Hạn chế phòng vệ thương mại: Đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu
Việc đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu sẽ giúp hàng hóa bớt gánh nặng đối diện với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại từ các quốc gia nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2021, tổng giá trị xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt hơn 238 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong hơn nửa đầu năm nay, XK thủy sản nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng sang thị trường này gặp nhiều khó khăn do những chính sách hạn chế thủy sản vào nước này.
Đáng chú ý, cuối tháng 5/2021, Trạm Giang - một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, cùng với 8 quốc gia châu Á khác từ 20/6 đến 15/7/2021 bởi lý do nhiều thành phố như Quảng Châu, Phật Sơn, Thâm Quyến, Trạm Giang, Maoming… có dấu hiệu nhiễm và lây lan Covid-19.
Do vậy, kể từ quý 2/2021, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, vốn là thị trường XK cá tra lớn nhất của các DN thủy sản Việt Nam, giảm liên tiếp từ 0,8 – 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm nay, mặc dù nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc từ Việt Nam vẫn lớn nhưng Chính phủ nước này vẫn có đưa ra nhiều chính sách nhằm giảm bớt nguồn thủy sản nhập khẩu.
Theo VASEP, với tình hình như hiện nay, Trung Quốc sẽ nâng hàng rào thương mại trong thời gian tới là điều chắc chắn. Thậm chí việc kiểm soát Covid-19 thông qua các cửa khẩu, cảng nhập khẩu sẽ được siết chặt hơn. XK cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này sẽ giảm tiếp trong quý 3/2021.
Không chỉ với con cá tra, gần đây, Trung Quốc liên tục dựng lên hàng rào với hàng nhập khẩu. Trong đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu quả nhãn Thái Lan vì lo ngại dịch bệnh. Trái cây Việt Nam cũng gặp khó khăn khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu ở hàng loạt cửa khẩu, đồng thời đòi hỏi xe lên cửa khẩu phải chuyển tài xế trước khi đưa hàng sang cửa khẩu phía bạn. Những đòi hỏi này khiến doanh nghiệp tốn thêm chi phí và dễ gây giảm sút chất lượng trái cây.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xu thế phòng vệ thương mại càng được các thị trường dựng lên nhiều hơn. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia sâu vào thị trường quốc tế thì việc hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài bị vướng vào các vụ việc dựng hàng rào thương mại ngày càng phổ biến. Hiện nay, các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra, áp dụng rào cản thương mại ngày càng đa dạng, từ sản phẩm nông, lâm thủy sản đến các sản phẩm gỗ, linh kiện, kim loại, phụ tùng… Việc gia tăng các biện pháp PVTM khiến nhiều DN phát sinh thêm chi phí, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định trong sản xuất cũng như giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu.
Nhận định nguyên nhân gia tăng rào cản thương mại với hàng xuất khẩu Việt Nam, Bộ Công thương cho biết, hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh trong thời gian qua nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Bên cạnh đó, dịch bệnh càng khiến nhiều quốc gia thận trọng hơn với hàng hóa nhập khẩu vì lo ngại dịch bệnh bùng phát. Đồng thời, nhiều quốc gia cũng tận dụng việc tiêu dùng nội địa để giải quyết sản xuất trong nước.
Do đó, theo Bộ Công Thương, một trong những giải pháp cho tình trạng này là xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến.
Bên cạnh việc tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực cũng cần đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu để tạo chỗ đứng riêng vững chắc trên thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận