Hà Nội: Cân đối cung cầu, ổn định giá thịt lợn Tết 2021 ở mức hợp lý
Mặc dù nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm 2021, dịp Tết Nguyên đán 2022 được cho là vẫn cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô, tuy nhiên, nguy cơ bất ổn về giá cả mặt hàng này là không thể chủ quan. Do đó, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đề nghị các sở, ngành chức năng của Hà Nội tăng cường kiểm soát, thúc đẩy các giải pháp bình ổn giá thịt lợn.
Dự báo nhu cầu thịt lợn hơi phục vụ nhu cầu Tết (3 tháng) là 57.780 tấn
Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự báo khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị trong dịp Tết 2021 đối với khoảng 10,33 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa vào khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021.
Trong đó, hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đối với mặt hàng thịt lợn hơi khoảng 19.260 tấn/tháng, khả năng cung ứng là 19.000 tấn/tháng (đáp ứng 98,65%). Như vậy, tổng nhu cầu lợn hơi phục vụ nhu cầu Tết (3 tháng) là 57.780 tấn. Trong đó, ngoài nguồn thịt lợn hơi được nuôi tại Hà Nội thì Hà Nội sẽ khai thác nguồn từ các địa phương như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên… và các nguồn lợn nhập khẩu từ Nga, Thái Lan, Pháp, Mỹ…
Ở đầu sản xuất, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, tuy nhiên chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố vẫn phát triển khá ổn định. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ở tất cả nhóm ngành hàng đều tăng. Trong đó, riêng thịt lợn đạt 168.000 tấn/tháng, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2020; sản lượng trứng gia cầm đạt gần 2 tỷ quả, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2020.
Dự kiến trong 3 tháng tới, nguồn cung thịt động vật sẽ được duy trì, với sản lượng thịt trâu, bò, lợn và thịt gia cầm tương ứng là: 465 tấn, 28.000 tấn, 62.000 tấn và 42.000 tấn. Bên cạnh đó là 640 triệu quả trứng gà.
Những tháng cuối năm, Hà Nội đặt mục tiêu tập trung phát triển chăn nuôi bò và lợn để gia tăng giá trị toàn ngành nông nghiệp. Ổn định chăn nuôi trâu và gia cầm. Phấn đấu đến cuối năm 2021, Hà Nội phấn đấu tổng đàn trâu, bò đạt lần lượt 27.000 con và 135.000 con. Phát triển đàn lợn ở mức 1,6 - 18 triệu con. Giữ ổn định đàn gia cầm 40 triệu con…
Kịp thời cân đối cung cầu, ổn định giá thịt lợn ở mức hợp lý
Đánh giá tình hình những tháng cuối năm, các chuyên gia nhận định, mặc dù từ nay đến dịp Tết Nguyên đán 2022, nguồn cung thịt lợn vẫn cơ bản đảm bảo cho thị trường. Tuy nhiên, giá mặt hàng này có thể biến động, tùy thuộc vào nguồn cung, lưu thông, phân phối tại từng địa phương, vùng miền. Đặc biệt, một bộ phận người chăn nuôi tại Hà Nội và một số địa phương hiện còn dè dặt trong tái đàn, tăng đàn lợn, có thể dẫn tới thiếu hụt cục bộ nguồn cung trong một số thời điểm…
Nhằm tăng cường kiểm soát mặt hàng thịt lợn, thúc đẩy các giải pháp bình ổn giá thịt lợn, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã có Công văn số 907/BCĐ389/TP-CQTT đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm dịch, vệ sinh thú y; kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm thịt lợn tại các chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở chế biến, cơ sở giết mổ, các điểm giết mổ tự phát trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân, trang trại chăn nuôi lợn không găm hàng, bán hàng đúng lứa, bảo đảm nguồn cung và giám sát chặt chẽ việc đầu cơ, trục lợi góp phần bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn.
Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cũng đề nghị Sở Công Thương Hà Nội thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường đối với thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng; chủ động và kịp thời có biện pháp nhằm điều hòa và cân đối cung, cầu, ổn định giá thịt lợn ở mức hợp lý; nhất là dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán 2022. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về giá cả thị trường, tránh tình trạng thiếu thông tin về thị trường, gây bất ổn thị trường nhằm nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng đối với thị trường, giá cả mặt hàng thịt lợn.
Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh đối với lợn và thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho lạnh nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng thịt lợn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam qua địa bàn thành phố.
Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý địa bàn, chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt diễn biến, tình hình thị trường, giá bán mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc; kiểm tra việc chấp hành quy định niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết đối với mặt hàng thịt lợn.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và găm hàng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá bán mặt hàng thịt lợn lên cao trên địa bàn quản lý.
Ngoài ra, cần tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, tổ chức công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa cho thị trường nhằm góp phần ổn định giá bán, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng sự biến động của thị trường để găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng thịt lợn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận