menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Cường

Học văn không thể làm bác sĩ?

Trong thời gian tham gia chống dịch Covid-19, tôi có một số bài viết được đăng báo. Dưới các bài báo là những nhận xét của bạn đọc, khích lệ nhân viên y tế chúng tôi. Có một nhận xét khiến tôi nhớ mãi: “Nhân dịp Covid-19 mới phát hiện ra nhiều bác sĩ viết văn hay”.

Độc giả này nói ra một điều mà tôi đã cảm thấy từ lâu: trong y giới chúng tôi, rất nhiều bác sĩ có thế mạnh về khả năng viết, trình bày vấn đề.

Vì thế tôi không "hoảng hốt", thậm chí còn tán thành, trước thông tin bốn trong số 27 đại học đào tạo ngành y dùng môn văn trong tổ hợp xét tuyển đầu vào.

Có một thực tế ít được để ý đến, là y học và văn học có mối liên kết đặc biệt: cùng nghiên cứu về con người. Văn học thiên về mô tả, lý giải các hành vi xã hội của con người để đi đến thấu hiểu đời sống tinh thần; còn y học nghiên cứu thân thể con người để chữa trị bệnh tật. Phần tâm hồn và các mối quan hệ xã hội nhiều khi gây nên tổn thương về thể xác - đối tượng của ngành y. Và ngành y, nhất là chuyên ngành tâm thần học, tâm lý học, có vai trò quan trọng trong việc mang đến cho con người một tâm thân khỏe khoắn, cảm xúc lành mạnh.

Bác sĩ tâm thần học nổi tiếng Sigmund Freud là một trường hợp điển hình khiến y văn thế giới phải thừa nhận vai trò của những nghiên cứu sâu về tâm lý, tâm hồn con người trong việc chữa lành các bệnh lý tâm thần. Nhiều nhà văn vĩ đại cũng từng cảnh báo về sự tồn tại của các chứng bệnh ngay trước khi chúng được y học lý giải. Chẳng hạn văn hào Pháp Molière trong tác phẩm "Người bệnh tưởng" đã nhắc đến chứng rối loạn lo âu; nhà văn Nga Fyodor Dostoevsky nói đến chứng động kinh trong nhiều tác phẩm của mình.

Trên thế giới có không ít nhà văn nổi tiếng là bác sĩ như Anton Chekhov (Nga), Friedrich Schiller (Đức), Lỗ Tấn (Trung Quốc)... Việt Nam xưa có đại danh y Hải Thượng Lãn Ông. Gần đây hơn chúng ta có nhà văn hóa, nhà văn, nhà tâm lý học là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Còn bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc là một nhân vật đương thời với những trang viết đầy lãng mạn. Tôi có thể kể chưa hết các ví dụ để thấy rằng, tố chất của một người học văn không ngăn cản họ trở thành bác sĩ, thậm chí còn giúp họ có lợi thế hơn trong công việc chữa bệnh cứu người.

Bệnh nhân trước mắt chúng tôi là một tập hợp của nhiều thông số sinh học: chiều cao, cân nặng, mạch, nhiệt độ, huyết áp cùng các kết quả xét nghiệm khác. Nhưng không chỉ có vậy, xuyên qua con số khô khan, chúng tôi phải nhìn họ đầy đủ như một con người, một số phận cụ thể, với những lo lắng trước bệnh tật, những tác động ngoại cảnh có thể làm xấu đi tình hình sức khỏe... Thấu hiểu và cảm nhận đầy đủ như vậy, việc điều trị của thầy thuốc sẽ trở nên toàn diện hơn, cụ thể hơn và nhiều khi là đời hơn, hợp với hoàn cảnh của từng người bệnh hơn. Sự cảm thông giữa con người với con người chính là y đức - một điểm đặc thù rất được đề cao trong ngành y. Phẩm chất này thường sẵn có trong những người học tốt môn văn - môn học hiểu về con người.

Ngoài sự cảm thông, người giỏi văn còn có những ưu thế rất gần gũi, hữu ích cho công việc của một bác sĩ: khả năng quan sát chi tiết, và diễn đạt mạch lạc bằng lời nói hoặc văn bản. Đó là chưa kể, người giỏi ngôn ngữ thông thường cũng sẽ có khả năng đọc hiểu rất tốt, giúp quá trình tiếp nhận các tài liệu y khoa trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Dường như nhận thức phiến diện rằng, nhà văn, người học văn là những kẻ mộng mơ, thiếu lý trí là nguyên nhân chính dẫn đến sự phản đối đưa môn văn vào thi tuyển y khoa. Hơn nữa, nhiều người đánh đồng việc đưa môn văn vào tuyển sinh y khoa với tuyển sinh y khoa chỉ bằng môn văn. Mới chỉ bốn trường tuyển đầu vào theo cách này, nhưng họ đều dựa trên các môn căn bản, nền tảng khác là hóa học và sinh học. Văn hoàn toàn có thể là môn thứ ba, như bất cứ môn học nào trong các tổ hợp xét tuyển khác.

Tuyển sinh đại học ở Việt Nam, từ rất lâu rồi, chia năng lực học sinh thành ba khối chính A, B, C. Khối A là khoa học tự nhiên, với ba môn Toán, Lý, Hóa. Khối B, cũng là khoa học tự nhiên, gồm Toán, Hóa, Sinh. Khối C được cho là khối của những kẻ mộng mơ với Văn, Sử, Địa. Cách tuyển sinh khô cứng này kéo dài hàng chục năm không thay đổi, khiến nhiều người coi việc phân chia năng lực con người thành các khối như vậy là chân lý, không cần phải bàn cãi gì nữa. Hậu quả là không ít cá nhân có năng lực và phẩm chất phù hợp bị mất cơ hội học tập và làm việc trong ngành y.

Nhìn rộng hơn, ý kiến của tôi không có gì mới. Trước đây, môn văn vốn không bị phân biệt gì trong tuyển lựa sinh viên ngành y. Ở Việt Nam thời Pháp thuộc, học sinh tốt nghiệp tú tài bất kỳ ban nào cũng có thể đăng ký một lớp dự bị y khoa, gọi là lớp PCB (Physique, Chimie, Biologie - Vật lý, Hóa học, Sinh học), nếu đỗ thì được học y. Bố tôi vốn là tú tài ban Triết, sau đó vượt qua được lớp PCB và tiếp tục học y. Về sau ông trở thành bác sĩ giỏi, được nhiều người bệnh nhớ ơn. Như vậy không môn học nào trở thành rào cản cho ước mơ thành bác sĩ của học sinh.

Cách tuyển sinh y khoa của Mỹ hiện nay cũng gần như vậy. Học sinh học hết phổ thông sẽ trải qua kỳ thi SAT hoặc ACT để lấy điểm vào đại học, trong đó có môn đọc và viết, gần giống như ở ta gọi chung là môn văn. Sau khi tốt nghiệp cử nhân và nếu qua lớp dự bị y khoa (Pre-Med), họ có thể học y, gần giống như lớp PCB của Pháp ngày xưa. Các khóa pre-med vì thế có cả sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ, tâm lý học, xã hội học...

Đổi mới tuyển sinh là một bước quan trọng trong đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam. Cùng với việc mở rộng các trường tham gia đào tạo y khoa, việc mở rộng các tổ hợp tuyển sinh cũng đưa đến nhiều cơ hội hơn cho các em học sinh hiện thực hóa ước mơ thành bác sĩ của mình. Các trường đại học đào tạo ngành y có thể tham khảo mô hình "Dự bị y khoa" của các nước Âu Mỹ để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Sự phản đối việc đưa môn văn vào tuyển sinh y khoa sâu xa có lẽ xuất phát từ những hoài nghi vào tính khoa học và sự nghiêm ngặt của tuyển sinh đại học ở Việt Nam do quá trình mất niềm tin lâu dài. Nhưng đây có thể là những nỗ lực bước đầu nhằm thoát khỏi tình trạng giáo điều khô cứng khi xưa.

Vấn đề không phải là môn học nào, mà là tuyển sinh ra sao và sau đó, đào tạo như thế nào, để cung cấp được cho xã hội những bác sĩ vững vàng về chuyên môn và đáng tin cậy về y đức.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả