Hàng loạt khách sạn tại Đà Nẵng rao bán vì “kiệt sức”
Trên các trang website rao bán nhà đất, mỗi ngày có hàng trăm thông tin của các cơ sở khách sạn, homestay tại Đà Nẵng rao bán, sang nhượng. Giá cả tuỳ thuộc vào vị trí, số sao, đa phần nằm ngay ở những “con đường khách sạn”, phố Tây sầm uất một thời.
Dù giá một khách sạn được rao từ 20 đến 50 tỷ đồng, nhiều ông chủ vẫn lắc đầu ngao ngán cho biết đây là giá bán lỗ bởi doanh nghiệp gần như kiệt quệ không thể xoay sở nguồn tiền trả nợ ngân hàng chứ chưa nói đến việc hoạt động duy trì cầm cự.
Bán tháo để trả nợ ngân hàng
Đáng chú ý, những dòng thông tin đi kèm với việc rao bán luôn là “nợ ngân hàng, cần bán gấp”.
Anh Nguyễn Thanh, một người làm giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng cho biết, nợ ngân hàng là lý do nhiều nhất khiến nhiều chủ khách sạn phải bán tài sản để xoay tiền trả nợ.
“Đa phần chủ đầu tư khách sạn đều phải vay ngân hàng từ 50 đến 70%. Dịch bệnh nửa năm qua đã khiến họ gặp khủng hoảng tài chính nặng nề, nợ xấu ngày càng tăng lên buộc phải bán tháo những tài sản đang có, trong đó có cả chính cơ sở khách sạn. Họ không thể chờ đến thời điểm dịch bệnh ổn định, nguồn khách quay lại do số nợ vẫn nhân lên từng ngày. Nghe rao bán một khách sạn 3 sao khoảng 20 tỷ là rất lớn nhưng thật ra các chủ doanh nghiệp đều chấp nhận bán lỗ, chưa kể việc để tìm người chịu mua cũng là việc không hề dễ dàng”, anh Thanh cho hay.
Thực tế, mặc dù từ tháng 6 đến nay ngành du lịch Đà Nẵng có khởi sắc với dòng khách tăng, nguồn thu tăng nhưng với nhiều người làm du lịch thì chẳng thấm vào đâu.
Chị Nguyễn Hoa, chủ một khách sạn tại quận Sơn Trà cho biết: “Lượng khách hiện nay đa phần là nội địa nhưng tâm lý người dân đang chọn nơi nào vừa rẻ vừa đẹp để đi chơi. Các resort, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao hiện nay đang giảm giá rất nhiều, đó là chưa kể các công ty lữ hành bán gói du lịch với nhiều ưu đãi tặng kèm để thu hút khách. Vì vậy, các khách sạn từ 3 sao trở xuống, nằm sát biển, cơ sở tốt đến mấy cũng không thể kéo khách về. Trong khi đó, việc duy trì một khách sạn cần tiền tỷ với hàng trăm nhân sự. Nhiều cơ sở lưu trú đến nay vẫn chưa mở cửa trở lại là vì cạn nguồn tài chính. Nhiều nơi khác thậm chí nợ ngân hàng thì rao bán. Nếu nói du lịch bị ảnh hưởng mạnh nhất do dịch bệnh Covid-19 thì ngành khách sạn bị “thấm đòn” đau nhất”.
Cuộc khủng hoảng được dự báo trước
Điều đáng chú ý là các khách sạn rao bán tại Đà Nẵng đa phần là khách sạn từ 3 sao trở xuống và homestay. Thông tin khiến nhiều người không mấy bất ngờ, bởi nhiều chuyên gia đã dự bán trước về cơn khủng hoảng thừa này.
Cuối năm 2019, ông Trần Chí Cường - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND Đà Nẵng từng đặt vấn đề, thành phố đang tăng mạnh số lượng cơ sở lưu trú khi có tới 158 cơ sở với 4.459 phòng so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, công tác quy hoạch, đầu tư các cơ sở lưu trú du lịch còn thiếu kiểm soát, từ đó đã dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt và chia sẻ lượng khách giữa các cơ sở lưu trú với nhau. Điều này dẫn đến việc dù số lượng khách tiếp tục gia tăng nhưng công suất sử dụng buồng phòng lưu trú du lịch tại Đà Nẵng năm 2019 chỉ đạt 50%.
Đáng chú ý, Đà Nẵng có 943 khách sạn, với số lượng khoảng 40.000 phòng thì số khách sạn dưới 2 sao có 795 khách sạn, chiếm 84% số lượng khách sạn trên địa bàn thành phố. Vậy nhưng công suất buồng phòng chỉ đạt dưới 40%.
Nhìn nhận thực tế trên, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết chính ngành cũng gặp khó khăn khi thành phố đang thiếu dữ liệu cảnh báo quá tải hạ tầng để có biện pháp tạm dừng cấp phép xây dựng các cơ sở lưu trú tại một số khu vực. Bên cạnh đó, dịch vụ kinh doanh lưu trú du lịch thuộc ngành nghề nhà nước không cấm nên có nhà đầu tư thì thành phố vẫn cấp phép và thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng.
Ở thời điểm hiện tại, các cơ sở lưu trú vẫn đang phải “mạnh ai người nấy lo”, việc các khách sạn phải bán tháo cũng là một bài học đắt giá, thậm chí là rất đau với du lịch Đà Nẵng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận