HAGL muốn huy động 1.200 tỷ trồng chuối, nuôi heo, thêm chuyên gia nông nghiệp vào HĐQT
Một tuần trước khi đại hội đồng cổ đông tổ chức, kế hoạch chào bán riêng lẻ vẫn chưa được Hoàng Anh Gia Lai công bố, nhưng 1.200 tỷ đồng là số tiền doanh nghiệp này kỳ vọng.
Bầu Đức đề cử chuyên gia nông nghiệp vào HĐQT
Dự kiến vào ngày 8/4, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) sẽ tổ chức cuộc họp cổ đông thường niên năm 2022 tại khách sạn REX (TP.HCM).
Cập nhật tờ trình gửi cổ đông mới đây, HAGL đã bỏ tờ trình thay đổi số lượng thành viên HĐQT của công ty. Thay vào đó, do bà Nguyễn Thị Huyền đã có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT vào ngày 31/3/2022, công ty chỉ bầu nhân sư thay thế vị trí bỏ trống này.
Bà Huyền công tác tại HAGL từ năm 1996 và được bầu vào HĐQT công ty từ giữa năm 2020. Số lượng thành viên HĐQT của công ty do vậy vẫn giữ nguyên là 5 người.
Cổ đông/ nhóm cổ đông được ứng cử và đề cử nhân sự vào HĐQT đến cuối giờ chiều ngày 7/4. Hiện, đã có một ứng viên cho vị trí này là ông Trần Văn Dai - kỹ sư nông nghiệp từng công tác tại tập đoàn thức ăn chăn nuôi CP Group của Thái Lan trước năm 1999 chuyên về mảng thức ăn chăn nuôi. Ông cũng từng làm chuyên gia dinh dưỡng cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát thuộc Tập đoàn Hòa Phát trong giai đoạn 2015-2017. Từ năm 2011 đến nay, ông Dai là chuyên gia dinh dưỡng, kỹ thuật chăn nuôi tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Dược thú y NASA.
Ông không sở hữu bất cứ cổ phần nào tại Hoàng Anh Gia Lai. Người đề cử ông vào vị trí này là cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu 319,95 triệu cổ phiếu HAG. Con số này cũng chính bằng lượng cổ phiếu của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT và cũng là cổ đông lớn nhất sở hữu 34,5% vốn công ty.
Tận dụng lợi thế quỹ đất, HAGL đặt mục tiêu mở rộng quy mô chăn nuôi lên 1 triệu con/năm
Nông nghiệp là mảng kinh doanh chính hiện tại của Hoàng Anh Gia Lai. Tập đoàn tập trung vào hai lĩnh vực chính là cây ăn trái và chăn nuôi heo. Diện tích cây ăn trái theo kế hoạch là 10.000 ha, trong đó cây chuối chiếm 7.000 ha. Đến cuối năm 2021 HAGL đã trồng được 5.000 ha, sang năm 2022 sẽ trồng thêm 2.000 ha.
Đối với ngành chăn nuôi heo, đến cuối năm 2021, HAGL đã xây dựng được 7 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái và mỗi con heo nái sinh ra khoảng 25 con heo thịt mỗi năm).
Năm 2021, tổng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai là 2.097 tỷ đồng. Công ty có lãi sau thuế 128 tỷ đồng sau một thời gian dài thua lỗ. Con số trên cũng vượt kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2021 với doanh thu mục tiêu là 2.055 tỷ đồng, lãi sau thuế 104 tỷ đồng.
Theo tờ trình gửi cổ đông, chỉ tiêu kế hoạch doanh thu năm 2022 sẽ được nâng lên mức hơn 4.800 tỷ đồng và mức lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng. Về kế hoạch đầu tư, HAGL sẽ xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại trong năm 2022 để nâng tổng số lên thành 16 cụm, với công suất nuôi hơn 1.000.000 con heo thịt mỗi năm.
“Lợi thế cạnh tranh của HAGL là có được quỹ đất rộng lớn xa khu dân cư, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, khoảng cách địa lý và điều kiện vận chuyển đến cảng biển và thị trường tiêu thụ thuận lợi. Sản phẩm chuối và thịt heo là hai loại thực phẩm cơ bản và thiết yếu đối với cuộc sống, thị trường tiêu thụ rộng lớn”, ông Đoàn Nguyên Đức nhấn mạnh trong thông điệp gửi các cổ đông.
Đáng chú ý, công ty vận dụng nguồn lực bổ trợ từ ngành chuối để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho ngành chăn nuôi heo khi dùng chuối loại thải từ ngành trồng trọt (khoảng 200.000 tấn/năm) làm thức ăn chăn nuôi heo, qua đó hạ giá thành sản phẩm. Lãnh đạo HAGL đánh giá sản phẩm “thịt heo ăn chuối” là loại sản phẩm độc đáo, đáp ứng tiêu chí sản phẩm hữu cơ, và tự tin rằng chiến lược kinh doanh trên phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại của xã hội.
Lên kế hoạch phát hành riêng lẻ, huy động tới 1.200 tỷ đồng?
Một nội dung được quan tâm lớn trong kỳ họp lần này là kế hoạch phát hành riêng lẻ tăng vốn. Đến thời điểm hiện tại, tài liệu gửi các cổ đông vẫn chưa cập nhật cụ thể phương án này. Tuy nhiên, chia sẻ trong thông điệp gửi các cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết. HAGL cũng sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cổ phần để huy động vốn chủ sở hữu 1.200 tỷ đồng đầu tư vào ngành chuối và chăn nuôi heo.
Đến cuối năm 2021, quy mô vốn điều lệ của HAGL là 9.275 tỷ đồng. Phần lỗ luỹ kế xấp xỉ 4.467 tỷ đồng, ăn mòn phân nửa vốn điều lệ của công ty.
Với tình trạng thua lỗ hiện tại, việc phát hành tăng vốn qua chào bán cho cổ đông hiện hữu hay chi trả cổ tức là không thể do không đáp ứng đủ điều kiện chào bán.Theo quy định, việc chào bán riêng lẻ sẽ chỉ được thực hiện cho nhà đầu tư với số lượng giới hạn dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trong trường hợp chào bán với giá thấp hơn mệnh giá.
Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược và việc chuyển nhượng cổ phiếu bị hạn chế tối thiểu là 03 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Đóng cửa ngày 1/4, giá cổ phiếu HAG đang được giao dịch ở mức giá 13.150 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 30% so với thời điểm cách đây một tháng. Trong trường hợp HAGL chào bán cổ phiếu bằng mệnh giá, quy mô vốn điều lệ tăng lên 10.475 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của ông Đoàn Nguyên Đức sẽ giảm xuống hơn 30,5% nếu ông không tham gia đợt chào bán này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận