Hơn 4,800 doanh nghiệp Trung Quốc báo lãi giảm mạnh
Hơn 4,800 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh chứng kiến lãi ròng giảm mạnh vì chính sách “triệt tiêu COVID” (Zero COVID) và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng leo thang.
Tình cảnh này gợi nhớ lại cú sụp trong năm 2020 và đánh dấu một trong những đợt suy giảm lợi nhuận tồi tệ nhất trong lịch sử, theo CNN. Trong 6 tháng đầu năm, có tới 53% số công ty niêm yết suy giảm lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu từ Wind và Choice, hai công ty cung cấp thông tin tài chính lớn tại Trung Quốc.
Các gã khổng lồ công nghệ nổi bật nhất của Trung Quốc nằm trong nhóm giảm mạnh nhất. Quý 2/2022 cũng đặt dấu chấm hết cho nhiều năm tăng trưởng bùng nổ liên tiếp của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Alibaba ghi nhận doanh thu đi ngang trong quý 2/2022, còn Tencent chứng kiến quý đầu tiên sụt giảm về doanh số.
Với những lĩnh vực khác của nền kinh tế, 2022 đã là năm tồi tệ nhất trong lịch sử.
Trong đó, 3 hãng hàng không lớn nhất của Trung Quốc – Air China, China Southern Airlines, và China Eastern Airlines – lỗ kỷ lục, với tổng khoản lỗ 50 tỷ Nhân dân tệ (7.2 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm. Các lãnh đạo đổ lỗi cho sự gián đoạn trong đi lại vì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và đồng Nhân dân tệ mất giá (giảm 9% so với USD từ đầu năm).
Đồng Nhân dân tệ yếu hơn gây tổn thương tới ngành hàng không Trung Quốc vì họ buộc phải trả tiền để nhập khẩu máy bay, phụ tùng và nhiên liệu bằng USD. Chi phí trả nợ nước ngoài cũng sẽ tăng.
Các tập đoàn bất động sản cũng nằm trong nhóm có kết quả ảm đạm nhất trong năm nay, khi thị trường bất động sản rơi vào vòng xoáy suy giảm.
Lĩnh vực này – vốn chiếm tới 30% GDP Trung Quốc – rơi vào khủng hoảng vì chiến dịch giảm bớt đòn bẩy của Chính phủ kể từ năm 2020. Giá bất động sản và doanh số bán nhà mới cũng lao dốc, theo CNN.
Cuộc khủng hoảng đã leo thang trong vài tháng gần đây, khi hàng ngàn người mua nhà giận dữ không muốn thanh toán khoản vay thế chấp đối với các dự án chưa hoàn tất. Điều này gây chao đảo thị trường, đồng thời thôi thúc các doanh nghiệp và cơ quan chức trách phải đưa ra động thái để giảm bớt tác động.
Country Garden, nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc báo cáo lợi nhuận giảm 96% trong nửa đầu năm 2022. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2007, thời điểm Công ty niêm yết trên sàn giao dịch Hồng Kông.
Tình cảnh này cũng gần tồi tệ như năm 2020, khi các công ty ghi nhận kết quả lợi nhuận tồi tệ nhất trong lịch sử giữa lúc kinh tế lao đao vì dịch COVID-19. Trở lại thời điểm đó, 54% doanh nghiệp niêm yết chứng kiến lợi nhuận giảm trong 6 tháng đầu năm, theo CNN.
Số doanh nghiệp báo lỗ ở mức kỷ lục, lên tới 900 doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022, trong khi con số này chỉ ở mức 780 tỏng năm 2020.
Bức tranh lợi nhuận ảm đạm ở Trung Quốc có thể tạo nên làn sóng tiêu cực tác động tới hoạt động sản xuất – kinh doanh trên toàn cầu, vì các công ty Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất trên thị trường nguyên vật liệu, công nghệ và nhiều sản phẩm khác.
“Chúng tôi đã bắt đầu ghi nhận những tác động”, Alicia Garcia Herrero, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis cho biết. Giá dầu và các loại năng lượng khác giảm xuống, trong khi các nhà máy sản xuất chất bán dẫn cho biết lượng đơn đặt hàng thấp hơn so với trước đây, bà nói thêm.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến đa phần doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn “bết bát” trong nửa đầu năm 2022 là việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách zero Covid và khủng hoảng tại thị trường bất động sản.
Trung Quốc đến nay vẫn tiếp tục theo đuổi chủ trương khoanh vùng và dập dịch. Điều này dẫn tới việc các thành phố lớn thường xuyên tái diễn tình trạng phong toả và giãn cách xã hội trước các đợt sóng lây nhiễm. Hoạt động du lịch vì vậy cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Phong tỏa Thành Đô để kiểm soát dịch bệnh
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã ra quyết định phong tỏa siêu đô thị Thành Đô để ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 mới nhất.
Theo Bloomberg, Thành Đô - thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, bắt đầu phong toả từ đêm 01/09. Đây là chiến lược gấp rút của lãnh đạo Trung Quốc sau khi các quan chức y tế địa phương phát hiện có tới 157 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 31/8.
Như vậy, Thành Đô là thành phố lớn nhất phải đóng cửa kể từ khi Thượng Hải bị phong tỏa hơn hai tháng vào đầu năm nay. Động thái này sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 21 triệu dân và cộng đồng doanh nghiệp tại Thành Đô, đồng thời gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận