Hệ thống giao dịch mới và các dấu hiệu xấu trước phiên bán tháo chiều nay
Thị trường chứng khoán bất ngờ bị xả mạnh vào 15 phút cuối phiên giao dịch ngày 6/7 dẫn tới chỉ số VN-Index giảm 56,34 điểm, tương ứng giảm 3,99% về chỉ còn 1.354,79 điểm và chính thức phá vỡ vùng hỗ trợ tâm lý 1.400 điểm.
Điểm đáng lưu ý, thị trường chỉ bị xả mạnh giai đoạn từ 14h15 phút và phiên ATC khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, không kịp trở tay. Tâm lý bi quan bao phủ toàn thị trường khiến hàng loạt các cổ phiếu giảm sàn, hoặc giảm gần hết biên độ.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/7, sàn HOSE có tới 350 mã giảm giá, trong đó 86 mã sàn; 59 mã tăng và 19 mã tham chiếu. Xu hướng bán tháo diễn ra trên diện rộng và tập trung nhiều vào những cổ phiếu tăng nóng giai đoạn trước đó như nhóm chứng khoán, thép, ngân hàng, dầu khí, phân bón, bất động sản…
Cụ thể, nhóm ngân hàng giảm sàn có CTG, TCB, LPB, STB, TPB, OCB…; nhóm thép với HSG, NKG, TLH, SMC…; nhóm chứng khoán với SSI, HCM, VDS, AGR…; nhóm dầu khí PVD, PVT…; tới nhóm bất động sản với DXG, DIG, KBC, HDC, IJC… và nhóm phân bón với DPM…
Thị trường tăng nóng mà không có lý do rõ ràng
Trong giai đoạn trước từ 9/6 đến 5/7, chỉ số VN-Index liên tục vượt vùng đỉnh lịch sử và ngưỡng tâm lý 1.400 điểm, thậm chí lên ngưỡng 1.420 điểm trong phiên 2/7 mà không trải qua nhịp điều chỉnh nào, thị trường chỉ có xuất hiện rung lắc trong phiên, nhưng nhanh chóng tăng trở lại.
Cụ thể, từ ngày 9/6 đến 2/7, chỉ số VN-Index tăng 7,6% lên 1.420,27 điểm; chỉ số VN30 tăng 8% lên 1.554,59 điểm. Nếu nhìn rộng hơn, các chỉ số đều giữ được đà tăng mạnh từ giai đoạn đầu năm tới nay.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán liên tục xoay tua vào các cổ phiếu khác nhau, tuy nhiên trọng tâm vẫn là nhóm cổ phiếu kỳ vọng có kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ điều kiện thị trường mới như nhóm chứng khoán, phân bón, vận tải biển, cảng biển, ngân hàng, thép….
Dòng tiền nâng đỡ chủ yếu vẫn tập trung là nhóm nhà đầu tư trong nước. Theo thống kế của Công ty Chứng khoán BSC, trong 4 tuần liên tiếp từ 31/5 - 2/7, khối tự doanh các công ty chứng khoán đã bán ròng 1.715,03 tỷ đồng trên sàn. Trong đó, tập trung bán mạnh tuần 28/6 - 2/7 với giá trị lên tới 931 tỷ đồng, đây cũng là tuần chứng kiến sự hưng phấn của thị trường chứng khoán trong nước.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với khối ngoại. Cụ thể, từ 31/5 - 2/7, khối ngoại đã bán ròng 139,49 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, tương ứng rút ròng 2.264,72 tỷ đồng.
Như vậy, mặc dù nhiều công ty chứng khoán nhận định thị trường tiếp tục tăng và có thể chạm ngưỡng 1.500 - 1.800 điểm trong giai đoạn sắp tới, nhưng khối tự doanh, cũng như khối ngoại vẫn liên tiếp tận dụng cơ hội thị trường tăng điểm để ra hàng.
Xét về yếu tố cơ bản thay đổi thị trường, trong giai đoạn vừa qua không có thông tin mới đủ sức thay đổi diễn biến thị trường khi MSCI vẫn giữ nguyên đánh giá nâng hạng như năm trước và câu chuyện nâng hạng tiếp tục bị bỏ ngỏ thêm thời gian.
Bên cạnh đó, diễn biến dịch trong nước đang phức tạp, hoạt động giãn cách xã hội diễn ra trên quy mô lớn và đặc biệt ảnh hưởng lớn tới trung tâm kinh tế lớn của cả nước là TP.HCM và đang có dấu hiệu lan ra các tỉnh miền Tây. Điều này có thể tiếp tục ảnh hưởng trọng yếu tới hoạt động kinh doanh và sản xuất của doanh nghiệp.
Trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp bắt đầu công bố báo cáo tài chính chịu ảnh hưởng bởi dịch. CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã chứng khoán DBC) công bố kết quả kinh doanh quý II/2021 với doanh thu tăng 72% lên 3.812 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 46,7% về còn 214 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết, mặc dù đã bố trí cho người lao động ăn, ngủ, nghỉ tại cơ sở sản xuất nhưng lực lượng lao động vẫn giảm 1/2 đến 3/4 do nhiều lao động nằm trong vùng bị phong tỏa.
Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất, cũng như dịch vụ sẽ chịu ảnh hưởng tương tự như DBC trong giai đoạn sắp tới.
Dòng tiền trên sàn chủ yếu tập trong vào câu chuyện kỳ vọng kết quả kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp hưởng lợi từ thanh khoản thị trường chứng khoán tăng nóng; giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao như giá thép, hàng hóa cơ bản, giá dịch vụ vận tải… ; cũng như nhóm ngân hàng hưởng lợi kỳ hạn khi huy động vốn ngắn hạn với lãi suất thấp hơn và cho vay trung và dài hạn với kỳ hạn dài nên thay đổi lãi suất diễn ra chậm và hưởng lợi ngắn hạn từ chênh lệch lãi suất huy động ngắn hạn với lãi thấp.
Tuy nhiên, chính vì kỳ vọng quá mức như trên nhiều cổ phiếu đã tăng bằng lần trong giai đoạn vừa qua. Đơn cử, kể từ đầu năm tới ngày 5/7, cổ phiếu SSI tăng 1,74 lần, VND tăng 2,56 lần, VDS tăng 2,77 lần, LPB tăng 2,43 lần, TCB tăng 1,82 lần, NKG tăng 2,45 lần, TLH tăng 2,61 lần… Điều tương tự cũng diễn ra ở hàng loạt cổ phiếu đang niêm yết trên sàn.
Nhìn chung, các cổ phiếu đã và đang phản ứng vào việc hưởng lợi từ xu hướng riêng của ngành trong giai đoạn 6 tháng đầu năm và hiện đang giao dịch ở vùng đỉnh lịch sử.
Xét về yếu tố kỹ thuật, các chỉ báo kỹ thuật như RSI, MACD đều liên tục giao dịch vùng quá mua trong một giai đoạn dài, nhà đầu tư chủ yếu phớt lờ đi những lo ngại chỉ tập trung vào câu chuyện hưởng lợi để đẩy giá chứng khoán.
Mặc dù vừa trải qua phiên báo tháo, nhưng theo dữ liệu của Bloomberg, hiện tại chỉ số VN-Index tiếp tục giao dịch vùng định giá P/E là 18,47 lần, cao hơn nhiều so với giai đoạn đầu năm. Đây là mức định giá cao của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.
Hệ thống mới có phải là bước ngoặt?
Thị trường đang giao dịch vùng định giá cao trong nhiều năm, trong khi nhà đầu tư chỉ tập trung vào yếu tố hưởng lợi của doanh nghiệp và phớt lờ đi các khó khăn mà doanh nghiệp và nền kinh tế đang và sẽ phải đối mặt trong làn sóng Covid-19 thứ tư có diễn biến phức tạp và ảnh hưởng trên quy mô rộng trong cả nước.
Trong phiên 5/7, khi sàn HOSE vận hành hệ thống giao dịch mới, thị trường đã xuất hiện dấu hiệu kéo xả, nhưng sau đó hồi phục trong phiên, chỉ tới phiên giao dịch ngày 6/7, áp lực bán mới diễn ra mạnh, trong khi lực đỡ thị trường không đủ lớn, khiến VN-Index chính thức gãy vùng hỗ trợ.
Việc thị trường vận hành hệ thống mới tạo ra kỳ vọng thanh khoản sẽ dồi dào và không bị hạn chế như giai đoạn trước đó, từ đó giúp những nhà đầu tư lớn có thể dễ dàng bán cổ phiếu với khối lượng lớn mà không lo ngại giới hạn giao dịch trong từng phiên.
Ngoài ra, do các cổ phiếu cũng tăng cao so với giai đoạn trước đó mà không trải qua phiên giảm mạnh, trong khi thị trường chuẩn bị bước vào mùa báo cáo quý II/2021 với truyền thống “tin ra là bán”, nhiều nhà đầu tư đã thực hiện chốt lời dứt khoát.
Việc thị trường giảm điểm nhanh, mạnh chỉ trong vòng 15 phút cuối phiên như phiên 6/7 sẽ không thể diễn ra trong giai đoạn trước đó khi hệ thống gặp trục trặc, bởi lượng bán mạnh sẽ khiến hệ thống bị nghẽn, vô hình trung giúp làm "ngắt mạch", chặn đà rơi của thị trường.
Tuy nhiên, với việc hệ thống mới với dung lượng lệnh tăng lên khi vận hành ổn định, việc thị trường trải qua phiên bán tháo như thời điểm tháng 4/2018, tháng 2/2020 có thể lặp lại và khó tránh khỏi khi nhà đầu tư bi quan quá mức và thể hiện tâm lý hoảng loạn, trong khi "cầu dao kỹ thuật" để ngắt mạch thị trường khi bán tháo xảy ra là nghẽn lệnh không còn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận