Hơn 200 doanh nghiệp thua lỗ nửa đầu năm, lộ diện một công ty thủy sản lỗ gần 600 tỷ
Theo số liệu từ WiGroup tới hết ngày 3/8, có 204 trong tổng số 1.058 đơn vị được thống kê trên cả ba sàn (UPCoM, HNX và HOSE) báo lỗ ròng sau nửa đầu năm, trong đó 104 công ty thua lỗ đến từ UPCoM, 60 đơn vị thua lỗ đến từ sàn HNX, và sàn HOSE ghi nhận 40 doanh nghiệp báo lỗ. Tổng mức lỗ lũy kế trong nửa đầu năm của nhóm doanh nghiệp trên hơn 10.000 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách các doanh nghiệp thua lỗ đậm nhất tiếp tục là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) với mức lỗ ròng gần 1.466 tỷ đồng, giảm so với con số lỗ 5.168 tỷ nửa đầu năm ngoái.
Nếu tính cả quý II, hãng hàng không quốc gia này đã thua lỗ 14 quý liên tiếp khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietnam Airlines âm 35.667 tỷ đồng cuối quý II, kéo vốn chủ sở hữu âm 11.598 tỷ đồng. Điểm tích cực trong kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines quý II ghi nhận doanh thu tăng trưởng quý thứ 7 liên tiếp, phản ánh xu thế hồi phục của thị trường hàng không sau dịch.
Hiện Vietnam Airlines đứng trước bờ vực bị huỷ niêm yết hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN trên HOSE. Song cho tới nay, doanh nghiệp vẫn trì hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên dù đã quá hạn.
Xếp ngay sau Vietnam Airlines là Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã: VGI) với mức lỗ ròng 1.073 tỷ đồng sau 6 tháng.
Nguyên nhân là, chi phí tài chính hơn 2.163 tỷ đồng (tăng 66%), chi phí bán hàng 1.544 tỷ đồng (tăng 41%) và đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới hơn 4.036 tỷ đồng (gấp đôi cùng kỳ) do phải trích lập dự phòng đầu tư và phải thu với Công ty Viettel Myanmar bởi tình hình bất ổn tại quốc gia này. Tổng các chi phí này đã ăn mòn phần lãi gộp 6.386 tỷ đồng khiến công ty lỗ đậm.
Góp mặt trong top 10 doanh nghiệp thua lỗ 6 quý đầu năm có hai đại diện của ngành thép là Thép Pomina (Mã: POM) và CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC).
6 tháng đầu năm, CTCP Thép Pomina (Mã: POM) lỗ sau thuế 536 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 8 tỷ đồng. Đây là mức thua lỗ nặng nhất của các doanh nghiệp ngành thép trong nửa đầu năm nay. Trước đó, Pomina cũng giữ luôn vị trí “quán quân” thua lỗ ngành thép trong năm 2022, với mức lỗ kỷ lục 1.078 tỷ đồng.
Ban đầu Thép Pomina kỳ vọng cả năm nay sẽ có lãi 300 tỷ, tuy nhiên công ty đã thay đổi kế hoạch thành lỗ sau thuế 150 tỷ đồng do niềm tin ngành bất động sản sẽ chưa tốt lên trong năm nay. Hiện Pomina đang tìm nhiều cách để huy động vốn, một mặt để tái cấu trúc doanh nghiệp và mặt khác là để chuẩn bị cho sự trở lại của ngành thép. Thép Pomina đã bán gần 70,2 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 20% cổ phần cho đối tác Nhật Bản là Nansei Steel với giá 10.000 đồng/cp.
Trong khi đó, Thép SMC lỗ ròng 371 tỷ đồng, trong bối cảnh tiêu thụ vẫn còn yếu và giá thép đã quay đầu giảm chục lần trong quý II. Doanh nghiệp còn này chịu sức ép từ mức tăng mạnh của các khoản chi phí, đặc biệt là việc trích lập chi phí dự phòng nợ xấu. Tính đến cuối tháng 6, công ty ghi nhận gần 1.300 tỷ đồng nợ xấu và đã trích lập 231 tỷ.
Ngoài ra, cũng có các đơn vị thép thua lỗ khác nhưng mức lỗ ít hơn Thép Pomina và SMC là Tổng Công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN) - lỗ 191 tỷ, CTCP Gang thép Thái Nguyên (Mã: TIS) - lỗ 117 tỷ. Trong khi đó, những tập đoàn đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen hay Thép Nam Kim đều đã phục hồi lợi nhuận nhưng mức lãi vẫn rất khiêm tốn so với quy mô và các quý trước thời điểm ngành thép gặp khó (từ quý III/2022).
5 cái tên còn lại là đại diện của ngành nông nghiệp và sản xuất phân bón, với CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) , Đạm Hà Bắc (Mã: DHB) , CTCP Thủy sản số 4 (Mã: TS4) và hai thành viên của Tập đoàn Masan là CTCP Masan MEATLife (Mã: MML) và CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR).
Trong đó, HNG thường xuyên góp mặt trong top các công ty lỗ lớn khi công ty đang trong quá trình đầu tư lại toàn bộ cơ sở vật chất hạ tầng. Theo lời của Chủ tịch Trần Bá Dương, phải đến năm 2025, HNG mới có lãi trở lại.
HNG cũng đang đứng trước nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu. Hồi ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch Trần Bá Dương cũng đã thẳng thắn với cổ đông cần "chấp nhận" bởi "thực sự không còn giải pháp nào nữa".
6 tháng đầu năm 2023, HNG lỗ ròng 241 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 670 tỷ. Lỗ luỹ kế tính tới cuối tháng 6 là 7.244 tỷ đồng. Trong đó, khoản lỗ quý II năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ do công ty đã chuyển đổi dòng tiền hạch toán từ đồng LAK sang đồng USD, do vậy không còn ghi nhận khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá, cùng kỳ ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 329 tỷ từ chênh lệch tỷ giá do đồng LAK tại Lào so với USD và VND mất giá lần lượt 28% và 33%.
Thủy sản số 4 (Mã: TS4) lần đầu tiên góp mặt trong danh sách thua lỗ lớn với 565 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá vốn hàng bán tăng vọt từ 15 tỷ đồng lên 636 tỷ đồng và khiến công ty lỗ gộp 561 tỷ. Hiện tại ngành thủy sản đang rơi vào khó khăn còn hơn thời đỉnh dịch, những ông lớn đầu ngành như Vĩnh Hoàn hay Minh Phú cũng đều chịu ảnh hưởng vì đứt gãy đơn hàng ở các nước xuất khẩu.
Trong khó khăn chung của ngành phân bón và do kinh doanh dưới giá vốn và chi phí lãi vay lớn, Đạm Hà Bắc (Mã: DHB) quay trở lại báo lỗ 6 tháng đầu năm 2023 với mức lỗ sau thuế 480 tỷ đồng sau một năm 2022 lãi đậm. Trước đó, Đạm Hà Bắc đã báo lỗ liên tục trong giai đoạn 2014 - 2020.
Tổng lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc tính đến cuối tháng 6 đã là 3.454 tỷ đồng, ăn mòn khiến vốn chủ sở hữu âm 732 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của công ty ở mức 6.308 tỷ đồng, gấp 5 lần tài sản ngắn hạn (1.237 tỷ đồng), đồng nghĩa vốn lưu động âm hơn 5.000 tỷ đồng.
Với Masan Meatlife (Mã: MML), dù doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2023 tăng 70%, nhưng do hụt thu hoạt động tài chính, đồng thời các chi phí hoạt động như bán hàng và chi phí lãi vay tăng mạnh khiến công ty thua lỗ hơn 347 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, doanh thu thuần quý II/2023 tăng trưởng so với cùng kỳ do từ cuối năm 2022 có thêm doanh thu của CTCP Masan Jinju (MSJ). Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 118 tỷ đồng so với cùng kỳ do từ cuối năm 2022 phát sinh thêm chi phí của MSJ. Quý II vừa rồi cũng đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ, dù doanh thu liên tục đi lên trong 5 quý.
CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) - đơn vị đang sở hữu mỏ vonfram lớn thứ hai trên thế giới báo lỗ sau thuế gần 487 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 323 tỷ. Nguyên nhân do doanh thu thuần giảm mạnh, trong khi giá vốn không giảm tương ứng, trong khi đó áp lực tài chính đè nặng. 6 tháng đầu năm, chi phí tài chính đã trả của MSR hơn 1.148 tỷ, tăng 38% so với cùng kỳ.
Tính đến tháng 6/2023, công ty con của Masan vay nợ 17.150 tỷ đồng từ ngân hàng và kênh trái phiếu, gấp gần 1,2 lần vốn chủ sở hữu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận