Hàng hóa rầm rộ giảm giá trước Tết
Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ đến tết nguyên đán, số lượng hàng hóa được bày bán gia tăng, nhiều mặt hàng khuyến mại, giảm giá, cắt lỗ, xả tồn… Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần cẩn trọng trước khi mua.
Ở vị trí có nhiều xe đi lại, với biển quảng cáo “xả hàng tồn kho, không lo về giá”, cửa hàng quần áo ở vỉa hè đường Trường Chinh, Hà Nội thu hút được nhiều người vào mua sắm. Quần áo khoác, đồ mùa đông ở đây chỉ từ 50.000 - 300.000 đồng.
Nguyễn Văn Nghĩa, 20 tuổi, đang là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội khoác trên mình chiếc áo xe ôm công nghệ dừng xe vào mua đồ.
“Hôm nay chưa có khách, tiện đi qua đây nên em tranh thủ vào xem đồ, lựa ít quần áo cho mình và em trai. Đợt này gần tết nên em cũng muốn tìm những đồ khuyến mại hoặc tồn kho, vì hợp với túi tiền của mình”, Nghĩa chia sẻ. Dọc đường Cầu Giấy, Chùa Bộc - những phố chuyên bán quần áo tại Hà Nội cũng xuất hiện hàng loạt biển giảm giá, xả hàng.
Tại khu mua sắm tầng 2 của Trung tâm thương mại Big C Thăng Long (phố Trần Duy Hưng, Hà Nội), chị Nhi, nhân viên bán hàng cho biết, chương trình hàng Tết bắt đầu “chạy” được 2 tuần. Khách ra vào trung tâm đông hơn nhiều so với trước đó, vì thế số lượng hàng hóa bán được nhiều hơn.
Chị Nhi cho hay, những sản phẩm có khuyến mãi 20-30% hoặc mua sản phẩm tặng kèm quà tặng bao giờ cũng được mua nhiều, liên tục phải thêm hàng vào. Các gian hàng bày bán các mặt hàng chủ lực dịp Tết như bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu cũng đã được bày bán, trang trí đẹp mắt và không thiếu những biển báo giảm giá từ 10 - 30%; mua hàng có quà tăng...
Chỉ mua những thứ cần thiết, không tích trữ
Theo khảo sát của phóng viên, không khí mua sắm của người dân chưa thực sự được hâm nóng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc - khách hàng mua sắm ở Big C - chia sẻ, một tháng bà đi siêu thị mua hàng một lần. Lần này, dù gần Tết nhưng bà vẫn chỉ mua bột giặt, dầu ăn, gia vị… để sử dụng hàng ngày. Những mặt hàng như mứt Tết, kẹo bánh, rượu… đã có nhiều chương trình giảm giá nhưng bà Ngọc chưa mua.
Anh Nguyễn Văn Hiển - khách mua sắm ở siêu thị Winmart, tại chung cư Tân Hoàng Minh, phố Hoàng Cầu, Đống Đa - chia sẻ, dù các quầy hàng khuyến mại sớm nhưng anh chưa mua hàng tết vội. Bởi vì, đợt khuyến mại dài; siêu thị và trung tâm thương mại phục vụ đến sát tết, sau đó, mở sớm sau tết nên hàng hóa nhiều, chỉ cần mua đủ dùng vài ngày tết.
“Năm nay, mình cũng hạn chế mua quà biếu tặng, nên không cần phải sắm sớm”- anh Hiển nói và cho biết, tết là thời điểm các chủ hàng, nhất là các cửa hàng nhỏ lẻ đẩy hàng tồn, thậm chí là hàng lỗi để bán “ào ào” cho khách nên khi mua phải hết sức cân nhắc.
Các chợ dân sinh cũng chưa thấy rõ nét không khí “chợ Tết”. Bà Nguyễn Thị Thúy, chủ cửa hàng đồ khô trong chợ dân sinh ở Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội cho biết, những người buôn bán trong chợ chỉ là những tiểu thương, nhập hàng ít nên chi phí vận chuyển tăng, giá nhập hàng bị chênh lên, nên sản phẩm đồ khô tại cửa hàng như măng, miến, tôm, mực khô… tăng giá mỗi loại một chút. Vì thế, sạp hàng của bà cũng không thể giảm giá, khuyến mại như siêu thị. “Hai năm dịch gần đây, chợ buôn bán kém hơn hẳn, không có khách mấy mà giá cả lại leo thang”, bà Thúy than thở.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để tiết kiệm chi phí, nhiều người thường chọn dịp cuối năm để mua sắm. Bởi vì, cuối năm, các thương hiệu thường giảm giá để đẩy hàng tồn kho, hàng sắp đến hạn để lưu thông vốn. Đây cũng là một biện pháp kích cầu, thúc đẩy nhiều người mua sắm hơn. “Việc hàng hóa giảm giá nhiều nhưng sức mua của người dân chưa tăng có thể do cung cầu chưa gặp nhau; thời điểm chưa gần tết. Đó là diễn biến bình thường của thị trường, chưa hẳn là do tác động của kinh tế vĩ mô”, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận