Hàng tỷ USD thoả thuận hợp tác Việt - Pháp được ký kết
29 thỏa thuận giữa các đối tác Việt Nam và Pháp vừa được ký kết nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Sáng 4/11 (giờ Paris), trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm doanh nghiệp Việt - Pháp do Bộ Kế hoạch Đầu tư và MEDEF International tổ chức cùng hơn 100 lãnh đạo các tập đoàn lớn của hai nước. Ông đã chứng kiến 29 văn kiện hợp tác và biên bản ghi nhớ trong nhiều lĩnh vực, như: giáo dục, y tế, năng lượng, công nghệ, động cơ máy bay, phát triển vùng, địa phương...
Trong đó, VinFast và tập đoàn EDF thỏa thuận hợp tác về cung cấp, lắp đặt thiết bị sạc và cung cấp dịch vụ sạc điện công cộng cho khách hàng của VinFast tại Pháp.
Vietjet và Airbus trao thỏa thuận hợp tác chiến lược về cung cấp 184 tàu bay, phát triển mới đội tàu bay thân rộng và bàn giao 3 tàu bay thân rộng A330.
HDBank ký với tổ chức tài chính Phát triển Pháp (Proparco) tài trợ tín dụng dài hạn trị giá 100 triệu USD cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam; ký với DEG (Đức) tổng giá trị thực hiện từ 200 tới 300 triệu USD trong lĩnh vực phát triển bền vững...
Tập đoàn T&T có loạt thỏa thuận hợp tác chiến lược với Total Eren trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam trị giá 3 tỷ USD. Tập đoàn này cũng thoả thuận với NG Biotech về nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất 175 loại test nhanh, với đại diện Trung tâm phòng chống Ung thư Francois Baclesse xây dựng hệ thống bệnh viện chất lượng cao và bệnh viện tư nhân chuyên khoa về ung bướu tại TP HCM. Đồng thời, T&T cũng ký thoả thuận với đại diện Trường Quản trị Normandie về tư vấn xây dựng các mô hình giáo dục quốc tế chất lượng cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Bộ trưởng chứng kiến lễ trao văn bản hợp tác giữa Tập đoàn T&T cùng đối tác. Ảnh: Võ Thành
Đại diện FPT và Airbus Skywise thỏa thuận hợp tác chiến lược về triển khai các giải pháp công nghệ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành hàng không.
Tập đoàn CT Group và Ngân hàng BNP Paribas hợp tác tư vấn và hỗ trợ tài chính 600 triệu USD cho các dự án bất động sản, công nghệ và năng lượng.
Bên cạnh đó, đợt này còn có những bản ghi nhớ hỗ trợ về xây dựng quy hoạch các địa phương giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với thành phố Deauville; bản ghi nhớ phát triển du lịch giữa Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch với vùng Normandie của Pháp.
Đại diện Bệnh viện K và đại diện Công ty Xenothera thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu, thảo luận và thử nghiệm lâm sàng các sản phẩm chống ung thư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm doanh nghiệp Việt - Pháp ngày 4/11. Ảnh: Võ Thành
Chia sẻ thêm tại toạ đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, các thoả thuận trị giá hàng tỷ USD này là minh chứng khẳng định tiềm năng hợp tác về đầu tư nói chung và tính bổ trợ rất cao giữa hai nền kinh tế.
Theo ông, lợi thế của Việt Nam là chính trị ổn định, chính sách nhất quán với quan điểm phát triển nhanh và bền vững, không đánh đổi môi trường chạy theo tăng trưởng. Việt Nam đã nới lỏng giãn cách phòng, chống dịch trên cơ sở chiến lược vaccine và các biện pháp đồng bộ khác. Chính phủ cũng đang xây dựng chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với Covid-19; đồng thời hoàn thiện kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế để trình Quốc hội.
Pháp có rất nhiều thế mạnh về các lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, công nghệ cao, nông nghiệp thông minh... Đây đều là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Chủ tịch Nghiệp đoàn MEDEF, Geoffroy Roux de Bezieux đánh giá, đông đảo đại diện các doanh nghiệp Pháp tham dự diễn đàn cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của các tập đoàn lớn dành cho Việt Nam.
"Sức nặng kinh tế và triển vọng tăng trưởng của hai nước Pháp - Việt còn rất nhiều tiềm năng", ông nói.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì và tham dự phiên đối thoại bàn tròn với 11 chủ tịch và CEO các tập đoàn lớn của Pháp như: Alstom, Ngân hàng BRED, Safran; Thales, Air Liquide, EDF, MSC Mediterrane shipping, Schneider Electric, Mazars, Quandran International, CFM.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 2,8 lần từ khoảng 1,67 tỷ USD vào năm 2010 lên 4,81 tỷ USD vào năm 2020 (đứng thứ ba trong EU, chỉ sau Đức, Hà Lan).
Về hợp tác đầu tư, Pháp hiện có 633 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,62 tỷ USD, tăng 2,3 lần so với năm 2010.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận