Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Home Credit chiếm 14% thị phần cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, chỉ xếp sau FE Credit, với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất nhóm công ty tài chính.
Home Credit đã công bố ký thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại Home Credit Việt Nam cho bên mua là The Siam Commercial Bank (SCB), thành viên của SCBX (trụ sở tại Thái Lan).
Thỏa thuận chuyển nhượng trị giá khoảng 800 triệu euro (gần 870 triệu USD), tuy nhiên giá trị thực tế sẽ được xác định vào thời điểm hoàn tất giao dịch, dự kiến trong nửa đầu năm sau.
900 triệu USD là con số lớn
Xét về giá, đây sẽ là thương vụ mua bán lớn thứ 2 của các công ty tài chính Việt Nam, sau thương vụ VPBank bán 49% cổ phần tại FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC thuộc SMFG (Nhật Bản) với giá 1,4 tỷ USD hồi 2021. Thời điểm đó, FE Credit dẫn đầu thị trường với khoảng 52-55% thị phần.
Với mức định giá gần 870 triệu USD của Home Credit - công ty tài chính nắm 14% thị phần lúc này - cũng chỉ xếp sau mức 2,8 tỷ USD của FE Credit khi đó.
Tuy nhiên, nếu so sánh giữa tỷ lệ thị phần nắm giữ và định giá trong hai thương vụ, mức giá/thị phần mà đối tác Thái Lan chi ra để mua lại Home Credit lại cao hơn nhiều.
Theo ông Trần Bằng Việt - chuyên gia tư vấn cấp cao, CEO Đông A Solutions - có nhiều yếu tố tác động đến kết quả định giá, bao gồm các chỉ số doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền, tốc độ tăng trưởng, đặc thù ngành, vị thế thị trường, tài sản, nợ, nghĩa vụ tài chính. Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp, đội ngũ nhân sự chủ chốt và cả các rủi ro liên quan đến pháp lý, thị trường và vận hành cũng ảnh hưởng tới định giá một doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thực tế, bên mua không đặt nặng vấn đề chi phí, mà quan trọng là tài sản mua được sẽ giúp họ tạo ra nguồn thu như thế nào. Ông cho rằng thương vụ SCB (Thái Lan) mua lại Home Credit thuộc nhóm này.
SCB là một trong những ngân hàng lớn và lâu đời nhất Thái Lan, cung cấp một loạt sản phẩm và dịch vụ tài chính từ ngân hàng cá nhân, ngân hàng doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư đến quản lý tài sản cho khách hàng. Khi mua lại Home Credit, ít nhất có 3 thứ mà SCB khai thác được thêm.
Thứ nhất, SCB có thể thuận lợi đưa các sản phẩm và dịch vụ vào Việt Nam bởi Home Credit sở hữu cơ sở dữ liệu khổng lồ kèm điểm tín dụng thực của khách hàng.
Thứ hai, ngân hàng Thái Lan sẽ làm chủ được know-how (tạm dịch: bí quyết) của dịch vụ tài chính cá nhân Home Credit, tùy theo các điều khoản của hợp đồng mà SCB có thể sử dụng trực tiếp để kinh doanh tại thị trường Thái Lan hay gián tiếp sử dụng để phát triển sản phẩm gần tương tự.
Đặc biệt, Home Credit là một trong số ít công ty tài chính tiêu dùng đầu tư mạnh về ESG, do đó thương vụ mua lại này có thể giúp SCB dễ đạt chuẩn hơn và thuận lợi tiếp cận các dòng vốn quốc tế.
"Ngành tài chính tiêu dùng rất đặc thù, đòi hỏi giấy phép đặc biệt để được phép hoạt động, cùng một hình ảnh sang, sạch và tích cực trong mắt cộng đồng, truyền thông và các cơ quan quản lý để thành công. Đây là lúc ta thấy được vai trò của hình ảnh thương hiệu cùng chiến lược ESG thông minh mà Home Credit đã dày công đầu tư từ thời mới thành lập vào trong định giá của doanh nghiệp", ông Trần Bằng Việt nhấn mạnh.
Ở góc độ kinh doanh, Home Credit vẫn duy trì vị trí thứ 2 về thị phần tính trên tổng dư nợ cho vay trong những năm qua, cùng với FE Credit và HD Saison chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Tỷ lệ nợ xấu tại doanh nghiệp cũng luôn dưới mức 3%, thậm chí có những thời điểm chỉ 2% vào năm 2022. Đây là những con số thấp nhất ngành tài chính Việt Nam.
Năm 2023, Home Credit cũng huy động thành công 3 đợt trái phiếu cho một số ngân hàng thương mại, với tổng mệnh giá 1.100 tỷ đồng.
Cục diện ngành tài chính tiêu dùng sau hàng loạt thương vụ
Trên thực tế, không chỉ Home Credit và FE Credit, thị trường Việt Nam cũng từng chứng kiến những thương vụ "bán mình" của các công ty tài chính khác. Gần nhất, SHB chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại SHB Finance cho đối tác Krungsri - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản) với giá 156 triệu USD.
Trước đó, SeABank chuyển nhượng 100% vốn Công ty tài chính PTF cho AEON Financial, thu về hơn 175 triệu USD; Techcombank bán 100% vốn Techcom Finance cho Tập đoàn Lotte; MB bán 49% vốn ở MCredit cho Shinsei Bank; Tập đoàn Shinhan mua lại toàn bộ Công ty tài chính Prudential Việt Nam.
Tập đoàn tài chính Credit Saison của Nhật Bản cũng đã có thương vụ mua lại 49% vốn góp của HDBank tại Công ty tài chính HDFinance, sau này đổi tên thành HD Saison.
Như vậy, sau hàng loạt thương vụ, phần lớn thị trường đã nằm trong tay khối ngoại, trong đó đa số đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. FiinRatings cho rằng dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội M&A với các công ty tài chính khác ở Việt Nam trong năm nay.
Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước đến cuối năm 2023, có tổng cộng 16 công ty tài chính đã được cấp giấy phép hoạt động cho vay tiêu dùng trên thị trường với tổng vốn điều lệ hơn 33.100 tỷ đồng, tăng hơn 11.000 tỷ đồng sau 3 năm.
Trong đó, FE Credit vẫn dẫn đầu với gần 11.000 tỷ đồng vốn điều lệ, bỏ xa những doanh nghiệp phía sau như EVN Finance (hơn 3.500 tỷ), SBIC Finance (hơn 2.500 tỷ); Lotte Finance (hơn 2.460 tỷ), HD Saison (2.350 tỷ); Home Credit (2.050 tỷ), Mirae Asset Finance (2.000 tỷ)...
Làn sóng tăng vốn vẫn diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nợ xấu tăng cao và các đợt thanh, kiểm tra trong năm 2023 đối với các công ty tài chính.
Năm ngoái, VietCredit và Shinhan Finance lần lượt lỗ sau thuế hơn 73 tỷ đồng và 246 tỷ đồng.
Trong khi đó, Home Credit báo lãi ròng 211 tỷ đồng nửa đầu năm 2023, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng nợ phải trả gấp 2,77 lần vốn chủ sở hữu, lên đến khoảng 18.202 tỷ đồng.
MCredit cũng thu hẹp 31% lợi nhuận, về mức 328 tỷ đồng, dù các năm trước luôn là công ty có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thị trường.
Ông lớn đầu ngành FE Credit mặc dù chưa công bố số liệu kinh doanh cụ thể, nhưng báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 của VPBank đã phần nào tiết lộ những khó khăn của công ty tài chính này.
Các năm trước, FE Credit đóng góp tỷ trọng đáng kể vào lợi nhuận của VPBank, là một phần động lực giúp nhà băng này liên tục tăng trưởng lợi nhuận dương giai đoạn 2012-2022 với tốc độ bình quân 40%/năm. Nhưng đến năm 2023, dù mảng chứng khoán và bảo hiểm đóng góp tích cực, VPBank vẫn báo lãi trước thuế giảm đến 48%, còn chưa đầy 11.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của công ty tài chính còn lại trong top 3 - HD Saison - cũng giảm gần 60%, về mức 660 tỷ đồng năm 2023, là khoản lãi thấp nhất trong 6 năm qua của công ty.
Những khó khăn này càng khiến thị trường trở nên phân mảnh hơn. Thị phần của FE Credit đã thu hẹp từ khoảng 52-55% vào năm 2021 về còn hơn 40% trong năm 2023, Home Credit cũng lùi từ mức 17% về 14%, theo số liệu công bố của các doanh nghiệp. HD Saison không đưa ra con số cụ thể, nhưng ước tính của FiinRatings vào năm 2021 cho thấy công ty này chiếm khoảng 11-12% thị phần, đứng ngay sau Home Credit.
Dù vậy, dữ liệu từ FiinRatings cho thấy thị trường cho vay tiêu dùng nhìn chung vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2019-2022. Các chuyên gia tại đây nhấn mạnh cho vay tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng vì chỉ mới chiếm hơn 27% GDP Việt Nam, rất khiêm tốn nếu so với mức 40-65% của các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường