menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quân Ri Cha

Hành động hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc: Nguyên nhân và tác động

Việc ký kết các hiệp định hoán đổi tiền tệ sẽ giúp các quốc gia mở rộng thương mại quốc tế với Trung Quốc, mang lại lợi nhuận cho quốc gia và tiến sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hoán đổi tiền tệ

Theo Cory Mitchell (2023), hoán đổi tiền tệ (hay currency swap) là một giao dịch trong đó hai bên trao đổi cho nhau số tiền tương đương nhưng bằng các loại tiền tệ khác nhau. Điều này có nghĩa, hai bên liên quan đến giao dịch sẽ cho nhau vay tiền, sau đó nhận hoàn trả vào một ngày trong tương lai theo một tỷ giá hối đoái cố định. Mục đích của hoạt động này chủ yếu là để đề phòng rủi ro tỷ giá, giảm chi phí vay ngoại tệ, hoặc đầu cơ với mục tiêu lợi nhuận. Vì các mục đích trên, nên thông thường các bên liên quan đến giao dịch hoán đổi tiền tệ sẽ là các tổ chức tài chính hoặc doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, nhiều báo cáo đã ghi nhận sự tăng lên trong việc xuất hiện các ngân hàng trung ương thực hiện hoán đổi tiền tệ. Tương tự như hoạt động hoán đổi tiền tệ của các doanh nghiệp tư nhân hay tổ chức tài chính, hoán đổi tiền tệ giữa các quốc gia sẽ được thực hiện thông qua thỏa thuận giữa hai ngân hàng trung ương của các quốc gia liên quan nhằm trao đổi tiền tệ, thường là nội tệ của hai quốc gia liên quan, nhằm tăng cường dự trữ ngoại hối cho cả hai bên cũng như đảm bảo được khả năng cung cấp ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại trong nước.

Theo Ngân hàng chung châu Âu, trao đổi tiền tệ đang dần trở thành một cung cụ quan trọng để ổn định tài chính vĩ mô. Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ sẽ được thực hiện qua hai bước:

Thứ nhất, khi thỏa thuận có hiệu lực, ngân hàng trung ương A sẽ bán một lượng tiền nội tệ nhất định “X” cho ngân hàng trung ương B theo tỷ giá hối đoái hiện hành trên thị trường để đối lấy nội tệ của ngân hàng B. Thỏa thuận sẽ quy định rằng ngân hàng A phải mua lại nội tệ của mình với cùng tỷ giá hối đoái tại một thời điểm xác định trong tương lai. Số tiền “Y” lấy được từ ngân hàng trung ương B sẽ được ngân hàng A sử dụng nhằm phục vụ các mục tiêu tài chính vĩ mô của mình.

Sau khi thời gian được quy định trong thỏa thuận kết thúc, tức đến ngày đã được xác định trong tương lai nói ở trên, ngân hàng A sẽ cần trả lại số tiền “Y” cùng với lãi nếu có trong thỏa thuận

Trong những năm gần đây, các chuyên gia đã nhận thấy rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang rất tích cực đàm phán và thực hiện các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, đặc biệt là với các quốc gia Châu Á. Tính đến thời điểm này, Trung Quốc đang có 29 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đang hoạt động. Tổng số lượng tiền trao đổi có giá trị lên đến 4.000 tỷ nhân dân tệ. Đối tác mới nhất của Trung Quốc là Ả Rập Xê Út với thỏa thuận hoán đổi tiền tệ có giá trị 7 tỷ USD, tương đương 50 tỷ nhân dân tệ hoặc 26 tỷ riyal, với thời hạn kéo dài 3 năm.

Các nhà khoa học cho rằng, việc thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ nằm trong nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trên toàn thế giới của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Hao, Han và Li, 2022). Mục tiêu này hoàn toàn trái ngược với việc thực hiện các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED). Thay vì nhắm đến các mục tiêu điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô ngắn hạn, mục tiêu toàn cầu hóa đồng Nhân dân tệ, giảm sự phụ thuộc vào các ngoại tệ mạnh, điển hình là đồng USD, là một mục tiêu mang tính chất dài hạn.

Garcia-Herrero và Xia (2015) cho rằng, Trung Quốc thường lựa chọn đối tác thực hiện thỏa thuận hợp đồng hoán đổi tiền tệ theo sự tương đồng trong quy mô kinh tế. Điều này có nghĩa, Trung Quốc, các nền kinh tế lớn có xu hướng được chọn là đối tác nhiều hơn so với nền kinh tế nhỏ.

Bên cạnh đó, Liao và McDowell (2015) cũng cho thấy được bằng chứng chứng minh rằng các đối tác trong thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với trung quốc có mức độ liên kết kinh tế với Trung Quốc cao hơn những quốc gia không phải là đối tác. Các phát hiện này hoàn toàn phù hợp với cơ chế thực hiện quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ được lý giải bởi Hao, Han và Li (2022).

Cụ thể, khi thỏa thuận hoán đổi tiền tệ được triển khai, các quốc gia đối tác sẽ có khả năng dùng trực tiếp đồng Nhân dân tệ sau hoán đổi để thực hiện các giao dịch mua bán với doanh nghiệp Trung Quốc, mà không thông qua đồng USD làm trung gian trao đổi tiền tệ.

Tác động của hoạt động hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc

Đối với tham vọng phi đô la hóa

Mục tiêu quan trọng nhất của việc thực hiện một loạt các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ là giảm thiểu tình trạng phụ thuộc vào đồng USD và dần dần quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Bên cạnh thỏa thuận trao đổi tiền tệ, chính phủ Trung Quốc cũng đang thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính phục vụ cho việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) cũng đang được triển khai trên nhiều quốc gia. Hơn thế nữa, với một số quốc gia như Brazil và Lào, Ngân hàng Trung Quốc còn tiến hành hợp tác với chính phủ nước sở tại để xây dựng ngân hàng thanh toán bù trừ bằng đồng Nhân dân tệ, từ đó giảm thiểu tối đa vai trò trung gian của đồng USD trong các giao dịch giữa những quốc gia này với Trung Quốc.

Bằng kế hoạch xuyên suốt và hành động chặt chẽ, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phi đô la hóa và quốc tế hóa đồng nội tệ. Theo Peng Wensheng, Kinh tế trưởng tại China International Capital, vào năm 2022, có 49% thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc được thực hiện trực tiếp thông qua đồng nhân dân tệ, tương đương với việc giảm phụ thuộc vào 6.100 tỷ USD (42.100 tỷ nhân dân tệ). Trong số này, có tới 10.500 tỷ nhân dân tệ được thực hiện thông qua giao dịch hàng hóa và dịch vụ vãng lai (Hình 1).

Hành động hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc: Nguyên nhân và tác động

Hình 1: Tỷ trọng thanh toán bằng Nhân dân tệ đối với các hoạt động giao dịch xuyên biên giới

Tuy nhiên, còn một con đường dài để Trung Quốc thực hiện mục tiêu của mình. Matthew Fox, nhà phân tích của Business Insider, khẳng định rằng, có rất ít cơ hội để nhân dân tệ thay thế được đồng đô la Mỹ. Trên thực tế, theo thống kê của Quỹ tiền tệ thế giới IMF, đồng USD vẫn là đồng được các quốc gia sử dụng để dự trữ nhiều nhất, với 58,88% tổng lượng dự trữ ngoại tệ thế giới vào Quý 2/2023, cao hơn gần 3 lần so với ngoại tệ được dự trữ nhiều thứ hai là đồng Euro với 19,97%.

Trong khi đó, đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 2,45% tổng lượng dự trữ ngoại hối thế giới (Hình 2). Hơn thế nữa, sau khi chiến tranh Nga – Ukraina nổ ra, các ngân hàng châu Âu và phương Tây đóng băng dự trữ tiền tệ của Nga càng khiến đồng USD củng cố được vai trò của mình.

Hành động hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc: Nguyên nhân và tác động

Hình 2: Phân phối dự trữ ngoại tệ thế giới Quý 2/2023

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, ngay cả chính Chính phủ Trung Quốc cũng không hề nhắm đến mục tiêu cuối cùng là thay thế hoàn toàn đồng USD, mà chỉ là giảm bớt sự phụ thuộc vào ngoại tệ này, đẩy mạnh khả năng phi đô la hóa.

Thật vậy, có ba lý do để khẳng định rằng Trung Quốc không muốn hướng đến mục tiêu thay thế hoàn toàn đồng USD trên thị trường thế giới: Trở thành đồng tiền của thế giới sẽ dẫn đến tình trạng tự do hóa tài khoản vãng lai, đi ngược lại với hành động cẩn trọng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong việc kiểm soát lượng vốn ra vào quốc gia trong suốt một thập kỷ nay; Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thâm hụt tài khoảng vãng lai dai dẳng. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy nền kinh tế dễ bị tổn thương khi dòng vốn toàn cầu đột ngột thay đổi; Khó có thể bắt kịp được tỷ lệ dự trữ bằng đồng USD tại tất cả các quốc gia trong thời gian ngắn.

Do đó, có thể thấy, trong thời gian tới, việc đồng nhân dân tệ chiếm lấy vị trí của đồng USD trên thị trường thế giới là điều bất khả thi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đạt được sau gần một thập kỷ Trung Quốc nỗ lực phi đô la hóa. Hiện tại, tình trạng phi đô la hóa vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng với một tốc độ chậm.

Đối với sức mạnh của đồng USD và kinh tế thế giới

Hành động thực hiện một loạt thỏa thuận hoán đổi tiền tệ chắc chắn của chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng đối với nền kinh tế thế giới.

Một số nhà khoa học, hoạch định chính sách cho rằng các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc là tốn kém, không rõ ràng, để lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế và tài chính thế giới. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nhắm đến các quốc gia đang phát triển, hoặc gặp khó khăn về nợ công làm đối tác của thỏa thuận càng khiến cấu trúc tài chính quốc tế trở nên đa cực.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại cho rằng những lời buộc tội này là vô căn cứ. Các cáo buộc chủ yếu đến từ việc truyền thông phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ lo sợ trước viễn cảnh đồng nhân dân tệ sẽ chính thức soán ngôi của USD. Do những lý luận về tác động chủ yếu đến từ ý kiến chủ quan và động cơ của người viết, do đó, để có thể xem xét tác động của thỏa thuận hoán đổi, chúng ta cần xem xét các nghiên cứu sử dụng phân tích dữ liệu.

Trước hết, với các quốc gia là đối tác của Trung Quốc trong các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, Hao, Han và Li (2022) chứng minh được rằng, các thỏa thuận sẽ thúc đẩy thương mại song phương giữa quốc gia đối tác và Trung Quốc. Đặc biệt, các thỏa thuận sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu đối với các quốc gia đối tác, điều này có nghĩa các quốc gia đối tác sẽ xuất khẩu vào Trung Quốc nhiều hơn kể từ khi ký kết thỏa thuận.

Kết quả này được chứng minh rõ rang khi Hao, Han và Li (2022) sử dụng dữ liệu từ các quốc gia nhỏ, ít dự trữ ngoại hối, và có thâm hụt thương mại song phương với Trung Quốc. Nhìn chung, từ góc độ phân tích dữ liệu, ký kết thỏa thuận hoán đổi có tác động tích cực lên thương mại song phương giữa các quốc gia đối tác và Trung Quốc.

Không những thế, với những quốc gia đối tác, các nhà khoa học còn tìm được bằng chứng cho thấy các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ có tác động tích cực lên giá trị của đồng nội tệ quốc gia đối tác. Khi nghiên cứu tỷ giá giữa nội tệ Nigeria với đồng USD từ năm 1999 đến năm 2017, Olayiwola và Fasoye (2019) phát hiện ra rằng, tỷ giá giữa đồng USD và đồng naira (nội tệ của Nigeria), dưới tác động của thỏa thuận hoán đổi, đã giảm, dẫn tới việc đồng naira được tăng giá trị so với USD. Tuy nhiên, kết quả này không đồng nhất giữa các quốc gia. Adhikari (2016) khi nghiên cứu với mục tiêu tương tự lại không tìm ra được mối liên hệ giữa các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với giá trị của đồng tiền Indonesia.

Tổng kết lại, tác động của các hiệp định hoán đổi tiền tệ không thực sự rõ ràng, đặc biệt về khả năng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ trong tương lai. Tuy nhiên, có thể chứng minh được rằng, việc ký kết các hiệp định này sẽ giúp các quốc gia mở rộng thương mại quốc tế với Trung Quốc, mang lại lợi nhuận cho quốc gia và tiến sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đề xuất hành động của Việt Nam

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa tham gia vào bất cứ thỏa thuận hoán đổi tiền tệ nào. Mặc dù là thành viên của Sáng kiến Chiang Mai, và tính đến năm 2022, các quốc gia đã hình thành các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương, nhưng Brunei, Campuchia, và Việt Nam vẫn đứng ngoài vòng quay này.

Trên thực tế, ngay từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã phải cân nhắc đưa ra quyết định trong việc ký kết hiệp định hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc. Tại thời điểm đó, các chuyên gia cho rằng, việc không ký hiệp định hoán đổi tiền tệ là sáng suốt, bởi rất có khả năng, với điều kiện địa lý đặc biệt, Việt Nam sẽ dần bị nhân dân tệ hóa, giống như tình trạng đô la hóa. Tương tự, việc không ký hiệp định hoán đổi tiền tệ với Hoa Kỳ cũng đến từ việc chúng ta lo sợ khả năng về viễn cảnh mất độc lập tài chính.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, việc ký kết hiệp định hoán đổi tiền tệ với các quốc gia có nội tệ mạnh sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam có được phao an toàn trong những trường hợp suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế. Trên thực tế, cho đến nay, USD vẫn là tài sản đảm bảo an toàn cho thị trường, bất chấp tình trạng phi đô la hóa đang được tiến triển với tốc độ chậm.

Do đó, theo một số chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có thể cân nhắc đến việc ký kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Hoa Kỳ, nhằm nâng cao hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia. Mặc dù vậy, khác với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, FED chưa từng đề cập đến việc ký kết thỏa thuận tiền tệ với Việt Nam.

(*) Khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại