Gojek và Tokopedia sáp nhập thành GoTo, 'gã khổng lồ công nghệ' mới ở Đông Nam Á
Gojek và Tokopedia đã thông báo chính thức thực hiện thương vụ sáp nhập trị giá hàng tỷ USD. Cả hai công ty khởi nghiệp giá trị nhất Indonesia không nói rõ giá trị thương vụ sáp nhập, song định giá hai hãng gộp lại lên tới 18 tỷ USD.
Hãng Reuters đưa tin, kỳ lân gọi xe Gojek của Indonesia và công ty thương mại điện tử Tokopedia đã chính thức đồng ý sáp nhập. Vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử các công ty khởi nghiệp Indonesia tạo ra công ty công nghệ mới được hứa hẹn trở thành một “gã khổng lồ công nghệ” của Đông Nam Á.
Được biết, pháp nhân mới mang tên GoTo, lĩnh vực kinh doanh trải dài từ mua sắm trực tuyến, dịch vụ chuyển phát, gọi xe đến giao đồ ăn. GoTo cũng sẽ là hãng công nghệ tư nhân lớn nhất Đông Nam Á.
Theo lãnh đạo 2 công ty, GoTo có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Indonesia và Mỹ vào cuối năm nay. Trong thông báo chung hôm 17/5, định giá trước đây của hai hãng gộp lại là 18 tỷ USD, dựa trên các vòng gọi vốn trong năm 2019 và đầu năm 2020.
Thương vụ sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường gọi xe và giao đồ ăn ngày một khốc liệt tại Đông Nam Á. Việc giãn cách xã hội trong đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu giao hàng thực phẩm, thương mại điện tử và thanh toán điện tử.
Tháng trước, Grab tuyên bố đạt được thương vụ hợp nhất trị giá gần 40 tỷ USD với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (special purpose acquisition company) và công ty internet khu vực có trụ sở tại Singapore Ltd. (SE.N)vốn điều hành nền tảng thương mại điện tử Shopee, đơn vị đang nhăm nhe tiến vào lĩnh vực tài chính và giao đồ ăn.
“GoTo sẽ vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các đối thủ lớn hơn trong khu vực là Shopee và Grab, những công ty đang dẫn đầu về thị phần trong cả thương mại điện tử và thực phẩm", Jianggan Li, Giám đốc điều hành của Momentum Works cho biết.
Các nhà đầu tư hàng đầu của GoTo bao gồm tập đoàn Alibaba, ngân hàng đầu tư Nhật Bản SoftBank, Quỹ Đầu tư Quốc gia Singapore GIC, Google (thuộc Alphabit) và tập đoàn Tencent.
Nguồn tin của Reuters tiết lộ các cổ đông của Gojek sẽ nắm 58% vốn trong công ty mới để cân bằng tỷ lệ nắm giữ vốn với các nhà đầu tư đến từ Tokopdia.
"GoTo sẽ là công ty duy nhất có khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng Indonesia. Nếu nhìn vào các công ty tương đương hiện nay trong khu vực, mỗi công ty dường như chỉ đáp ứng nhu cầu cho 1 lĩnh vực", Chủ tịch Tokopedia, ông Patrick Cao nói với các phóng viên.
Chủ tịch Tokopdia Patrick Cao sẽ trở thành Chủ tịch GoTo, còn CEO Gojek Andre Soelistyo là Tổng Giám đốc của tập đoàn hiện có tới 100 triệu thuê bao hàng tháng và một đội ngũ hơn 2 triệu lái xe đăng ký hoạt động.
Thỏa thuận GoTo đã nhanh chóng diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, sau khi cuộc đàm phán diễn ra nhiều tháng giữa Gojek và Grab bị đổ vỡ.
Các giám đốc điều hành cấp cao của Gojek và Tokopedia - những người có mối quan hệ cá nhân và gia đình, thực ra đã bắt đầu bàn thảo về một thỏa thuận hợp nhất từ năm 2018, nhiều nguồn tin khác nhau cho biết.
Bắt chước mô hình hoạt động của Alphabet - công ty mẹ Google, Gojek và Tokopedia dự định hoạt động độc lập nhưng hợp tác cùng nhau trên các lĩnh vực thanh toán, hậu cần và giao đồ ăn.
Thương mại điện tử đang bùng nổ ở Indonesia, khi giá trị của nền kinh tế kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng lên tới 124 tỷ USD vào năm 2025, theo một nghiên cứu tiến hành năm 2020 của Google, Temasek Holdings và Bain & Company. 17.000 hòn đảo của Indonesia nằm trên một diện tích còn lớn hơn cả Liên minh Châu Âu, khiến cho chi phí vận chuyển ở đây trở nên cực kỳ đắt đỏ.
GoTo hiện cũng đang đặt cược vào công ty tài chính của mình, hiện đang nắm giữ 22% vốn của Bank Jago, một ngân hàng số tại Indonesia.
Một nửa trong số 270 triệu dân Indonesia hiện vẫn chưa có tài khoản ngân hàng nhưng hầu hết trong số họ lại đều sở hữu điện thoại di động.
Các nhà đầu tư cho Reuters biết, việc sáp nhập báo trước một làn sóng niêm yết tại Indonesia, khi mà công ty thương mại điện tử Bukalapak và ứng dụng du lịch Traveloka cũng dự kiến sẽ niêm yết trong năm nay.
“Đây là bước khởi đầu của chúng tôi để chứng minh cách mà các công ty khởi nghiệp trong nước có thể phát triển lên một quy mô lớn và bước từ Indonesia ra thế giới”, Willson Cuaca, người sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm East Ventures cho biết.
Tập đoàn Goldman Sachs là cố vấn tài chính cho Gojek, trong khi tập đoàn Citi là cố vấn tài chính cho Tokopedia.
Davis Polk & Wardwell LLP và Assegaf Hamzah & Partners là cố vấn pháp lý của Gojek và Allen & Overy LLP là cố vấn pháp lý của Tokopedia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường