Gói hỗ trợ Covid-19: Đừng "khuyến khích" doanh nghiệp khó khăn, hãy tăng cường "vaccine" cải cách thể chế
Dù đã thể hiện sự thích nghi và bền bỉ vượt Covid-19 nhưng doanh nghiệp Việt vẫn cần sự hỗ trợ của Chính phủ, với các gói hỗ trợ bài bản hơn.
Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn… đang bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc bị tạm ngừng hoạt động, dẫn đến việc làm, an sinh của người lao động khó có thể duy trì.
Thích nghi và bền bỉ trong "cơn lốc"
Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19” diễn ra mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, năm 2020, doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như sự sụt giảm doanh thu do thị trường tiêu thụ, thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào, thiếu vốn và có tới 65% doanh nghiệp bị giảm doanh thu.
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được đánh giá nguy hiểm hơn rất nhiều khi nó đánh trực diện vào hai "thành trì" mà Chính phủ cố giữ vững trong thời gian qua, đó là cơ sở y tế và khu công nghiệp. Rất nhiều bệnh viện, nhà máy, khu công nghiệp… hiện đang trong tình trạng cách ly. Thách thức lớn như vậy nhưng các doanh nghiệp vẫn đang thể hiện sự thích nghi và bền bỉ trong "cơn lốc" Covid-19.
Tổng Giám đốc Công ty May 10 Thân Đức Việt cho hay, dù chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, trong năm 2020 công ty vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho 12.000 cán bộ công nhân viên. Công ty không có 1 ca F0 hay F1 nào. Doanh thu năm 2020 đạt trên 3.800 tỷ, vượt 30% kế hoạch.
Trong năm 2020, Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như giảm cầu một cách đột ngột. Trong bối cảnh phải "ăn đong" đơn hàng từng tuần, đi vào các thị trường ngách khi chuyển đổi làm mặt hàng bảo hộ y tế, khẩu trang… là cách mà May 10 giữ vững "mặt trận" kinh doanh.
Còn với công tác phòng chống Covid-19, ông Thân Đức Việt cho hay, đây là một thách thức vô cùng lớn với công ty khi mà đặc thù ngành may là sử dụng rất nhiều lao động. Dù chỉ có 1 ca nhiễm nhưng sẽ ảnh hưởng toàn bộ dây chuyền và phải đóng cửa toàn bộ nhà máy.
"Để phòng chống Covid-19, May 10 đã thực hiện đồng bộ và triệt để việc rà soát, truy vết, khoanh vùng người lao động có tiếp xúc hoặc ở gần bán kính ca nhiễm F0, F1. Chúng tôi yêu cầu F2, thậm chí là F3 cách ly tại nhà.
Chúng tôi thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K đối với người lao động từ cổng vào, ngăn nguồn lây… Các bàn ăn đều sử dụng vách ngăn và giới hạn số người từ 6 thành 4, mỗi người 1 buồng. Trên bàn thì có poster tuyên truyền để người lao động khi ăn dù chỉ 5 phút cũng nhìn vào đó để thực hiện", Giám đốc May 10 nhấn mạnh.
Doanh nghiệp "thích" khó khăn?
Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không dễ tiếp cận, nguyên nhân do yêu cầu quá cao và chưa phù hợp với thực tiễn khó khăn của doanh nghiệp.
Đơn cử như tại Công ty May 10, ông Thân Đức Việt cho hay, trong năm 2020, gói hỗ trợ quan trọng nhất là gói 60.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động, nhưng đến nay, May 10 chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Theo ông Thân Đức Việt, nguyên nhân bởi yêu cầu doanh nghiệp phải có doanh thu giảm 30% và lao động giảm 50%, nhưng nếu đáp ứng các tiêu chí này, thì doanh nghiệp đã phải đóng cửa.
Cùng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho hay, trong các gói hỗ trợ của Chính phủ, Sunhouse cũng được hưởng một số cơ chế hỗ trợ chung như chính sách lãi suất hỗ trợ phục vụ sản xuất kinh doanh hay giai đoạn giãn thuế…
Tuy nhiên, ở các quốc gia khác, để nhanh chóng đưa các gói hỗ trợ đến tay doanh nghiệp, họ đã giả định trước địa bàn của tỉnh, thành phố có bao nhiêu doanh nghiệp để có những kịch bản cụ thể. Bên cạnh đó, dựa trên đóng góp của doanh nghiệp như đóng thuế bao nhiêu, số lượng công nhân để quyết các hỗ trợ.
Ông Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh: “Nếu có trước dữ liệu về doanh nghiệp để căn cứ trên số lượng lao động đóng bảo hiểm, số thuế để có hỗ trợ nhanh chóng khi dịch bệnh bùng phát sẽ khuyến khích doanh nghiệp minh bạch và đóng thuế đủ.
Tại Việt Nam, chúng ta lại chỉ tập trung vào nhóm doanh nghiệp khó khăn đồng nghĩa với việc khuyến khích cho người ta khó khăn, thậm chí đẩy họ vào gian dối trong khi có những đơn vị đóng thuế đủ lại không nhận được hỗ trợ".
Cần các gói hỗ trợ bài bản hơn
Để thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, doanh nghiệp cho rằng, cần duy trì những giải pháp tích cực như: tạm hoãn, chậm nộp thuế. Đồng thời, Chính phủ cần có các gói hỗ trợ kịp thời và bài bản hơn.
TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, thời gian qua, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ tương đối đồng bộ, toàn diện với các hỗ trợ về tài khoá, chính sách thuế, gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ an sinh xã hội tiền lương, nhà ở… Tuy nhiên, các biện pháp thực hiện còn rất hạn chế như gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ trả lương cho người lao động.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Có 2 vaccine rất cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam lúc này. Thứ nhất, phải xây dựng quản trị doanh nghiệp minh bạch, có khả năng chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh.
Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thì các chính sách về thể chế rất quan trọng. Làm sao để các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, giải quyết vấn đề tăng trưởng việc làm, thủ tục đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu… và các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Ông Thân Đức Việt đề xuất, cần chia gói hỗ trợ thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là bản thân các doanh nghiệp trong những khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay, căn cứ theo đóng góp của doanh nghiệp đó vào ngân sách. Nhóm thứ hai là hỗ trợ các đối tượng khó khăn và cũng nên chia thành các nhóm doanh nghiệp để xây dựng các gói hỗ trợ khác nhau.
Song song với đó, các gói hỗ trợ nên tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng hồi phục và cần hỗ trợ sao cho xứng đáng, để họ có thể hồi phục và kéo nền kinh tế tăng trưởng. Đối với các doanh nghiệp đóng cửa dài hạn các gói hỗ trợ phải được thực hiện khác.
Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu thì cho rằng, phải chủ động xây dựng các phương thức hỗ trợ. Theo đó, phải xây dựng các kịch bản và tiếp cận theo nhóm đối tượng. Nếu không chú ý đến khía cạnh này, có thể dẫn đến tình trạng bị trục lợi chính sách.
Ví dụ, có những doanh nghiệp, ngay cả khi hỗ trợ thì họ vẫn không thể tồn tại và vẫn rút lui khỏi thị trường. Điều này dẫn đến việc nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí. Vì vậy, phải ưu tiên hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Ngoài ra, phải phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch....
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận