menu
Học được gì từ cú giảm kỷ lục của TTCK Việt Nam? (Phần 1)
Cô Thắm Đầu Tư Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Học được gì từ cú giảm kỷ lục của TTCK Việt Nam? (Phần 1)

Sau gần 2 năm thăng hoa trên thị trường chứng khoán, không ít nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư F0 lo âu, thậm chí hoảng loạn khi thị trường liên tục chìm trong sắc đỏ. Chỉ trong vòng 3 tháng, không ít người đã bay sạch thành quả 2 năm uptrend trước đó, thậm chí thua lỗ nặng nề, đau đớn nhìn tài sản “bốc hơi”.

Sai lầm sẽ không bỏ qua một ai kể cả bạn là nhà đầu tư mới gia nhập thị trường hay đã thuộc dạng “lão làng”, đây chính là những bài học đắt giá mà chúng ta không dễ gì có được. Mọi người đều có những sai lầm trong cuộc sống và điều này hết sức bình thường. Nhưng cách bạn học được gì từ sai lầm đó chính là cách duy nhất để sai lầm không lặp lại lần thứ hai.

Vậy chúng ta đã học được những gì từ cú giảm kỉ lục của thị trường chứng khoán vừa rồi? Sau tất cả chúng ta nhận lại được điều gì? Hãy cùng mình tìm hiểu những sai lầm mà số đông thường mắc phải và rút ra bài học kinh nghiệm cho riêng mình để cải thiện kết quả giao dịch thời gian tới nhé.

Vì bài viết khá dài nên mình sẽ chia thành 3 phần và chia sẻ dần, sai lầm đầu tiên cũng là sai lầm mang tính cơ bản nhất nhưng không nhiều người để ý, đó là:

1. Không định hình được phương pháp, không có nguyên tắc đầu tư

Đối với một nhà đầu tư chứng khoán, điều quan trọng đầu tiên đó là bạn cần xác định và hiểu mình thuộc trường phái đầu tư nào.

Nếu bạn là người trẻ, năng động, có mức độ chấp nhận rủi ro cao hoặc đã có kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán và nhiều thời gian theo dõi thị trường, theo dõi bảng điện, bạn sẽ hợp hơn với trường phái đầu tư ngắn hạn.

Nếu bạn thích an toàn hoặc là một nhà đầu tư bận rộn, ngoài việc tham gia vào thị trường chứng khoán còn phải duy trì các công việc, mối quan hệ khác bên ngoài và ít có thời gian để theo dõi bảng điện, giao dịch ngắn hạn thì bạn sẽ phù hợp với trường phái đầu tư dài hạn.

Trong đầu tư chứng khoán việc xác định mình phù hợp hoặc yêu thích phương hướng đầu tư như thế nào sẽ rất quan trọng. Cũng giống như khi lựa chọn nghề nghiệp vậy, bạn chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng và đam mê thì sẽ dễ dàng thăng tiến và thành công cao hơn.

Sau khi hiểu rõ trường phái đầu tư phù hợp với bản thân, mỗi trường phái sẽ có những phương pháp đầu tư bài bản. Bạn hoàn toàn có thể chia danh mục thành một phần để đầu tư dài hạn và một phần cho lướt sóng nhưng hãy chắc chắn rằng mình không lẫn lộn giữa 2 trường phái đầu tư, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, mã lướt sóng thua lỗ lại tặc lưỡi “thôi đầu tư dài hạn”.

Bạn cần tính toán cẩn thận mức độ rủi ro mà bản thân có thể chấp nhận để xác định điểm mua, bán, chốt lời, cắt lỗ. Trước khi đầu tư hãy nghiên cứu vấn đề này thật kỹ và xây dựng cho mình một bộ nguyên tắc để nó dẫn dắt chiến lược đầu tư của bạn.

Chủ động xác định xem bạn đang ở đâu trong vòng đời đầu tư, mục tiêu của bản thân là gì và cần bỏ ra bao nhiêu. Đừng kỳ vọng danh mục đầu tư sẽ giúp bạn giàu qua một đêm. Chiến lược đầu tư nhất quán, lâu dài mới là thứ tạo ra sự giàu có.

Cách tránh sai lầm này đó là: Lập kế hoạch hành động

Kế hoạch giao dịch về cơ bản là một khuôn khổ chỉ dẫn cho chúng ta cách thức hoạt động trong toàn bộ quá trình giao dịch. Nếu không có một kế hoạch giao dịch, hầu hết chúng ta sẽ chỉ đưa ra quyết định dựa trên cảm nhận và chờ đợi sự may mắn của thị trường. Đó là con đường nhanh nhất có thể thổi bay tài khoản. Chỉ cần bạn nghiêm túc thực hiện theo nó, việc giao dịch sẽ trở nên dễ dàng và chủ động hơn rất nhiều. Nó giống như một chiếc điện thoại di động có GPS chỉ cho chúng ta biết mình đang đứng ở đâu và sẽ đi đến đích theo con đường nào. Bạn có thể kiểm tra GPS bất kỳ lúc nào để biết mình có đi đúng hướng không. Và khi đi sai hướng, GPS sẽ chỉ cho chúng ta con đường để trở về đúng hướng nhanh nhất.

Đặc biệt, kế hoạch giao dịch giúp ra quyết định sáng suốt, giảm thiểu những yếu tố cảm xúc. Mọi hành động đều được đưa ra từ trước khi bước vào giao dịch, do đó, sẽ không phải đối mặt với việc vội vàng quyết định trong bất kỳ trường hợp nào. Việc cần làm duy nhất đơn giản là "bám chắc" vào kế hoạch đã vạch ra.

2. Không stoploss, chán nản đóng app, ngó lơ tài khoản đến khi không thể xử lý

Chắc hẳn chúng ta đều thấy quen với những con số này. “Nếu bạn lỗ 10% thì cần phải lời 11.11% mới hòa vốn. Nếu bạn chần chừ và để tỷ lệ thua lỗ tăng lên 20%, giờ đây bạn phải kiếm lời 25% chỉ để quay lại với số vốn ban đầu. Chờ lâu hơn tới khi cổ phiếu lỗ 25%, bạn sẽ phải kiếm lời 33% mới có thể “về bờ”. Thảm họa hơn nữa nếu bạn lỗ tới 50% thì bạn cần phải lãi gấp đôi tài khoản mới mong hòa vốn. Vấn đề là phải chờ đến bao giờ cho đến khi giá của nó có thể tăng gấp đôi: 1 tháng? 1 năm? 5 năm? Hay thậm chí hơn thế nữa?

Trong quá trình giao dịch cổ phiếu, chúng ta luôn mong sẽ mua bán có lời trong khi rất ít người chấp nhận việc thua lỗ, hay thừa nhận rằng mình đã sai. Biểu hiện rõ ràng nhất chính là việc xóa app, đóng bảng, ngó lơ tài khoản mỗi khi thua lỗ nặng nề để rồi đến khi mở lại số lỗ lại khiến chúng ta ngỡ ngàng, ngơ ngác, bật ngửa hơn trước. Hãy coi những khoản thua lỗ là học phí phải trả cho thị trường, là chi phí bảo hiểm cho số vốn đầu tư còn lại để tránh bị "bốc hơi" tài khoản. Hãy hành động ngay lập tức để loại bỏ mọi quyết định sai lầm. Đừng để chúng ta phải “dành cả thanh xuân để mong hòa vốn”.

Nếu nhà đầu tư tuân thủ kỷ luật cắt lỗ mà mình đã đặt ra, chắc chắn sẽ tránh khỏi những khoản thua lỗ nặng hơn, liên tục xoay vòng vốn, và có thể đầu tư vào những cơ hội khác trên thị trường. Mức cắt lỗ sẽ tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của từng người, điều này nên được đặt ra trong kế hoạch và chiến lược đầu tư ban đầu. Chi tiết các bạn có thể tham khảo thêm trong bài viết về Cutloss trước đó của mình trên trang cá nhân. https://www.facebook.com/CoThamDauTu/posts/pfbid02XJcMXyNdyMhopjHy8gxdXEJrYX2uWyaXUJrwd2krfcLPYJ5tU9nUtLsRWY7WbRicl

3. Trung bình giá, thậm chí sử dụng Margin trong xu hướng giảm

Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến khái niệm “trung bình giá cổ phiếu” và không ít lần miệt mài trung bình xuống đến khi sạch tiền mà vẫn chưa thấy đáy đâu. Ví dụ ban đầu bạn mua cổ phiếu ở giá 50.000 đồng, sau đó lại mua thêm cổ phiếu giảm bình quân ở mức giá 40.000 đồng và 45.000 đồng. Vậy bạn có chắc rằng giá sẽ chỉ nằm ở khoảng giảm này và nếu tiếp tục giảm bạn có đủ tiền để mua tiếp? Và nếu câu chuyện sau đó là giá tiếp tục giảm, trong khi chúng ta giữ nhiều cổ phiếu hơn, tài khoản căng Margin, thì sẽ như thế nào?

Đừng nên “ham rẻ” mà liên tục mua vào khi giá cổ phiếu tiếp tục giảm. Việc mua thêm cổ phiếu khi giá giảm xuống dưới vùng mua, thậm chí xuống dưới mức cắt lỗ có thể gây nên rủi ro thua lỗ lớn hơn, hay còn được gọi là “lỗ kép” - kỳ quan thứ 9 của thế giới. Và thế là thay vì gia tăng lợi nhuận chúng ta lại gia tăng khoản thua lỗ của mình. Trước khi có ý định trung bình hãy nhớ: “Đâu ai trung bình được mãi”.

Bạn có từng mắc phải sai lầm nào trong những sai lầm kể trên và đã rút ra được bài học gì cho riêng mình? Cùng comment chia sẻ nhé.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả