Hiện trạng tuyến 5 dự án BOT giao thông cấp bách nhất TPHCM sắp thi công
Năm tuyến đường đều ở các cửa ngõ quan trọng ra vào TPHCM, được xếp ưu tiên trong tổng số 107 tuyến đường trục chính có thể áp dụng hình thức BOT theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.
Sau khi tính toán các tiêu chí lựa chọn đầu tư, trước mắt Sở GTVT TPHCM đề xuất năm dự án BOT trên đường hiện hữu để đầu tư theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98.
Cầu vượt nút giao Bình Thuận, đầu đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Đây là cửa ngõ tiếp giáp với huyện Bến Lức (tỉnh Long An) có lưu lượng xe dày đặc.
Đoạn vòng xoay An Lạc trên trục quốc lộ 1, thuộc quận Bình Tân.
Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km cũng được đề xuất mở rộng từ 4 - 8 làn xe. Tổng vốn khoảng 12.900 tỷ đồng, trong đó dự kiến ngân sách thành phố tham gia với tỉ lệ 50% và doanh nghiệp 50%.
Hướng TPHCM về các tỉnh miền Tây Nam bộ, đoạn gần cầu vượt nút giao Bình Thuận, đầu đường Nguyễn Văn Linh.
Cầu Bà Chiêm (huyện Nhà Bè), cửa ngõ vào trung tâm thành phố từ hướng KCN Hiệp Phước.
Trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng vốn gần 4.500 tỷ đồng.
Ngân sách thành phố đầu tư tỷ lệ 70% và doanh nghiệp 30%.
Dự án cầu đường Bình Tiên dài 3,2 km - nối trung tâm về huyện Bình Chánh được thành phố phê duyệt đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Con đường nối trung tâm ra khu Nam này khi hình thành sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc, tăng cường liên kết vùng giữa thành phố với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long qua tuyến quốc lộ 50 (đang triển khai mở rộng), đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành, vành đai 3 TPHCM. Tuy nhiên, khi Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư ra đời, hình thức BT bị bãi bỏ và thành phố cũng tạm dừng dự án này. TPHCM hiện có kế hoạch triển khai dự án theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 6.218 tỷ đồng.
Nút giao ba tầng ngã tư An Sương (quận 12), đoạn bắt đầu quốc lộ 22 giao với quốc lộ 1.
Nơi đây có bến xe An Sương và là hướng di chuyển của dòng phương tiện từ cửa khẩu các tỉnh Long An, Tây Ninh vào trung tâm TPHCM.
Dự án quốc lộ 22 thường xuyên bị ùn ứ cũng được TPHCM ưu tiên mở rộng trong thời gian tới. Dự án mở rộng quốc lộ 22 (đoạn từ ngã tư An Sương đến đường vành đai 3) có chiều dài hơn 9 km sẽ mở rộng lên gần 40 m.
Tổng mức đầu tư 3.609 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đầu tư tỉ lệ 67%, doanh nghiệp 33%.
Cầu vượt vòng xoay cầu Bình Lợi nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng, cắt ngang đường dẫn cầu Bình Triệu là đoạn đầu của quốc lộ 13. Dự án mở rộng quốc lộ 13 dài khoảng 5 km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng để mở rộng tuyến quốc lộ 13 lên 53-60 m. Sở GTVT đề xuất bố trí ngân sách 50%, doanh nghiệp 50%. Dự kiến tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 9.000 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT TPHCM, các dự án công trình đường bộ hiện hữu chỉ áp dụng hợp đồng BOT đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao phù hợp theo quy hoạch được duyệt và phải đáp ứng được một số tiêu chí nhất định.
Cụ thể là những tuyến đường trục chính (kết nối liên vùng, là đầu mối giao thông quan trọng) nhưng đã xuống cấp, ách tắc giao thông. Đồng thời, các tuyến đường này phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và có tính khả thi cao về khả năng thu hồi vốn cho chủ đầu tư...
Với thời gian của nghị quyết chỉ 5 năm, nên việc chọn được các dự án cấp bách nhất, người dân mong muốn nâng cấp, mở rộng nhiều nhất và tính khả thi cao nhất là yếu tố rất quan trọng. Trên cơ sở các dự án cấp bách, ưu tiên, Sở Giao thông vận tải TP đã rà soát 5 dự án với mức đầu tư dự kiến hơn 37.000 tỷ đồng để tham vấn ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, người dân...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận