Hệ thống Vinmart, Vinmart+ huy động hơn 1.500 tỷ đồng từ kênh trái phiếu
Khoản vay trái phiếu được bảo lãnh bởi Masan và có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của chính đơn vị này.
Từ giữa tháng 5 đến nay, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce liên tục thực hiện tới 15 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động đạt 1.502,5 tỷ đồng.
Trái phiếu được bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang bởi CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN). Đồng thời, toàn bộ nghĩa vụ thanh toán còn được đảm bảo bởi cổ phần của Vincommerce thuộc sở hữu của CTCP Phát triển thương mại và dịch vụ VCM.
Trái phiếu cũng đi kèm điều khoản cho phép Vincommerce mua lại trái phiếu sau 1 năm kể từ ngày phát hành.
Kỳ hạn trái phiếu dài 5 năm. Tuy nhiên, tiền lãi sẽ được thanh toán định kỳ mỗi 3 tháng. Lãi suất áp dụng trong năm đầu tiên là 9,9%/năm, năm thứ hai là 10,9%/năm và áp dụng mức lãi suất thả nổi các năm sau với biên độ 3,9%/năm cộng thêm vào lãi suất tham chiếu.
Các nhà đầu tư tổ chức trong nước đã hấp thụ toàn bộ lượng trái phiếu trên.
Vincommerce, đơn vị điều hành hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ hiện là công ty con do Tập đoàn Masan nắm tỷ lệ cổ phần chi phối. Trong quý đầu tiên sau sáp nhập, tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ đạt tới 40%, thu về hơn 8.700 tỷ đồng. Mức lỗ cũng giảm một nửa nhưng vẫn âm hơn 900 tỷ đồng đồng trong quý vừa qua. Đánh giá về kết quả này, Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang đã có phần bất ngờ và không nghĩ có thể chuyển đổi nhanh như vậy. Ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng nguyên nhân không chỉ là kết quả ngắn hạn do tác động của Covid-19, mà còn bởi khó khăn, thách thức đã kích hoạt sự đổi mới.
Cũng vì chưa đạt điểm hòa và còn lỗ lũy kế, việc huy động vốn của Vincommerce nhiều kênh bị hạn chế. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn đáp ứng được các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhất là sau khi Nghị định 163/2018 nới lỏng điều kiện về việc kinh doanh có lãi ở năm liền trước năm phát hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận