Hậu tái cấu trúc, Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) thành công ty bán than?
Sau quá trình dài tái cấu trúc, CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) lại tăng trưởng mạnh mẽ ở mảng thương mại, trong đó sản phẩm chính là than đá. Lối đi này đang mở ra cơ hội lớn cho SHN trong mảng kinh doanh thường xuyên, và từ đó trở thành bàn đạp cho Công ty có thêm năng lực tài chính, tận dụng được các cơ hội kinh doanh bất động sản.
Kinh doanh than lên ngôi
Theo thông tin từ SHN, năm 2020, công ty mẹ SHN đạt doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 85 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty mẹ đã tăng trưởng mạnh lợi nhuận sau thuế so với năm 2019 là 66 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2020, gần như toàn bộ doanh thu công ty mẹ SHN đều đến từ việc bán than cho nhà máy nhiệt điện, với tổng lượng than cung cấp là 1,8 triệu tấn năm 2020, trong đó 30% sản lượng than do SHN trực tiếp nhập khẩu. Khách hàng chính trong năm 2020 là Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long.
Trong năm 2021, theo kế hoạch đã xây dựng, khách hàng Nhiệt điện Thăng Long dự kiến sẽ tiêu thụ tối thiểu 2 triệu tấn than, tương đương giá trị doanh thu khoảng 3.500 tỷ đồng.
Ngoài khách hàng này, SHN cũng đang đàm phán và đấu thầu cung cấp than đá cho các nhà máy nhiệt điện khác. Dự kiến, doanh thu cung cấp than cho các đối tác mới năm 2021 sẽ khoảng 1.500 tỷ đồng.
Cơ bản xây dựng xong nền móng xác lập vị thế ông lớn ngành than cho các nhà máy nhiệt điện
Trong chiến lược kinh doanh hiện tại, SHN chủ trương không vội vàng cho mục tiêu tăng trưởng nóng, mà từng bước xây dựng đối tác chiến lược với các nhà máy nhiệt điện trên cả nước.
Do đặc thù bán hàng B2B, nên SHN xác định mỗi giai đoạn từng bước mở rộng mối quan hệ cung cấp than cho một số nhà máy, với mục tiêu xây dựng mối quan hệ chiến lược bền vững, tạo ra cơ chế vận hành phù hợp với từng khách hàng, từ đó, đưa khách hàng trở thành đối tác đồng hành lâu dài.
Với chiến lược này, dù không tăng trưởng nóng, nhưng SHN sẽ đảm bảo được khả năng tăng trưởng bền vững tập khách hàng và quy mô bán hàng qua các năm.
Để đảm bảo tính khả thi cho chiến lược này, SHN đã đồng thời xây dựng mối quan hệ đối tác cung cấp than với nhà cung cấp có tên tuổi trong nước và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống kho cảng chế biến phối trộn than ở nhiều nơi.
Hiện tại, các đối tác cung cấp than có tên tuổi mà SHN đang thực hiện gồm: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và nhiều đơn vị lớn khác, với tổng sản lượng cung cấp được khoảng 5 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, Công ty còn trực tiếp nhập khẩu than từ các nhà cung cấp lớn như: Nam Phi, Tây Ban Nha, Australia, Nga…
Về cơ sở hạ tầng cảng chế biến, phối trộn than, hiện SHN có 3 trạm phối trộn, với công suất gần 5 triệu tấn/năm.
Trong chiến lược giai đoạn tới, SHN sẽ tiếp tục đầu tư các trạm phối trộn trên khắp cả nước, không chỉ phục vụ mục tiêu mở rộng thị trường cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện, mà còn sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho các nhà cung cấp khác.
Từng bước tham gia các dự án bất động sản
Với mảng kinh doanh than, SHN đã xây dựng được một mảng kinh doanh bền vững cao, mang lại lợi nhuận ổn định cho các cổ đông.
Dựa trên nguồn lực ổn định này, cùng với lợi thế là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Geleximco, SHN đã và đang tham gia đầu tư thứ cấp một số dự án bất động sản do các doanh nghiệp thành viên khác của Tập đoàn là chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, SHN cũng dự kiến sẽ tham gia phát triển các dự án quy mô 10-20 héc-ta ở các vị trí đắc địa tại các Thành phố lớn như Thái Bình, Lào Cai, Hoà Bình…
Theo lãnh đạo SHN, việc tham gia đầu tư các dự án bất động sản sẽ tạo ra sức bật lớn cho SHN trong tương lai, nhưng việc này cần có thời gian.
Vì vậy, mảng kinh doanh than, với dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh do mở rộng đối tác, có biên lợi nhuận ổn định… sẽ là nguồn thu nhập đảm bảo giúp cổ đông duy trì nguồn thu nhập thường xuyên, tạo điều kiện để SHN có thêm nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận