Hoàn tất việc trả cổ tức, vốn điều lệ của Ngân hàng ACB chính thức vượt Ngân hàng Agribank
Ngân hàng ACB (mã cổ phiếu ACB) vừa hoàn tất việc phát hành hơn 582 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 15%.
Ban lãnh đạo Ngân hàng ACB nhận định các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hồi phục kinh tế của Chính phủ đang tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh doanh của ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (Ngân hàng ACB, mã cổ phiếu ACB - sàn HoSE) vừa cho biết, đã hoàn tất phát hành 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100:15, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới.
Qua đó, nâng vốn điều lệ của Ngân hàng ACB lên mức 44.667 tỷ đồng, tương ứng tăng 15%. Như vậy, Ngân hàng ACB đã trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 6 toàn ngành, chỉ sau các ngân hàng VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Quân đội.
Tuy nhiên, vị trí của Ngân hàng ACB dự kiến sẽ tụt xuống hạng 8 vào cuối năm nay khi Ngân hàng Agribank và Ngân hàng Techcombank hoàn thành kế hoạch tăng vốn.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2024, Ngân hàng ACB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 6.721,5 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do chi phí dự phòng trong kỳ tăng mạnh nên lợi nhuận trước thuế giảm 5%, còn 4.892 tỷ đồng.
Trong năm nay, Ngân hàng ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Tổng tài sản tăng 12% lên 805.050 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% lên 593.779 tỷ đồng.
Như vậy, sau quý 1/2024, Ngân hàng ACB đã hoàn thành 22% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Ngân hàng ACB đạt 727.298 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 506.112 tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB nhận định, nền kinh tế trong nước năm nay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh.
Theo Chủ tịch ACB, với các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của các hộ gia đình sẽ sớm hồi phục. Qua đó, tạo động lực phát triển hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu ACB của Ngân hàng ACB trong vòng 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)
Trong năm nay, Ngân hàng ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 12%; tăng trưởng cho vay đạt 14%; và tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%.
Theo chia sẻ của ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, trong quý 1/2024, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt tới 3,7% so với cuối năm 2023. Con số này cao hơn gần gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân toàn ngành và tăng trưởng tích cực hơn so với các tháng trước đó.
Ông Từ Tiến Phát cho biết thêm, Ngân hàng ACB hiện cho vay với lãi suất thấp khi lãi suất cho vay doanh nghiệp chỉ từ 4 - 6%/năm và khách hàng cá nhân từ 6%/năm trở lên.
Về dư nợ, cho vay bất động sản chỉ chiếm dưới 2% trên tổng dư nợ của tại Ngân hàng ACB và không phát sinh nợ xấu. Cho vay mua nhà cũng chỉ ở mức dưới 22% trên tổng dư nợ của Ngân hàng ACB và nợ xấu chỉ ở mức khoảng 1%.
Cũng tại Đại hội, ban lãnh đạo Ngân hàng ACB cho biết, trong năm nay, ngân hàng không đặt mục tiêu cao đối với mảng bancassurance nhưng kỳ vọng thị trường sẽ chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Đồng thời, để bù đắp cho sự sụt giảm từ mảng này, Ngân hàng đang tập trung triển khai nhiều dịch vụ mới như kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế, qua đó đảm bảo sẽ hoàn thành mục tiêu doanh thu năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận