Hành động của UBS sau khi tiếp quản Credit Suisse
Ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ là UBS đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư tại cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên vào thứ Tư (5/4/2023) trong bối cảnh đầy rủi ro sau khi tiếp quản đối thủ Credit Suisse vào tháng trước.
1.128 cổ đông của UBS đã tập trung tại Basel để dự ĐHCĐ và muốn tìm kiếm sự rõ ràng về kế hoạch hợp nhất của hội đồng quản trị sau “đám cưới chớp nhoáng” giữa hai thực thể ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ, trong bối cảnh vụ hợp nhất này vẫn còn sa lầy trong tranh cãi, rủi ro pháp lý và sự hoài nghi của công chúng. Chủ tịch UBS Colm Kelleher nói với các cổ đông rằng, ngày 19/3/2023 - ngày giải cứu khẩn cấp Credit Suisse khỏi bờ vực sụp đổ - là một “ngày lịch sử và là ngày mà chúng tôi hy vọng sẽ không bao giờ đến”. Nhưng ông cũng cho biết, việc sáp nhập cũng mang đến “một khởi đầu mới và những cơ hội to lớn phía trước cho ngân hàng sau hợp nhất nói riêng cũng như toàn bộ lĩnh vực tài chính của Thụy Sĩ nói chung”.
Chủ tịch UBS Colm Kelleher phát biểu trước các cổ đông trong cuộc họp tại Basel ngày 5/4 |
Ông Colm Kelleher nhấn mạnh, UBS sẽ tiếp tục tập trung vào quản lý tài sản và kinh doanh tại Thụy Sĩ, đồng thời xác nhận rằng ngân hàng sẽ giảm vốn phân bổ cho mảng đầu tư xuống dưới mức 25% các tài sản có rủi ro, đồng thời thừa nhận rằng có “một lượng rủi ro lớn” liên quan đến việc sáp nhập vừa qua. Lộ trình hợp nhất Credit Suisse dự kiến sẽ mất khoảng ba đến bốn năm. Ông Kelleher cho biết, ngân hàng hy vọng sẽ duy trì vốn hóa tốt và “cao hơn đáng kể” mục tiêu vốn của mình vào thời điểm thỏa thuận này hoàn tất.
Giám đốc điều hành mới của UBS, ông Sergio Ermotti, bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào thứ Tư sau khi được quyết định tái bổ nhiệm gây sốc vào tuần trước. Hội đồng quản trị UBS tin rằng ông là người phù hợp để lãnh đạo nhiệm vụ hợp nhất cực kỳ khó khăn này. Sự trở lại của Ermotti được nhiều nhà bình luận coi là một nỗ lực nhằm khôi phục lại niềm tin, khi danh tiếng lâu đời về sự ổn định tài chính của Thụy Sĩ đang bị lung lay.
UBS đã báo cáo lợi nhuận cả năm 2022 đạt 7,6 tỷ USD và trên thị trường, giá cổ phiếu của UBS cũng tăng hơn 10%. Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại về quy mô của thực thể ngân hàng mới sau khi sáp nhập Credit Suisse, bởi thực thể mới này sẽ có tổng tài sản đầu tư lên tới hơn 5 nghìn tỷ USD và liệu điều này có tạo ra quá nhiều rủi ro tập trung cho nền kinh tế Thụy Sĩ và toàn cầu hay không.
Trước đó vào thứ Ba, Credit Suisse đã tổ chức ĐHCĐ độc lập cuối cùng trong lịch sử 167 năm tồn tại của mình tại Zurich, sau khi chính quyền Thụy Sĩ làm trung gian cho một “cuộc giải cứu khẩn cấp” vào cuối tháng 3, khi giá cổ phiếu sụt giảm và những người gửi tiền ồ ạt rút tiền. Tại cuộc họp, Hội đồng quản trị Credit Suisse phải đối mặt với những chỉ trích giận dữ khi các cổ đông yêu cầu câu trả lời và trách nhiệm giải trình đối với thỏa thuận trị giá 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,3 tỷ USD) - được thông qua gấp rút trong một ngày cuối tuần - và đã bỏ qua quyền bỏ phiếu của cổ đông của cả UBS và Credit Suisse.
Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann cho biết, ông “thực sự rất xin lỗi” các cổ đông, khách hàng và nhân viên, đồng thời cho rằng kế hoạch xoay chuyển tình thế của ngân hàng sau nhiều năm thua lỗ, bê bối và không tuân thủ đã đi đúng hướng cho đến khi tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng Hoa Kỳ đã làm bùng lên cuộc khủng hoảng niềm tin.
Peter V. Kunz, Chủ tịch Khoa Luật kinh tế tại Đại học Bern nói với CNBC hôm thứ Tư rằng, tâm trạng ở Basel (ý nói tại ĐHCĐ của UBS hôm thứ Tư) đã “hoàn toàn khác” so với ở Zurich (ĐHCĐ cuối cùng của Credit Suisse hôm thứ Ba). “Hôm qua, mọi người đã tức giận và thất vọng. Về cơ bản, các cổ đông của Credit Suisse là những người thua cuộc. Còn ở Basel hôm nay, bạn sẽ thấy những người chiến thắng”, ông nói và cho biết thêm: “Các cổ đông hân hoan vì nhìn thấy viễn cảnh tương lai, thậm chí có người đắc thắng vì thực tế trước đó đã có những hiềm khích giữa hai ngân hàng này. Họ là đối thủ của nhau”.
Cũng liên quan đến vụ sáp nhập bắt buộc này, hiện Công tố viên Liên bang Thụy Sĩ đang điều tra việc tiếp quản do nhà nước hậu thuẫn về khả năng vi phạm luật liên bang Thụy Sĩ của các quan chức chính phủ, cơ quan quản lý và giám đốc điều hành hàng đầu. Trong khi đó, Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) vào thứ Tư đã tổ chức một cuộc họp báo để giải thích lý do tại sao việc sáp nhập bắt buộc là kết quả tốt nhất có thể, đồng thời đổ lỗi thẳng thừng cho ban quản lý Credit Suisse về tình cảnh vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận