24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Duy Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hàng không Việt 'ngóng' khách Trung Quốc

Ngóng khách Trung Quốc từng ngày!

Trung Quốc vẫn chưa “mở cửa” với người dân nước này theo đoàn du lịch tới Việt Nam. Điều này khiến các hãng hàng không Việt phải thay đổi lịch khai thác thị trường hơn tỷ dân. Các hãng hàng không tiếp tục đối mặt khó khăn do khách quốc tế phục hồi chậm, trong đó có nút thắt về chính sách thị thực (visa) cho khách du lịch quốc tế.

Lùi lịch bay để chờ

Đầu tháng 1/2023, Trung Quốc mở lại hoạt động đi lại quốc tế, các hãng hàng không Việt đã công bố lịch khôi phục dần những đường bay thường lệ tới thị trường này. Theo công bố của các hãng, đường bay thường lệ với Trung Quốc sẽ khôi phục dần, để tới tháng 4 cơ bản khai thác lại toàn bộ đường bay như trước khi dịch COVID-19 xảy ra, với kỳ vọng có khách du lịch Trung Quốc.

Tuy nhiên, Cục Hàng không (Bộ GTVT) cho hay, các hãng hàng không Việt phải tạm thời lùi lịch khai thác thường lệ các đường bay đi/đến Trung Quốc tới cuối tháng 4, hoặc sang tháng 5/2023. Việc này, theo Cục Hàng không là để chờ quyết định tiếp theo của Trung Quốc về việc cho phép khách du lịch đi theo đoàn đến Việt Nam. Chưa có khách du lịch có thể ảnh hưởng tới hiệu quả khai thác của các hãng hàng không, khi khách hàng không phần lớn là người đi du lịch.

Năm 2019, các đường bay Việt Nam - Trung Quốc phục vụ gần 8 triệu lượt khách; Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn thứ 2 của Việt Nam (sau thị trường Hàn Quốc).

Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành cho biết, khi chưa có xảy ra dịch bệnh, khách Trung Quốc chiếm 20% tổng sản lượng khách mà hãng phục vụ trên các đường bay quốc tế. Từ đầu năm nay, thị trường này mới mở dần, nhưng chưa mở cho khách du lịch theo đoàn tới Việt Nam.

Theo ông Thành, năm 2022, khách nội địa tăng 13% so với năm 2019 (khi chưa có dịch), nhưng khách quốc tế mới khôi phục bằng 20%. Trong cơ cấu khách của hãng, quốc tế đóng góp 40% tổng lượng khách nhưng mang về 60% tổng doanh thu cho hãng. “Điều đó cho thấy khó khăn với hàng không”, ông Thành nói.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet chia sẻ thêm, thị trường Trung Quốc hiện chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế toàn cầu. Tuy nhiên, để khôi phục lại thị trường khách du lịch Trung Quốc, cần sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền 2 nước.

Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho hay, từ khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế (từ tháng 3/2022) tới nay, thị trường hàng không và khách du lịch quốc tế đều không phát triển đạt kỳ vọng. Điều này do một số thị trường khách quốc tế truyền thống chưa mở hoặc mở cửa thận trọng. Thị trường Trung Quốc tới nay chưa mở cho khách du lịch tới Việt Nam.

Hàng không “ngập” nợ

Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, Việt Nam mở cửa với du lịch quốc tế sau dịch COVID-19 rất sớm; nhiều người còn kỳ vọng nhân cơ hội này sẽ theo kịp, thậm chí vượt Thái Lan trong đón khách quốc tế. Thế nhưng theo ông Nam, kết quả rất “phũ phàng”, khi thời điểm trước dịch, khách quốc tế tới Việt Nam bằng 1/2 số khách đến Thái Lan; năm vừa qua lượng khách quốc tế đến nước ta chỉ bằng 1/3 số khách đến Thái Lan; năm 2023 ngành du lịch đặt mục tiêu khách đến Việt Nam cũng chỉ bằng 1/4 số khách dự kiến sẽ đến Thái Lan.

Với hàng không, theo ông Nam, các hãng nội địa đang ngập trong nợ. Ông Nam dẫn lời lãnh đạo một doanh nghiệp hàng không tự ví hãng của mình như “con chim bị vặt trụi lông”, có hãng âm vốn chủ sở hữu, tất cả đều lỗ...

“Khách du lịch quốc tế tới Việt Nam thấp khiến hàng không cũng gặp khó, bởi 70-80% số khách đi máy bay với mục đích du lịch. Rào cản lớn nằm ở chính sách miễn visa cho khách du lịch. Doanh nghiệp hàng không và du lịch không xin tiền, chỉ cần được giải cứu bằng cơ chế, chính sách, như gỡ rào cản về visa cho khách du lịch quốc tế”, ông Nam nói.

Ông Trịnh Ngọc Thành cho rằng, cần mạnh dạn thay đổi chính sách visa du lịch cho khách quốc tế. Ngoài mở rộng số nước được miễn visa du lịch, cần khôi phục lại thời gian miễn visa du lịch từ 15 ngày hiện hành lên 30 ngày như khi chưa có dịch; nối lại các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia ra quốc tế, hoạt động đã bị quên và giờ chưa có dấu hiệu nối lại. Với thị trường Trung Quốc, theo ông Thành, vẫn chờ giải pháp tháo gỡ từ cấp Chính phủ.

Dù Việt Nam mở cửa cho khách quốc tế từ rất sớm (tháng 3/2022), nhưng thị trường phục hồi không như kỳ vọng. Các hãng hàng không vẫn phải dựa vào nguồn thu từ khách nội địa, trong khi chi phí tăng cao còn trần giá vé máy bay nội địa không đổi. Các hãng hàng không và chuyên gia cùng kiến nghị Nhà nước tăng trần giá vé máy bay nội địa; tiếp tục áp dụng một số chính sách hỗ trợ về thuế, phí như giai đoạn xảy ra dịch COVID-19...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả