menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Học

Hiệu ứng nền dữ liệu thấp trong sức bật lợi nhuận ngân hàng quý 1

Hiệu ứng nền dữ liệu thấp của cùng kỳ 2020 được chú ý, nhưng có là yếu tố chính trong sức bật ấn tượng mà một số ngân hàng vừa công bố?

Lợi nhuận tăng bằng “lần”

Ngân hàng MB vừa công bố sơ bộ kết quả kinh doanh quý 1/2021 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 4.600 tỷ đồng, gấp tới 2,1 lần con số đạt được cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các chỉ số chính riêng ngân hàng cũng đều tốt hơn cùng kỳ 2020 như ROA khoảng 2,7% (quý 1/2020 là 1,59%); ROE khoảng 27,24% (quý 1/2020 là 16,09%); tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,14%; trích lập dự phòng đầy đủ, quỹ dự phòng bao phủ duy trì >144% nợ xấu.

Trước đó, một loạt các nhà băng khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên năm 2021 với con số ấn tượng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, lợi nhuận ngân hàng này quý 1/2021 ước đạt 7.000 tỷ đồng, cao hơn 34% cùng kỳ năm ngoái và bằng 28% kế hoạch cả năm. Với kết quả này, lãnh đạo Vietcombank tự tin khẳng định, mục tiêu lợi nhuận năm 2021 (25.200 tỷ đồng) nằm trong tầm tay.

Một ngân hàng trong nhóm “big 4” khác là VietinBank cũng ghi nhận lợi nhuận tăng kỷ lục trong quý qua. Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 đạt 7.000 -8.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 100% so với cùng kỳ. Lợi nhuận này chưa bao gồm khoản phí trả trước của hợp đồng bán bảo hiểm nhân thọ với Manulife. Nếu Bộ Tài chính phê duyệt thương vụ Manulife mua lại Aviva trong quý 1 này, nhiều khả năng Vietinbank sẽ ghi nhận khoản phí của hợp đồng Banca ít nhất là thêm khoảng 1.300 tỷ đồng nữa.

Cập nhật nhanh kết quả quý 1/2021 tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vừa qua, Tổng giám đốc MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 1.200 tỷ, gấp tới 4,1 lần con số đạt được cùng kỳ năm trước. Các chỉ số ROA và ROE đạt lần lượt 1,7% và 10,3%, hệ số CAR theo Thông tư 41 đạt 9,9%, nợ xấu dưới 2%.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng như SeABank đạt lợi nhuận trước thuế 698 tỷ đồng, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ; ACB ước đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước; HDBank ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 67,8%...

Nhiều yếu tố hỗ trợ và hiệu ứng nền dữ liệu thấp

Là một trong số ít các quốc gia được đánh giá là kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, bước sang năm 2021, các hoạt động kinh tế của Việt Nam tiếp tục có nhiều khởi sắc với tăng trưởng GDP quý đầu năm đạt 4,48%, cao hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 3,68% đạt được cùng kỳ năm trước.

Các hoạt động kinh tế phục hồi cũng được thể hiện rõ khi nhu cầu tín dụng tăng trưởng khá tốt ngay từ đầu năm. Theo ước tính, tín dụng quý 1/2021 đã tăng 2,04% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 1,31% của cùng kỳ 2020.

Theo đó, lợi nhuận quý 1 tại nhiều nhà băng cũng được gia tăng mạnh khi tín dụng được đẩy mạnh ngay từ đầu năm.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, tín dụng 3 tháng đầu năm của ngân hàng đã tăng 3,69%, mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm. Năm 2021, ngân hàng này được NHNN giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 10,5%, cao nhất trong khối ngân hàng có vốn nhà nước (chỉ khoảng 6-7,5%). Theo tính toán, chỉ trong quý 1, Vietcombank đã bơm thêm ra nền kinh tế khoảng hơn 28 nghìn tỷ đồng.

Còn ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB thì cho biết, do nhu cầu tín dụng các khác hàng tăng cao nên chỉ trong 3 tháng đầu năm, ngân hàng đã sử dụng gần hết mức được phê duyệt cho cả năm 2021 là 9%.

Tại ACB, đến cuối tháng 3, tín dụng đã đạt khoảng 352 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cuối năm trước. Tín dụng của HDBank cũng đã tăng khoảng 5,2% so với cuối năm 2020, đạt khoảng 198 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, nhiều ngân hàng đã dồn mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro các khoản cho vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, với việc Thông tư 01 được sửa đổi, áp dụng lộ trình trích lập dự phòng trong 3 năm, áp lực trích lập giảm bớt, thậm chí nhiều nhà băng có thể hoàn nhập và ghi nhận vào lợi nhuận cũng giúp cho lợi nhuận chung khởi sắc hơn.

Ngoài ra, như thể hiện các quý gần đây, kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư tiếp tục là một cấu phần đóng góp cho tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng khi chênh lệch giá mua - bán ngoại tệ ở mức cao trong khi việc đầu tư vào các giấy tờ có giá cũng mang lại lợi nhuận tốt.

Một yếu tố đáng lưu ý, cùng kỳ năm ngoái, đại dịch Covid-19 bùng phát và gây đứt gãy nhiều hoạt động giao thương, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm vào quý 1/2020. Điều này “vô tình” tạo hiệu ứng nền dữ liệu thấp của cùng kỳ năm trước, để nay tham chiếu và tạo tốc độ tăng trưởng cao.

Thực tế dữ liệu thống kê cùng kỳ năm trước cho thấy, trước tác động mạnh, bất thường và rộng khắp của Covid-19, lợi nhuận của loạt NHTM lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank hay BacABank, NamABank, PGBank, Kienlong Bank, SCB... đều sụt giảm và tạo nền thấp cho tham chiếu tăng trưởng quý 1 năm nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại