Hay tin kho cảng quốc doanh định tiếp nhận khí đốt Nga, 'đầu tàu' kinh tế châu Âu lập tức ra chỉ thị khẩn
Đức vừa yêu cầu các nhà ga nhập khẩu khí đốt do nhà nước vận hành từ chối tiếp nhận mọi lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, tờ Financial Times đưa tin.
Bộ Kinh tế Đức chỉ thị Deutsche Energy Terminal (DET) “không tiếp nhận bất kỳ chuyến hàng LNG nào của Nga” sau khi công ty thông báo với Berlin rằng ga nhập khẩu tại Brunsbüttel sẽ tiếp nhận một chuyến hàng LNG của Nga vào Chủ Nhật tuần này. DET là tập đoàn Đức do nhà nước sở hữu, hiện vận hành 4 nhà ga LNG nổi.
Bộ Kinh tế Đức cho biết chỉ thị này nhằm bảo vệ “lợi ích công quan trọng nhất” của đất nước và yêu cầu DET “từ chối các chuyến hàng LNG từ Nga cho đến khi có thông báo mới”.
Sự việc diễn ra vào thời điểm LNG sẽ trở thành một con bài mặc cả cho EU và chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới. Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất thay thế LNG của Nga bằng việc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ.
Đức là nước nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất ở châu Âu trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Khi Nga giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống đến Đức và các nước châu Âu khác, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã chạy đua tìm giải pháp thay thế và xây dựng một loạt nhà ga LNG để tiếp nhận các lô hàng khí đốt bằng đường biển.
Trong chỉ thị trên, Bộ Kinh tế Đức cho biết việc tiếp nhận lô hàng LNG trên sẽ đi ngược lại quyết tâm của Đức và EU trong việc “đoạn tuyệt” khí đốt Nga.
Nhưng trái với Mỹ và Anh đã cấm LNG của Nga, EU vẫn tiếp tục nhập mua hàng từ Nga, với 20% lượng nhập khẩu có nguồn gốc từ Nga, công ty dữ liệu hàng hóa Kpler cho biết.
Phần lớn LNG của Nga được chuyển đến Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ theo các hợp đồng dài hạn mà các công ty liên quan cho biết họ không thể cắt đứt với khí đốt Nga trừ khi lệnh cấm toàn diện được áp dụng. Đức không nhập khẩu trực tiếp LNG từ Nga kể từ cuộc xung đột.
Tuy nhiên, tập đoàn năng lượng nhà nước Sefe (Đức) có hợp đồng dài hạn đưa LNG từ cơ sở xuất khẩu Yamal (Nga). Sefe đã chuyển gần như toàn bộ nguồn cung này đến một cơ sở nhập khẩu ở Pháp, Kpler cho biết. LNG được tái khí hóa tại đó và đưa vào hệ thống đường ống dẫn khí đốt châu Âu. Đức bắt đầu nhận khí đốt từ Pháp vào tháng 10/2022.
Bộ kinh tế Đức từ chối bình luận trực tiếp về chỉ thị trên, đồng thời nói thêm rằng “về nguyên tắc, đúng là Đức không nhập khẩu khí đốt của Nga và bộ cũng thấy rõ rằng các nhà ga LNG của Đức không được làm việc này”.
Dữ liệu theo dõi tàu vẫn chưa xác định được bất kỳ tàu nào phát tín hiệu đến cơ sở nhập khẩu Brunsbüttel, mặc dù 3 tàu đã rời Yamal trong những ngày gần đây đang hướng đến châu Âu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận