Hà Nội dự kiến quy hoạch theo chuỗi đô thị
Thủ đô sẽ có chuỗi đô thị Bắc và Nam sông Hồng, hình thành thành phố phía Tây kết nối hai đô thị vệ tinh Hòa Lạc - Xuân Mai.
Tại hội nghị lần thứ 12 (ngày 26-27/4), Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội cho ý kiến một số nội dung, trong đó có đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065).
Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết mô hình và định hướng phát triển đô thị kế thừa đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt trước đây (quy hoạch 1259 ngày 26/7/2011). Theo đó, Hà Nội được quy hoạch theo mô hình chùm đô thị, gồm một đô thị̣ trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn.
Đô thị trung tâm gồm hai khu vực chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng (khu vực Long Biên - Gia Lâm và khu vực thành phố phía Bắc - Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); khu vực chuỗi đô thị phía Nam sông Hồng (khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng, khu vực phía Đông và phía Tây vành đai 4); khu vực sông Hồng - sông Đuống. Đây sẽ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của thành phố và cả nước.
Thành phố phía Tây sẽ phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo; hình thành trên cơ sở kết nối đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Đô thị vệ tinh Xuân Mai.
Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô định hướng mở rộng đô thị vệ tinh Phú Xuyên, tạo đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; hoàn chỉnh đô thị Sơn Tây - đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời hoàn chỉnh khu vực thị trấn, thị trấn sinh thái. Đô thị trung tâm được phân cách với thành phố phía Tây, các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh.
Thành phố cũng đưa ra dự báo sơ bộ về quy mô dân số và đất đai để có cơ sở lập đồ án quy hoạch. Dự báo đến năm 2030, thành phố có dân số 11,4-11,9 triệu; năm 2040 khoảng 13-13,7 triệu; năm 2045 khoảng 13,7-14,6 triệu và 2050 là 14,6-15,5 triệu.
Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn 144.000-145.000 ha; trong đó, đất xây dựng đô thị 110.000-115.000 ha (chiếm 32-34% diện tích đất tự nhiên). Đến năm 2045, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn 160.000-169.000 ha; trong đó, đất xây dựng đô thị 130.000-135.000 ha (chiếm 39-40% diện tích đất tự nhiên). Cơ cấu phân vùng kiểm soát phát triển toàn thành phố dự kiến tỷ lệ đất xây dựng đô thị - hành lang xanh, nông thôn là 40%-60%.
Ông Dương Đức Tuấn cho hay đồ án đang được hoàn thiện, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan. Dự kiến trong tháng 8, thành phố sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng; tháng 10, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội xem xét, thông qua đồ án.
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011. Đây là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô từ năm 2011 đến nay.
Tuy nhiên, Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng và được chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch này. Nguyên nhân là trong quá trình triển khai, một số vướng mắc đã phát sinh, thay đổi so với định hướng quy hoạch chung, phải báo cáo Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh cục bộ. Thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng có những vấn đề mới cần nghiên cứu khớp nối, xem xét trên tổng thể quy hoạch chung toàn thành phố và kết nối liên vùng.
Một số vấn đề chưa được đề cập tại quy hoạch chung như đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, khai thác không gian xây dựng ngầm đô thị. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận