24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tô Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hà Nội: Quy hoạch 9 khu đất vàng sau di dời thành cao ốc 35 - 40 tầng?

nhiều ý kiến lo ngại về 9 khu đất vàng vừa được HĐND TP Hà Nội đã “chốt” phương án di dời nhà máy do các doanh nghiệp quản lý, sử dụng lại mọc lên những cao ốc 35 - 40 tầng và tạo nên gánh nặng cho hạ tầng giao thông.

Sau di dời khu đất vàng, cao ốc lại tiếp tục "mọc" lên?

Năm 2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tiến độ thực hiện di dời các nhà máy diễn ra ì ạch, nhiều khu đất sau di dời lại trở thành những dự án khu đô thị, khu chung cư cao tầng xây dựng hoành tráng. Người dân lo ngại sau di dời, thì tại các khu đất vàng chung cư, cao ốc được xây dựng thay vào các vị trí đó, ảnh hưởng đến quy hoạch tuyến đường, thậm chí đi theo "vết xe đổ" quy hoạch đường Lê Văn Lương.

Cụ thể, 9 khu đất vàng (do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) hiện đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch.

Trong đó, vị trí khu đất vàng thuộc Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, địa chỉ tại 235 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), diện tích hơn 64.000 m2, đang là hệ thống nhà kho, để vật tư phục vụ sản xuất và thành phẩm; nhà xe của cán bộ công nhân viên để đi xe đưa đón đến địa điểm mới tại Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Theo quy hoạch được UBND TP phê duyệt, khu vực này sẽ là đất công cộng của TP và khu vực, hỗn hợp (dịch vụ thương mại và ở), nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.

Liên quan đến khu đất này, vào năm 2015, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi, tỷ lệ 1/500. Theo đó, tại vị trí này sẽ được đầu tư xây dựng thành tổ hợp văn phòng - trung tâm thương mại và dịch vụ nhà ở.

Cụ thể, khu đất quy hoạch tổng diện tích đất khoảng 109.980m2 bao gồm 9.810m2 đất giao thông, 15.180m2 đất công cộng đô thị. Khu vực xây dựng có tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 239.330m2 với chức năng là xây văn phòng (lưu trú có thời hạn); Mật độ xây dựng 35,5%, tầng cao công trình 42 và 46 tầng.

Trong đó, ô đất ký hiệu A-HH có diện tích đất khoảng 15.130m2, mật độ xây dựng khoảng 37,2%, tầng cao công trình 43 và 46 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 249.940m2, quy mô dân số khoảng 3.100 người.

Ô đất ký hiệu E-HH1 có diện tích đất khoảng 18.020m2, mật độ xây dựng khoảng 32,0%, tầng cao công trình 39 và 43 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 242.390m2, quy mô dân số khoảng 3.090 người.

Ô đất ký hiệu E-HH2 có diện tích đất khoảng 18.920m2, mật độ xây dựng khoảng 33,7%, tầng cao công trình 35,39 và 46 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 270.440m2, quy mô dân số khoảng 3.520 người.

Như vậy quy hoạch này đã xác định, sau khi Vinataba Thăng Long di dời, khu đất vàng tại số 235 Nguyễn Trãi sẽ được đầu tư xây dựng thành Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và các công trình công cộng, dịch vụ và nhà ở, quy mô dân số trên khu đất vàng này có thể lên đến gần 10.000 người.

Đường Nguyễn Trãi là một tuyến đường vốn dĩ đã "chật chội" và đông đúc, tình trạng tắc đường, quá tải trên tuyến đường này thường xuyên diễn ra và đã được được báo chí liên tục phản ánh. Vì vậy, tương lai nếu trên con đường này xuất hiện thêm hàng loạt toà cao ốc cao từ 35 cho đến 46 tầng với quy mô dân số lên đến 10.000 người thì hạ tầng khu vực này sẽ ra sao?

Hà Nội: Quy hoạch 9 khu đất vàng sau di dời thành cao ốc 35 - 40 tầng?

Việc xây dựng thêm nhà cao tầng tại các khu đất vàng có thể khiến vấn nạn tắc đường càng khó giải quyết (Ảnh: TN)

Tránh đi theo "vết xe đổ" vỡ quy hoạch đường Lê Văn Lương

Điều khiến dư luận lo ngại là nhìn vào "lịch sử" các quỹ đất sau khi di dời, thay vì tạo quỹ đất phục vụ dân sinh thì nhiều khu đất vàng đã mọc lên cao ốc, chung cư, khiến quy hoạch bị phá vỡ và mật độ dân cư tại các khu vực này quá cao, là "gánh nặng" cho hạ tầng đô thị.

Trước đây, nhiều khu đất vàng đã biến thành các dự án chung cư ngay khi đất vàng vừa được giải phóng. Đơn cử đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất tại số 82 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) bây giờ đã trở thành dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2. Hay như khu đất 3,7 ha tại số 90 Nguyễn Tuân trước đây thuộc Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng, nay cũng đã trở thành một tổ hợp nhà ở thương mại.

Hà Nội: Quy hoạch 9 khu đất vàng sau di dời thành cao ốc 35 - 40 tầng?

Vị trí này trước đây cũng là khu đất vàng, bây giờ đã thành dự án căn hộ Thống Nhất Complex (Ảnh: TN)

Trao đổi với Dân Việt, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, muốn các khu đất vàng được thực hiện đúng các chức năng ưu tiên cho hạ tầng công cộng thì phải có thêm những văn bản dưới luật để ràng buộc các doanh nghiệp sau khi di dời phải bàn giao khu đất tại cơ sở cũ cho thành phố.

"Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn. Ngay cả việc giám sát quá trình khai thác sử dụng đất tại các nhà máy sau di dời cũng phải được thực hiện chặt chẽ hơn nữa", ông Nghiêm nhấn mạnh.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng di dời các cơ sở, nhà máy ra khỏi nội đô để phát triển quy hoạch đô thị, có thêm quỹ đất xây dựng các công trình công viên, cây xanh mang lại không gian sống lý tưởng cho người dân. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây các khu đất sau di dời lại xuất hiện cao ốc "mọc" lên khiến mật độ dân số, mật độ giao thông tăng lên thì ùn tắc giao thông là không tránh khỏi.

"Tôi nhận thấy khu vực đường Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông mà hiện nay nhiều công trình xung quanh vẫn đang tiếp tục xây dựng. Cần phải xem lại quy hoạch khu vực này nếu không tình trạng ùn tắc còn diễn ra cục bộ hơn. Chưa kể gần đó là tuyến đường Lê Văn Lương đang bị phá nát quy hoạch", ông Liên lo ngại.

Những năm qua, tình trạng không tuân thủ định hướng quy hoạch chung, hay điều chỉnh quy hoạch hàng loạt các dự án ở Thủ đô diễn ra khá phổ biến, thậm chí nhiều tuyến đường, khu vực được cho là đã "băm nát" các tuyến phố, phá vỡ quy hoạch tổng thể Thủ đô, gây áp lực tới giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường, điều kiện không gian sống…

Thời gian gần đây, câu chuyện đang được dư luận đặc biệt quan tâm có thể kể đến quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu khi mới đây, kết luận thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường này.

Trong đó, chỉ rõ tình trạng quá nhiều nhà cao tầng gây quá tải, trong khi thiếu trường học, nhà trẻ, giảm tiện ích… Đó là bài học trước mắt dễ thấy nhất mà có lẽ Hà Nội phải rút kinh nghiệm, đặc biệt với những tuyến đường vốn dĩ đã quá tải, thường xuyên tắc đường, lượng xe cộ qua lại đông đúc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả