Hàng bắt đáy chốt lời, cổ phiếu bất động sản, chứng khoán chao đảo
Sự giằng co cả phiên sáng đã lăp lại chiều nay và thị trường thận trọng chờ đợi phản ứng của lượng hàng bắt đáy về tài khoản. Ngày T+ chính là phiên thị trường có nhịp giảm thủng mức 1200 điểm. Bất ngờ là khối ngoại đã quay lại mua ròng khá tốt trong buổi chiều, đảo ngược vị thế giao dịch ròng cả phiên.
Thanh khoản sàn HoSE chiều nay cũng tăng hơn 47% so với buổi sáng, đạt 6.266 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu giảm mạnh từ 1% trở lên là 77 mã cũng nhiều hơn hẳn buổi sáng (39 mã). Nhóm bất động sản, chứng khoán xuất hiện khá nhiều cổ phiếu chịu áp lực mạnh.
VHM dĩ nhiên vẫn là mã đáng chú ý nhất khi chiều nay tiếp tục đổ đèo thêm 1,42% nữa. Tính chung cả ngày, VHM giảm 3,93%. Cổ phiếu này trong 5 phiên liền trước đã tăng 7,6% trong khi hoạt động mua cổ phiếu quỹ đến hạn cuối. Ngoài ra DXG cũng bị xả lớn với thanh khoản xấp xỉ VHM, đạt 358,7 tỷ đồng và giá giảm 2,61%. Hàng T+ của DXG tính đến sáng nay đã lãi hơn 7%. Các cổ phiếu bất động sản khác đáng chú ý là PDR giảm 1,43% thanh khoản 128,2 tỷ; TCH giảm 1,59% với 95,3 tỷ; DIG giảm 1,2% với 93,2 tỷ; NVL giảm 2,22% với 92,3 tỷ…
Nhóm chứng khoán cũng bị xả khá nhiều, toàn nhóm chỉ còn VFS, EVF, DSE, TVB là xanh, nhưng tới 15 mã giảm quá 1%. Những blue-chips như SSI, VND, HCM, VCI không nằm trong nhóm giảm sâu nhất nhưng VIG, IVS, ORS, SBS đều bốc hơi hơn 2%. Nhóm thanh khoản trên trăm tỷ đồng có SSI, VIX, HCM.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ổn định thị trường khá tốt hôm nay.
Nhìn chung khi đánh giá áp lực bán ngắn hạn, hai yếu tố quan trọng nhất là thanh khoản và biên độ giảm giá. Nếu giá giảm với giao dịch lớn thì chắc chắn là lượng hàng xả đủ nhiều để đẩy giãn biên độ. Ngược lại nếu thanh khoản nhỏ mà giá giảm sâu thì có khả năng dòng tiền mua “buông” để đợi giá thấp hơn. Ngoài ra nếu giá giảm ít thì hoặc là bán hạn chế (trong tình huống thanh khoản thấp) hoặc có tiền nâng đỡ mạnh mẽ (trong tình huống thanh khoản cao).
Mặc dù độ rộng VN-Index cuối phiên nghiêng nhiều hơn về phía đỏ nhưng giao dịch cũng không quá lớn. Trong 77 mã giảm hơn 1% thì chỉ hơn một phần ba (28 mã) có giao dịch từ 10 tỷ đồng trở lên. 9 cổ phiếu thanh khoản vượt 100 tỷ thì đều tập trung vào nhóm bất động sản và chứng khoán kể trên. Nhóm giảm mạnh này chiếm khoảng 21% số lượng cổ phiếu và chiếm 25,7% thanh khoản khớp lệnh của sàn.
VN-Index đỏ nhẹ phiên này phần lớn là do VHM giảm. Cổ phiếu này có một lượng bán mạnh 1,12 triệu cổ trong đợt ATC và giá từ 41.900 đồng tụt xuống 41.600 đồng, mất tới 3,93% so với tham chiếu. Chỉ riêng mã này đã lấy đi 1,7 điểm khỏi VN-Index và ngay trước khi vào đợt ATC – thời điểm VHM mới giảm 3,23%, chỉ số vẫn tăng nhẹ 0,02 điểm. Mặc dù vậy về cơ bản nhóm blue-chips vẫn giữ nhịp tốt phiên này. Vn30-Index giảm 0,05% với 13 mã tăng/11 mã giảm. GAS tăng 1,47%, TCB tăng 1,29%, HPG tăng 0,97% là những mã mạnh nhất và đều là trụ thuộc Top 10 vốn hóa.
Mặt khác, áp lực bán nhẹ rất rõ trong rổ blue-chips này. Ngoài VHM, chỉ có STB, SSI, GVR là giảm rõ rệt còn lại hầu như chỉ dao động. Số lượng mã xanh cũng nhiều hơn đỏ. Trong khi đó thanh khoản của rổ lại giảm 23% so với hôm qua, ngược với mức tăng 40% ở rổ Midcap và tăng 30% ở rổ Smallcap.
Một diễn biến bất ngờ là chiều nay khối ngoại quay đầu mua ròng 182,1 tỷ đồng trên HoSE, bù lại hết mức bán ròng 151,2 tỷ đồng trong buổi sáng. Tính chung cả ngày khối này đã mua ròng 30,9 tỷ. HDG được mua ròng đáng chú ý 241,8 tỷ đồng, TCB +105,6 tỷ, FPT +60,1 tỷ, MWG +43,1 tỷ, DPM +32,9 tỷ, MBB +31,5 tỷ, CTG +51,8 tỷ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận