Hải Phòng loay hoay xử lý núi chất thải 4,4 triệu tấn
Bãi chất thải 4,45 triệu tấn của Công ty DAP - Vinachem chiếm dụng hơn 20 ha đất, gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên TP Hải Phòng chưa biết xử lý thế nào.
Nhà máy DAP Đình Vũ thuộc Công ty cổ phần DAP - Vinachem (Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An) là dự án nhóm A do Thủ tướng quyết định đầu tư, tổng vốn 172,3 triệu USD, với nhiệm vụ chế biến sâu quặng apatit thành phân bón chất lượng cao. Nhà máy hoàn thành vào tháng 4/2009, sử dụng công nghệ một tấn phân bón DAP thải ra ba tấn bã thải gyps.
Từ năm 2009 đến năm 2022, DAP - Vinachem đã phát sinh hơn 4,7 triệu tấn bã thải gyps. Để xử lý, năm 2010, DAP - Vinachem đã hợp tác với Công ty cổ phần Sông Đá Cao Cường thành lập Công ty cổ phần thạch cao Đình Vũ để chế biến bã gyps thành thạch cao PC làm phụ gia xi măng.
Theo báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, năm 2022, nhà máy chế biến thạch cao từ bã gyps ở Đình Vũ chỉ tiêu thụ được 0,32 triệu tấn bã thải, số lượng rất ít. Hiện TP Hải Phòng vẫn còn khoảng 4,45 triệu tấn bã thải, chất cao khoảng 20 m, rộng hơn 20 ha, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Sở Xây dựng TP Hải Phòng tính toán, nếu DAP - Vinachem duy trì công suất sản xuất phân bón 60% như hiện tại và nhà máy thạch cao nâng công suất tối đa 700.000 tấn/năm thì cần 12 năm để xử lý núi chất thải. Trường hợp DAP - Vinachem nâng công suất lên 100%, tương ứng với lượng chất thải ra là 600.000 tấn/năm thì mất ít nhất 29 năm mới xử lý xong núi chất thải.
Ngày 3/3, tại hội thảo khoa học về giải pháp xử lý, tiêu thụ bã chất thải gyps, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc tổ hợp khu công nghiệp DEEP C, bày tỏ lo lắng: "Mặt bằng của chúng tôi ở cạnh bãi thải khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Chúng tôi rất muốn ngọn núi đó biến mất, nhưng giải pháp đang áp dụng quy mô rất nhỏ. Để tránh ô nhiễm, phải che phủ hoặc tìm biện pháp khác hiệu quả hơn".
Nhiều đại biểu đề xuất ngoài chế tạo thành chất phụ gia cho sản xuất xi măng thì bã gyps có thể làm vật liệu san lấp, đắp nền đường. Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, đánh giá đây là biện pháp xử lý nhanh nhất nhưng cần nghiên cứu, thử nghiệm thêm, trước mắt có thể áp dụng với những con đường nhỏ ở nông thôn.
Ông Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng các nghiên cứu gần đều cho thấy bã gyps không phải chất thải nguy hại, nhưng để áp dụng làm vật liệu san lấp, đắp nền đường thì cần có hướng dẫn kỹ thuật cũng như văn bản cho phép của các bộ, ngành.
Kết luận hội thảo, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban quản lý các khu kinh tế TP Hải Phòng, rất mong các nhà khoa học tiếp tục có đề án nghiên cứu tìm cách biến bãi thải thành tài nguyên. "TP Hải Phòng chủ trương từ nay đến 2025 phải giải quyết bãi gyps nên sẵn sàng đầu tư kinh phí lớn để xử lý", ông Kiên nói.
Đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ bã thải gyps cũng đang là vấn đề cấp bách không chỉ của Hải Phòng. Theo Bộ Xây dựng, ước tính lượng tồn trữ bã thải gyps đến cuối năm 2022 khoảng 12,7 triệu tấn. Trong đó, nhà máy DAP Đình Vũ tại Hải Phòng tồn trữ 4,45 triệu tấn; nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai 2,6 triệu tấn; nhà máy DAP Đức Giang tại Lào Cai tồn trữ khoảng 6 triệu tấn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận