Cùng với những mức cam kết cắt giảm thuế quan mạnh mẽ, con đường này ngày càng trở nên bằng phẳng và rộng mở đối với doanh nghiệp. Mặt khác, các rào cản phi thuế quan cũng trở nên minh bạch hóa, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp các bên.
Tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan từ CPTPP. Ảnh: Trung tâm WTO và hội nhập.
Tuy nhiên, sau 2 năm thực thi, theo khảo sát của Trung tâm WTO và hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tận dụng được lợi ích từ hiệp định thương mại mang tính lịch sử này. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP còn tương đối thấp, chỉ đạt khoảng từ 2 – 13% đối với các đối tác lớn tham gia vào hiệp định.
Đi sâu vào phân tích, lý do lớn nhất khiến doanh nghiệp chưa nhận được lợi ích từ CPTPP là do “không biết là có ưu đãi thuế quan theo CPTPP”, với tỷ lệ lên tới 45,31%.
Bà Trang nhận định, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng cần phải lưu ý, bởi nếu không nắm được thông tin, doanh nghiệp đang tự đánh mất đi lợi thế cạnh tranh, đánh mất đi những thuận lợi thương mại và Nhà nước đã rất nỗ lực để mở ra cho doanh nghiệp.
Theo giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, doanh nghiệp có thể chủ động tìm hiểu thêm các thông tin về ưu đãi thuế quan thông qua các công cụ tra cứu trực tuyến như trademap.org, macmap.org, tao.wto.org hoặc các đầu mối thông tin tại VCCI cũng như hiệp hội ngành hàng Việt Nam và các nước đối tác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường