Hàng không gặp khó với giá xăng
Vừa mới hứng khởi vì các đường bay quốc tế được mở lại toàn bộ từ ngày 15/2, các hãng hàng không Việt Nam gặp ngay “cú sốc” căng thẳng Nga - Ukraina bùng nổ khiến giá xăng dầu tăng chóng mặt.
Ngày 25/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3/2022 được giao dịch ở mức 93,91 USD/thùng, tăng 1,10 USD, tương đương 1,19%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 4 “neo” ở mức 99,08 USD/thùng. Trong ngày 24/2 sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công tổng lực cả trên bộ, trên không và trên biển vào Ukraina, làm trầm trọng thêm lo ngại về gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu, Reuters đưa tin, giá dầu thô Brent đã tăng vọt lên 105,79 USD/thùng, WTI cũng tăng lên 100,54 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 24/2. Đây là mức giá cao nhất của hai mặt hàng dầu kể từ năm 2014.
Bên cạnh nguyên nhân từ cuộc chiến Nga - Ukraina, giá dầu tăng và được dự báo sẽ duy trì ở mức cao còn do nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Đặc biệt là nguồn dầu khí dự trữ vốn đã bị hạn chế trong những năm qua do chiến lược giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo cũng như thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ kể từ tháng 4/2020. Theo OPEC, tổng số giàn khoan đang hoạt động trong năm 2021 đã vượt năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2019. Do các hoạt động đầu tư đã chuyển hướng sang nhiên liệu xanh, đầu tư vào nhiêu liệu hóa thạch đã giảm trong những năm gần đây nên tình trạng dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn.
Trong khi đó với ngành hàng không, cơ cấu chi phí trong hoạt động kinh doanh gồm: nhiên liệu, thuê vào bảo dưỡng bắt buộc với đội tàu bay, nhân công, khấu hao và các chi phí dịch vụ hàng không… Trong đó, nhiên liệu là loại chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 42-45% trong cơ cấu tổng chi phí.
Hầu hết các hãng hàng không trong nước không sử dụng các công cụ phòng vệ giá dầu như hợp đồng phái sinh, vì vậy họ sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu giá nhiên liệu tăng vượt dự đoán. Trong khi hiện nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các hãng cũng khó lòng tăng giá vé ngay lập tức vì nếu không sẽ khó lòng thu hút khách quay trở lại. Vì vậy, giá xăng dầu tăng chóng mặt sẽ khiến nhiều hãng hàng không đã khó khăn do dịch bệnh nay càng điêu đứng.
Theo số liệu thống kê, năm 2021, tổng số hành khách đến sân bay nội địa của Việt Nam đạt 30 triệu lượt, tương đương 40% mức trước khi Covid-19 xuất hiện. Các chuyến bay thương mại quốc tế ra vào Việt Nam bị hạn chế hoàn toàn trong cả năm 2021. Chỉ có các chuyến bay hồi hương cho công dân Việt Nam hay với mục đích công tác, chuyên gia đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam... Do đó ngay khi được mở cửa đường bay quốc tế trở lại các hãng hàng không tranh thủ từng ngày nhằm khôi phục lại. Áp lực cạnh tranh đang cực kỳ khốc liệt. Về nguồn cung, các hãng hàng không gần như giảm đội bay. Trong đó, Vietnam Airlines bán 3-4 chiếc máy bay trong năm qua; VJC và Bamboo vẫn duy trì kết nối với đội bay, trong khi Vietravel Airlines tham gia thị trường hàng không năm 2020 giữ nguyên đội bay so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Theo chứng khoán SSI, điều này rõ ràng tạo ra tình trạng cung vượt cầu trong thị trường nội địa, thậm chí còn nhiều hơn khi các chuyến bay quốc tế không thể thực hiện, khiến các hãng hàng không có hệ số tải và năng suất thấp. “Sự kết hợp của tình trạng dư cung và năng suất thấp có thể kéo dài thời gian phục hồi lợi nhuận của các hãng hàng không”, chứng khoán SSI nhận định.
Trong bối cảnh đó, có vẻ như các hãng hàng không giá rẻ hiện có khả năng chống chịu tốt hơn. Nghiên cứu của CDB Aviation, các hãng hàng không giá rẻ có ưu thế hơn vì đội bay trẻ, tiết kiệm nhiên liệu hơn, đồng thời sở hữu vị thế thống lĩnh trên thị trường trong nước và quốc tế chặng ngắn. Ngoài ra, do dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập nên hành khách sẽ ưu tiên chọn các ghế ngồi có giá cạnh tranh hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận